(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020.
Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc
Theo báo cáo, Không gian văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang đứng trước khó khăn, thách thức, phải đối mặt với nhiều nguy cơ do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; người già biết văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời, khó tìm kiếm thế hệ kế cận. Nhiều nơi cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng mà trở thành vật buôn bán, trao đổi, phục vụ cho các mục đích khác, trang trí, sưu tập, cồng chiêng đang có nguy cơ thất truyền, mai một.
Thực trạng trên đặt ra vấn đề cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, kiên quyết nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói riêng. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30/8/2016 về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020, đặt ra nhiệm vụ bảo tồn văn hóa cồng chiêng, giữ gìn, bảo vệ từng bộ chiêng quý, tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, kỹ năng chỉnh chiêng, thẩm âm, diễn tấu cồng chiêng để thế hệ trẻ tiếp tục kế nghiệp các nghệ nhân đã lớn tuổi; bảo vệ những ngôi nhà dài truyền thống để trở thành nơi sinh hoạt cồng chiêng; thường xuyên tổ chức, phục dựng, trình diễn các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với cồng chiêng tại cộng đồng để góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
- Những người 'say nghề' chữa bệnh cho cồng chiêng
- Cồng chiêng dân tộc Cor trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
- NTK Cao Minh Tiến ra mắt BST lấy cảm hứng từ lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, chương trình bảo tồn văn hóa cồng chiêng đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp chiêng và trang phục được các địa phương quan tâm phối hợp, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Số chiêng, trang phục truyền thống được tỉnh cấp cho các buôn, đội văn nghệ đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho các nghệ nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc duy trì tập luyện, tham gia các buổi phục dựng, trình diễn nghi lễ, lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng ở địa phương, trong tỉnh, khu vực, cả nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh.
Qua kiểm kê, đến tháng 8/2020, toàn tỉnh có 2.098 bộ chiêng, trong đó có 1.645 bộ chiêng Êđê; 319 bộ chiêng M'nông; 118 bộ chiêng Gia rai; 5 bộ chiêng Xơ đăng; 4 bộ chiêng Mường; 3 bộ chiêng Bru Vân Kiều; 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na.
Chưa có nhiều hoạt động mang tính bảo tồn trực tiếp tại cộng đồng
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, vấn đề bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng vẫn còn tồn tại những hạn chế, cần được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm giải quyết nhằm duy trì, phát triển ổn định văn hóa cồng chiêng trước tác động của nhiều yếu tố.
Đại diện của Phòng văn hóa thông tin huyện Cư M’gar cho rằng: Trong thời gian qua, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng đa số tập trung vào quản lý nhà nước, chưa tổ chức nhiều hoạt động mang tính bảo tồn trực tiếp tại cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới cần phát huy vai trò chủ thể của nghệ nhân, người dân sinh sống tại cộng đồng thì văn hóa cồng chiêng mới được lưu giữ và có sức sống ngay trong cộng đồng. Có như vậy mới bảo tồn được thực thể văn hóa cồng chiêng như nó đã từng tồn tại trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc Tây Nguyên. Qua đó, thế hệ trẻ mới hiểu được di sản văn hóa của dân tộc mình cần lưu giữ.
Theo Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên (Đại học Tây Nguyên) Trương Thông Tuần, Đại học Tây Nguyên, hiện nay đại đa số sinh viên dân tộc thiểu số đều bị mai một về văn hóa truyền thống, trong đó có Không gian văn hóa cồng chiêng. Nhằm góp phần khôi phục, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, trong thời gian tới nhà trường sẽ đầu tư, mua sắm thêm các bộ cồng chiêng nhằm trưng bày và phục vụ giáo dục cho sinh viên; củng cố đội chiêng trẻ của trường, đảm bảo có sự kế thừa, nối tiếp giữa các thế hệ sinh viên để duy trì bền vững và nhân rộng số lượng đội chiêng, loại chiêng, bài chiêng ngày càng đa dạng. Nhà trường đưa sinh hoạt văn hóa cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa cho sinh viên là người dân tộc thiểu số nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng; khuyến khích nghiên cứu âm nhạc về cồng chiêng và các giá trị liên quan đến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nhằm góp phần bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa này.
Phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO là giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng; từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế; bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đồng bào các dân tộc bản địa nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng; cấp phát cồng chiêng cho các Đội chiêng có thành tích ở các buôn, nhằm khích lệ, động viên tinh thần các nghệ nhân đánh chiêng cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng; mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, kỹ năng thẩm âm, chỉnh chiêng; truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi; truyền dạy dân ca, dân vũ cho con em đồng bào các dân tộc bản địa trong toàn tỉnh nhằm trao truyền cho thế hệ kế cận và mai sau.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo chính thức về việc định kỳ luân phiên tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; có Đề án, Chiến lược dài hạn định hướng về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên, để các tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương; có chính sách hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng hoặc hàng quý cho các “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” để động viên cho các nghệ nhân có thêm tinh thần đóng góp bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng trong những năm tới.
Tuấn Anh/TTXVN
Tags