Bolero - sáng tạo đến đâu? Tiến hay lùi?

Thứ Sáu, 08/09/2017 07:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhận định bolero của Việt Nam là một dòng nhạc riêng, cuộc tọa đàm trực tuyến về bolero (do báo Thể thao & Văn hóa phối hợp với Truyền hình FPT tổ chức hôm 6/9), đã mổ xẻ dòng nhạc này dưới góc độ âm nhạc, đồng thời đặt ra một vấn đề lớn hơn: Ứng xử thế nào với các dòng nhạc mới, cũ (trong đó có bolero)?

Cuộc tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình livestream “Chia sẻ cùng sao” thực hiện vào thứ Tư hằng tuần, phát trực tiếp trên báo điện tử thethaovanhoa.vn, Fangage  facebook.com/baothethaovanhoa/, kênh YouTube youtube.com/thethaovanhoahub, Ứng dụng sự kiện trên truyền hình FPT và sau đó phát lại trên FPT.

Câu nhạc dễ đoán, và nỗi lo remix

*Nhà báo Hữu Trịnh: Ngoài việc nội dung lời ca là một câu chuyện tình yêu gần gũi, dung dị, với lời lẽ mộc mạc bình dân thu hút đông đảo mọi người. Còn xét về mặt âm nhạc, bolero như thế nào? (xét dưới góc độ sáng tác - giai điệu âm nhạc, cảm xúc âm nhạc…)

- Nhạc sĩ Minh Châu: Đầu tiên, khúc thức bolero cũng dung dị như thể điệu, ca từ của nó. Không cần dụng công gì nhiều, những vòng hợp âm của nó đi khá đều đặn, hòa âm ổn định, và tác giả phát triển câu nhạc trên đó cũng khá hài hòa, tuần tự, nghe câu 1 câu 2 là có thể đoán được câu 3 câu 4. Thậm chí nghe câu 3 là đã có thể đoán nó về chỗ nào, kết ở đâu. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Chính vì dễ đoán như vậy, mà ngay cả người bình thường nhất cũng thấy gần gũi. Như con thuyền xuôi dòng nước êm vậy, người ta dễ lên con thuyền đó lắm...

*Nhà báo Hữu Trịnh: Cách viết dễ đoán như vậy thì bolero có được đánh giá cao về mặt âm nhạc không? Viết “dễ” vậy thì có gì để chúng ta học hỏi dưới khía cạnh sáng tác hay không?

- Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Sáng tạo thì chắc chắn phải có rồi, nếu không thì tại sao nhiều người Việt nghe bolero Việt lại thấy rất gần gũi như thế. Nếu ta nghe bolero nước ngoài thì thấy tươi vui hơn, còn của chúng ta thì có riêng một dòng tự sự. Sự sáng tạo của bolero là tiếp thu và biến đổi tiết tấu từ nước ngoài vào Việt Nam rất phù hợp, giai điệu lại rất Việt Nam.

- Nhà báo Nguyễn Minh: Chúng ta nhiều khi cũng đặt ra những cái ngưỡng quá cao, coi sáng tạo là cái gì đó "đao to búa lớn". Riêng với bolero thì khác, với tiết điệu đều đều và giống nhau như vậy, nhưng giai điệu bolero lại rất phong phú, thậm chí có thể phân loại được trường phái của nhiều tác giả. Có người thiên về dân ca Nam bộ như Thanh Sơn, có người đưa  “màu Huế” vào như Mặc Thế Nhân, hay như bài bolero mà mấy năm vừa rồi, ai hát cũng thành hit - đó là Chuyện tình không dĩ vãng, lại có “mùi Hồ Quảng” rất là hay … 

* Nhà báo Hữu Trịnh: Hiện nay có một số người “remix” nhạc bolero để hợp với xu hướng âm nhạc thời đại, điều đó có nên hay không?

- Nhà nghiên cứu Trần Hữu Ngư: Tôi rất dị ứng. Bolero sống được, có nét riêng là nhờ giai điệu, nếu làm mới thì không còn là bolero nữa. Ví dụ Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ, giai điệu đặc trưng như vậy, giờ mà thay tiết điệu thì bài đó chẳng còn hay nữa. Hoặc bài Chiều tàn của Lam Phương, nghe tiếng trống gõ điệu bolero "hay vô cùng tận", thay đổi là mất Chiều tàn.

- Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Thật ra, cái mà chúng ta gọi là remix hiện nay thì từ đầu thập niên 1990 Việt Nam đã làm rồi, gọi là liên khúc. Quan trọng là phải làm sao cho hợp lý, chứ cứ làm vô tội vạ, lấy bài slow để lên rock chẳng hạn, thì nghe rất chướng. Khi làm remix, chúng ta không nên làm biến dạng bài hát đó, nhất là những bài quá nổi tiếng, dễ bị phản ứng, tẩy chay.

Đang trong “chu kỳ” quay về nhạc xưa?

*Nhà báo Hữu Trịnh: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng bolero chiếm đến 70-80% công chúng âm nhạc của xã hội điều đó có đúng là sự thật? Và nếu đông đảo công chúng âm nhạc yêu thích loại nhạc cách đây 50 năm, hiện tượng đó nói lên điều gì? Chúng ta có quá lo ngại hay không? 

- Nhà báo Nguyễn Minh: Chúng ta cứ thích đưa ra những con số, mà thường không có một điều tra rõ ràng, chính xác. Ví dụ như trên truyền hình, Bolero chỉ có vài chương trình thôi, mỗi năm một mùa, còn lại là nhiều chương trình âm nhạc khác như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol… và nhiều loại nhạc trẻ khác, nên không thể có con số 70-80% được. Nhưng về cảm giác thì có thể là nhiều, vì trong môi trường nhạc tạm gọi là trẻ như vậy, tự nhiên "lòi" ra một dòng nhạc xưa, rồi thấy ngôi sao hát nhiều, chứ thật ra không nhiều. 

* Nhà báo Hữu Trịnh: Tôi cũng tò mò, nên lên YouTube để khảo sát thử xem thật sự bolero có áp đảo như vậy không? Cho đến nay, những bài bolero có nhiều người xem nhất nếu so với nhạc trẻ thì không thấm vào đâu, nhiều bài có đến 200 triệu lượt xem, một MV của Mỹ Tâm mới đưa lên hơn 10 ngày mà đã có đến 10 triệu lượt xem. Đôi lúc thông tin về bolero cũng bị phóng đại quá làm mọi người hoảng sợ. Tuy vậy, thực lòng, quý vị có thể thấy điều gì về đời sống âm nhạc khi bolero trở lại và được quan tâm, dù nhiều dù ít?

Chú thích ảnh
 Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (trái) phát biểu trong tọa đàm

- Nhạc sĩ Minh Châu: Tôi nghĩ sự trở lại của bolero là bình thường, vì nó cũng trở lại những điều bình thường, giản dị nhất của con người. Đó là điều tốt, chỉ sợ sau khi nghe nhạc mà người ta dữ tợn, muốn đánh nhau… mới đáng sợ chứ. 

- Nhà báo Nguyễn Minh: Ở góc độ thị trường, âm nhạc thế giời cũng vậy thôi, cứ đến một chu kỳ nào đó, người ta lại quay về nhạc xưa. 10 năm gần đây nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Bob Dylan, Lady Gaga… ra luôn album nhạc xưa đó. Có hẳn một trào lưu hát nhạc xưa xuất hiện, điều ấy cũng bình thường. Chẳng có gì đáng lo ngại khi Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm… hát nhạc xưa, ra album nhạc xưa cả.

Lớp khán giả hàn lâm mới

* Nhà báo Hữu Trịnh: Trên thế giới, nhiều nước vẫn công nhận âm nhạc cổ điển là tài sản âm nhạc quý giá của nhân loại, nhưng hiện nay có rất ít người nghe được, đó không phải lỗi của người nghe. Vì muốn nghe thì phải được học tập và trang bị kiến thức để nghe, khi nghe được sẽ thấy thú vị, vì không gian tưởng tượng rất phong phú. Tôi cho rằng thiếu khía cạnh này là đáng tiếc. Tôi cũng đồng ý với mấy anh rằng nền âm nhạc của chúng ta hiện nay, nhìn đại thể, là nền âm nhạc của ca khúc. Và thưởng thức của chúng ta hiện nay vẫn đa số là những bản nhạc dễ nghe, dễ thuộc như anh Ngư, anh Châu nói. Làm sao để công chúng có trình độ thưởng thức âm nhạc ngày càng cao hơn?

- Nhà báo Nguyễn Minh: Dưới góc độ truyền thông thì nhạc hàn lâm ít ồn ào, khó đưa tin, chứ về mặt đời sống thì vẫn chầm chậm diễn ra, chầm chậm phát triển, không đến mức bi quan. 

- Nhạc sĩ Minh Châu: Cả chục năm tôi vẫn miệt mài tập piano và theo dõi nhiều sự kiện, nhiều tài năng trong lĩnh vực nhạc hàn lâm của thế giới, nhiều tài năng mới xuất hiện, nhưng rõ ràng họ không thể nổi tiếng bằng Justin Bieber, Lady Gaga… điều ấy cũng là bình thường. Hát nhạc pop thì nổi tiếng hơn, vì môi trường nhạc đại chúng rộng lớn hơn môi trường của nhạc hàn lâm. Tuy nhiên, mọi thể loại nhạc đều bình đẳng sống và chết, không thể đổ thừa cho nhau.

- Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Cả nước có 3 trường nhạc, như tôi vào đó là để học khí nhạc, chứ không phải học viết ca khúc, nhưng ra trường thì khác. Ví dụ như tại TP.HCM, vẫn chưa có một nhà hát chuyên cho nhạc hàn lâm, nơi mà nhạc cổ điển khoe hết vẻ đẹp của nó, thì rất khó. Rõ ràng với anh chị em học cổ điển ra, để viết một tác phẩm là rất khó, không phải ở khía cạnh chuyên môn, mà là dàn dựng, rất công phu và tốn kém, tự mình dựng không được.

Ví dụ một ca khúc thì tự mình dựng được, chỉ phí ở mức chấp nhận được, chứ một giao hưởng 4 chương như khi tôi làm tốt nghiệp, ngay chương 1 đã là cả dàn nhạc ngồi tập, ngồi dựng với nhau. Rất khó khăn, tốn kém. Nhạc giao hưởng khó phổ biến là vì vậy, ví dụ vô Chợ Lớn, xuống miền Tây, muốn biểu diễn thì biểu diễn ở đâu?

* Nhà báo Hữu Trịnh: Mọi người đều được tôn trọng, người biểu diễn nhạc bolero cũng như nhạc pop, người nghe nhạc pop cũng như người nghe bolero. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển chung, trách nhiệm của người nghệ sĩ sáng tạo phải như thế nào?

- Nhạc sĩ Minh Châu: Tôi luôn tôn trọng và biết ơn mọi thành tựu âm nhạc, từ giao hưởng thính phòng cho tới bolero, nhưng trách nhiệm của người nghệ sĩ là đi tìm cái mới. Tôi càng trân trọng những nghệ sĩ không đi theo trào lưu, đám đông, mà biết độc lập tìm kiếm những cái mới riêng, để đóng góp vào kho tàng chung. Trong cuộc tìm tòi đó, một trăm bài mà sống được 2-3 bài đã là thành công rồi. Như vài trăm bài bolero còn lại, nó cũng là kết quả của một cuộc sàng lọc từ cả vài ngàn bài.

Bolero - Ai cũng thấy mình trong đó

Bolero - Ai cũng thấy mình trong đó

Bolero là gì? Bolero Việt Nam có điều gì khác biệt so với bolero các nước trên thế giới?

Thương quá 'bolero'…

Thương quá 'bolero'…

Suốt 1 tuần qua, công luận nóng lên với đề tài bolero, kể từ khi Tùng Dương trả lời trong một bài phỏng vấn và anh cho rằng: “Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi”.

Như Hà (lược ghi)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›