(Thethaovanhoa.vn) - Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12/2019. Sau niềm vui được ghi danh, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của thực hành Then để di sản sống trong cộng đồng, thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ trình UNESCO là một thách thức không nhỏ.
Then sống trong cộng đồng
Trao đổi về vấn đề bảo tồn như thế nào để thực hành Then sống trong cộng đồng, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho biết, thực hành Then là nghệ thuật tâm linh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của 3 dân tộc Tày, Nùng, Thái. Chính vì vậy, Then tồn tại trong cộng đồng Tày, Nùng, Thái một cách tự nhiên như đời sống của con người, như hơi thở, như những giọt mưa, như những cây cối bình dị…
Vì thế, để bảo tồn Then, chỉ cần để đồng bào được thực hành văn hóa của mình một cách chân chính, tự do, lúc đó đồng bào sẽ tự quan tâm, tự bảo tồn Then một cách đúng đắn nhất. Điều chúng ta cần quan tâm hiện nay là, làm thế nào để đưa nghệ thuật âm nhạc của Then ra đời sống sinh hoạt văn hóa thường nhật, để nghệ thuật hát Then, âm nhạc hát Then đi vào đời sống âm nhạc hiện đại.
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể, nên việc bảo tồn Then phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng vai trò của cộng đồng, nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân dân gian – những người rất quan trọng trong việc bảo tồn di sản. Một di sản văn hóa phi vật thể có thể biến đổi, có thể nhuốm màu sắc khác ở từng thời gian khác nhau, nhưng sự thay đổi đó phải được cộng đồng – chủ nhân của di sản công nhận. Chính vì vậy, Then phải được "sống" trong "không gian thiêng" của cộng đồng, thực hành Then phải được bảo tồn trong cộng đồng, trong những người làm Then, là các nghệ nhân thực hành Then, các ông Then, bà Then… Chính quyền địa phương không "làm thay" cộng đồng, bởi điều đó đó sẽ làm sai lệch giá trị di sản.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, vấn đề cần làm sau khi di sản được vinh danh là ngành văn hóa xây dựng và ban hành văn bản mang tính quy phạm pháp luật, hướng dẫn để bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, hướng dẫn các địa phương những việc cần làm, những vấn đề cần lưu ý để bảo tồn Then, để việc thực hành di sản không bị sai lệch.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc liệu thực hành Then có bị biến tướng như đã từng xảy ra trong hầu đồng, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khẳng định, Then trong sạch và sẽ không bị biến tướng. Bởi sinh hoạt của Then không có chuyện vung vãi tiền của, không có chuyện phí phạm. Ông Then đến nhà giúp đỡ người dân, đem tình cảm đến với người dân và việc làm Then được thực hiện theo nguyện vọng của người có nhu cầu. Chính vì vậy, Then là hoạt động văn hóa tín ngưỡng rất cần được tôn vinh.
Trong hồ sơ trình UNESCO ghi danh, những biện pháp bảo vệ di sản cũng đã được đề xuất theo định hướng mà chương trình này khởi xướng. Trong đó có việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và tạo điều kiện phù hợp phục vụ nghiên cứu; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa. Các nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát Then, tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường, xuất bản các ấn phẩm để nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá, di sản Then bằng cách thúc đẩy, khuyến khích những người trẻ quan tâm đến việc thực hành. Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản…
Khuyến khích người trẻ tham gia
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, di sản được vinh danh đã khó, việc bảo tồn di sản "hậu vinh danh" còn khó hơn nhiều. Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, có nhiều khó khăn trong việc bảo tồn di sản thực hành Then hiện nay cần lưu ý. Thứ nhất là về nhận thức. Mặc dù chính sách của Đảng, Nhà nước đã đổi mới nhiều, thực hành Then đã được ghi danh, tuy nhiên trên thực tế, nhiều vùng, nhiều địa phương vẫn còn có quan niệm sai lệch, cho rằng thực hành Then là "hành nghề mê tín dị đoan", điều này ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng thực hành di sản. Chính vì vậy, ngành văn hóa cần chú trọng đến việc truyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, để cộng đồng hiểu đây là di sản, là nghệ thuật và cần phải tôn trọng. Tôn trọng những người làm Then, tôn trọng những ông Then, bà Then - những nghệ nhân thực hành di sản.
Khó khăn thứ 2 trong bảo tồn di sản thực hành Then, là làm sao để việc thực hành Then được phối hợp hài hòa giữa cộng đồng thực hành di sản với các nhà khoa học. Cộng đồng thực hành để bảo tồn di sản, còn các nhà khoa học tham gia với vai trò tư vấn để di sản được thực hành theo đúng như cam kết đã đề xuất trong hồ sơ trình UNESCO.
Một khó khăn nữa trong bảo tồn thực hành Then, là nhà nước, ngành văn hóa cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích lớp trẻ tham gia thực hành Then, bởi thực hành Then được gìn giữ, bảo tồn như thế nào trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào lớp trẻ. Chính vì vậy, bên cạnh việc tổ chức vinh danh, Nhà nước, ngành văn hóa cần có thêm chính sách hỗ trợ về cơ chế, không gian để các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản cho thế hệ kế cận.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn di sản thực hành Then hiện nay là việc vận động được lớp trẻ tham gia hát Then, đàn tính. Trên thực tế, hiện nay, các câu lạc bộ Then phần lớn là lớp trung niên, thiếu những gương mặt trẻ, do đó cần thu hút được lớp trẻ tham gia bởi phải có lớp trẻ kế cận thì nghệ thuật Then mới trường tồn. Chính vì vậy, Nhà nước và ngành văn hóa cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên lớp trẻ tham gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Liên hoan hát Then, đàn tính 2 năm 1 lần nhằm khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ tham gia hát Then, đàn tính. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ, động viên để các câu lạc bộ Then sinh hoạt đậm đặc hơn, thu hút nhiều thành viên tham gia hơn.
Ngành văn hóa và các địa phương nên tính đến việc tổ chức nhiều liên hoan hát Then, đàn tính để nghệ thuật Then luôn có mặt trong đời sống thường nhật. Ví dụ, trước đây chỉ tổ chức Liên hoan hát Then, đàn tính ở quy mô toàn quốc, tới đây, các địa phương nên có những cuộc liên hoan cấp xã, huyện, tỉnh…để đông đảo người dân tham gia.
"Cộng đồng Tày, Nùng, Thái rất dễ tham gia các hoạt động này khi chúng ta khuyến khích, động viên và có giải thưởng xứng đáng. Tôi cho rằng, nếu chúng ta đẩy mạnh hơn nữa, đầu tư, khuyến khích và vinh danh tốt hơn với những người tham gia hát Then đàn tính, thì hát Then đàn tính sẽ trở thành một nghệ thuật Then trong sinh hoạt của cộng đồng. Như vậy, thực hành Then sẽ được cộng đồng bảo vệ và phát triển", nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan tin tưởng chia sẻ.
Phương Lan/TTXVN
Tags