(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/12, tại thành phố Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Trung tâm Triết học - Văn hóa và Xã hội (Trường Đại học Temple Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực hát Xẩm và văn hóa dân gian.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với 2 điểm cầu tại Ninh Bình (Việt Nam) và Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Đai học Temple (Hoa Kỳ). Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và các quốc gia thảo luận, trao đổi những vấn đề khoa học và thực tiễn nhằm đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống đương đại.
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban Tổ chức hội thảo cho biết, Ninh Bình là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng, được phát triển và lan tỏa đến ngày nay, trong đó phải kể đến loại hình nghệ thuật hát Xẩm được gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ.
Nghệ thuật hát Xẩm ngày nay đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ của nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ, lưu truyền và phát triển, trở thành món ăn tinh thần không chỉ ở vùng nông thôn mà cả thành thị và những đô thị lớn. Trên bình diện quốc tế, nghệ thuật hát Xẩm đã được các nhà khoa học của Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội, Đại học Temple, Hoa Kỳ, đặc biệt là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn nghiên cứu phổ biến trong nhiều năm qua.
Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm một cách bền vững, trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022”.
Đề án có lộ trình thực hiện khoa học, quy mô, bài bản, phù hợp với thực tiễn và huy động được mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện. Hội thảo là một trong những nội dung quan trọng của đề án - dựa trên ý tưởng của Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển nghệ thuật này trong đời sống đương đại.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, hát Xẩm là một trong những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo có bề dày lịch sử hàng trăm năm, tồn tại ban đầu ở vùng đồng bằng trung du châu thổ sông Hồng, sau đó phổ biến trên phạm vi cả nước, trong đó có Ninh Bình - một trong những cái nôi của hát Xẩm và là quê hương của Nghệ nhân tài danh Hà Thị Cầu.
- Hát xẩm - hành trình đến di sản: Những giá trị độc đáo về văn hóa xã hội
- Hát xẩm – Hành trình đến di sản: Nghệ thuật của cội nguồn dân gian
- Liên hoan các Câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc sẽ diễn ra ở Ninh Bình
Theo nhiều nhà nghiên cứu, đặc trưng của nghệ thuật hát Xẩm được quy định chặt chẽ bởi các yếu tố là chủ thể văn hóa, môi trường diễn xướng, hình thức diễn xướng, hệ thống làn điệu, nhạc cụ, văn chương và nghệ thuật diễn xướng.
Trong phạm vi hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ những thông tin liên quan đến nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Xẩm; những đặc trưng của giá trị nghệ thuật hát Xẩm; sự tiếp nhận ảnh hưởng của các thể loại âm nhạc dân gian khác vào hát Xẩm, cũng như sự ảnh hưởng của hát Xẩm vào các thể loại âm nhạc dân gian khác. Những nghiên cứu, ứng dụng hát Xẩm trong giai đoạn hiện nay, bao gồm các sáng tác mới, thay đổi hình thức thể hiện; phân tích thực trạng và nguyên nhân dẫn đến mai một nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống đương đại và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm.
Đức Phương/TTXVN
Tags