(Thethaovanhoa.vn) - Năm Kỷ Hợi 2019, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong đó, cả văn hóa, du lịch, thể thao đã thực sự tạo dấu ấn, điểm sáng nổi bật.
Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định: Văn hóa có tiềm năng kinh tế và đang chứng minh tiềm năng đó. Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ sáng tạo chính là cách phát triển bền vững nhất...
Thành quả xứng đáng
* Trên cương vị “Tư lệnh ngành", ông có đánh giá như thế nào về những thành công của toàn ngành trong năm 2019”?
- Nhìn lại một năm vừa qua, có thể thấy, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Những ngày cuối năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc này đã góp phần khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa… đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Đoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội, xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30). Môn Bóng đá giành được nhiều thành tích ấn tượng trên đấu trường khu vực. Bóng đá nam lần đầu tiên giành Huy chương Vàng tại SEA Games, Bóng đá nữ Việt Nam lập kỷ lục 6 lần vô địch SEA Games. Đây cũng là năm đầu tiên, Việt Nam có Huy chương Vàng môn quần vợt; lần đầu tiên có 2 Huy chương Đồng môn bóng rổ, thành công của điền kinh, bơi, cử tạ… Chiến thắng của Đoàn Thể thao Việt Nam đã làm cho niềm vui được nhân lên trên mọi nẻo đường, con phố, từ nông thôn tới thành thị, đâu đâu cũng tràn đầy tinh thần chiến thắng…Những thành công ở lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam là câu chuyện thần kỳ
- Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện dự buổi tập chương trình 'Lời Bác dặn trước lúc đi xa'
- Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã 'chạm' tới những vấn đề xã hội đang 'nóng'
Năm 2019, du lịch Việt Nam đã tiếp tục đóng góp lớn vào GDP cả nước, lần đầu tiên đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế. Đây là kỷ lục về lượng khách quốc tế đón được một năm trong lịch sử gần 60 năm của ngành. Đồng thời, điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và khu vực. Với kết quả trên, những mục tiêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đang thành hiện thực.
Cùng với việc Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã nỗ lực, triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, đạt được kết quả nổi bật. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa đã giành được nhiều kết quả nổi bật; công tác phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cũng đặc biệt được quan tâm.
Quản lý lễ hội từng bước đi vào nền nếp, các lễ hội điểm nóng đã dần dần thay đổi cách thức tổ chức để phù hợp với đời sống đương đại như chọi trâu Hải Phòng, Hội Gióng đền Sóc, Hội Phết Hiền Quan, lễ hội Đền Trần… Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Trong xây dựng lối sống, nếp sống, việc nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu, tiêu cực trong xã hội đã được ngành Văn hóa thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong xã hội.
Đặc biệt, Bộ đã xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Thư viện, vừa được Quốc hội thông qua. Hiện tại, Bộ đang xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Quốc hội. Việc xây dựng các văn bản luật, chiến lược này đồng thời là cơ sở nền tảng để phát triển văn hóa một cách bền vững...
Những dấu ấn đạt được năm 2019 là thành quả xứng đáng cho sự tận tâm, nhiệt huyết cống hiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước.
Đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm
* Thể thao Việt Nam trong năm qua đã gặt hái được thành công rực rỡ. Những thành công này có phải là kết quả của sự đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm trong thời gian qua, thưa Bộ trưởng?
- Có thể khẳng định rằng, một trong những thành tích nổi bật trong năm qua là chiến công của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 với 98 Huy chương Vàng, xếp thứ 2 tại SEA Games 30, vượt xa mục tiêu đặt ra.
Đặc biệt, sau hàng chục năm chờ đợi, Đội tuyển Bóng đá U22 Việt Nam đã thi đấu quả cảm, xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh để mang về tấm Huy chương Vàng lịch sử. Cùng với đó, Đội tuyển Bóng đá nữ cũng lần thứ 6 giành Huy chương Vàng tại SEA Games. Với thành tích của môn thể thao vua, người hâm mộ đã trải qua những phút thi đấu nghẹt thở, được sống trong không khí của một lễ hội bóng đá thực sự với những cảm xúc thiêng liêng, trong niềm vui sướng, hân hoan, tự hào về Tổ quốc Việt Nam.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã ghi thêm nhiều dấu ấn mới vào lịch sử ngành thể dục thể thao. Trước hết phải nói đến chiếc Huy chương Vàng Olympic 2016 môn bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã góp phần mở ra một thời kỳ mới với nhiều thành công mới của Thể thao Việt Nam. Tiếp đó là ngôi vị Á quân của Đội tuyển U23 châu Á, Cúp vàng AFF Cup, lần đầu tiên lọt vào bán kết Asian Games. Gần đây nhất, là ngôi vô địch SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử của Đội tuyển nam...Những kết quả trên đã thể hiện sự đầu tư đúng đắn, bài bản với chiến lược, mục tiêu đề ra.
Để đạt được những thành tích này trước hết là có sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đối với SEA Games 30, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã xác định dành tối đa nguồn lực tập trung cho các bộ môn, các vận động viên có triển vọng giành huy chương. Trên thực tế, đây cũng là bước chuẩn bị nhân lực vững chắc cho Olympic, Asiad và SEA Games 31 tại Việt Nam năm 2021.
Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch kêu gọi các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất tập luyện cho các huấn luyện viên, vận động viên. Ngoài ra, cũng phải ghi nhận tinh thần, ý chí, bản lĩnh của các vận động viên Việt Nam trong những năm qua đã được rèn luyện. Đó là một trong những nguyên nhân chính để giúp thể thao Việt Nam có được thành công như vừa qua.
Đối với bóng đá, đó là kết quả của cả quá trình dài với nhiều nỗ lực của các đơn vị dành cho bóng đá trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho bóng đá Việt Nam hôm nay…
Cùng với thể thao thành tích cao, các hoạt động thể thao từ quần chúng cũng giành được thành tích khá nổi bật. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội…
Bước đà để bước vào chặng đường phát triển mới
* Năm 2019, ngành Du lịch đã ghi được dấu ấn khó quên nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, “điểm nghẽn”. Vậy, để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành cần có những bước đi nào trong năm mới?
- Từ năm 2015-2018, khách quốc tế đến nước ta tăng gần hai lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu, tốc độ tăng trưởng là 25%/năm. Việt Nam cũng trở thành một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Khách nội địa tăng 1,4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu vào năm 2018, đóng góp 8,4% GDP.
Năm 2019, Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 16,2% so với năm 2018. Với kết quả trên, du lịch Việt Nam đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020) và vượt chỉ tiêu 80% so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đạt từ 10- 10,5 triệu khách quốc tế vào năm 2020.
Trong năm 2019, Việt Nam cũng được trao nhiều giải thưởng danh giá. Đặc biệt lần đầu tiên, vượt qua Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam được vinh danh ở hạng mục “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”.
Tuy vậy, thời gian quan, ngành Du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là nguồn kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu về số lượng, phân bố lao động không đồng đều, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng và giá trị cao. Công tác quản lý điểm đến vẫn còn một số tồn tại như công tác bảo đảm an ninh, an toàn. Vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn, ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, toàn ngành cần tiếp tục đổi mới nhận thức về phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao. Tiếp đến, toàn ngành tập trung tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp công - tư, ứng dụng công nghệ; tiếp tục đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch khi đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết và xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch…
* Trong năm mới Canh Tý 2020, Bộ trưởng có kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển của văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà?
- Những dấu ấn đạt được năm 2019 là thành quả xứng đáng cho sự tận tâm và nhiệt huyết cống hiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bước sang năm 2020 - năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành sẽ tập trung cao độ, đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Về kỳ vọng, tôi trông chờ nhiều vào những tác động tích cực từ các chính sách, phong trào, hoạt động văn hóa đối với vấn đề đạo đức xã hội. Chúng ta đã triển khai nhiều phong trào người tốt, việc tốt, có thêm những chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đi kèm với những chấn chỉnh trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Những chính sách, hoạt động đó đang dần dần đi vào đời sống và lan tỏa để trở thành những giá trị, chuẩn mực, tâm gương tốt cho toàn xã hội. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng là cơ hội để biến khát vọng tăng cường sức mạnh của dân tộc từ văn hóa thành sự thật. Văn hóa có tiềm năng kinh tế và đang chứng minh tiềm năng đó. Phát triển kinh tế từ văn hóa, từ sáng tạo chính là cách phát triển bền vững nhất.
Những chiến công vang dội của thể thao trong năm 2019 cũng là tiền đề để mong đợi những thành công tiếp theo trong năm 2020.
Du lịch Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế, sự ổn định chính trị, vẻ đẹp của văn hóa, con người cộng với những nỗ lực của những người làm du lịch sẽ giúp chúng không chỉ đạt được các giải thưởng du lịch quốc tế uy tín, mà thực sự giành được giải thưởng từ chính tình cảm của các du khách dành cho du lịch Việt Nam.
Tôi tin tưởng trong năm 2020, du lịch sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng ấn tượng, những thành tựu quan trọng trong năm 2019 sẽ tạo đà để ngành Du lịch bước vào chặng đường phát triển mới, chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hà Thanh Giang (thực hiện)
Tags