(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1988, Bobby McFerrin đã viết nên một trong những thánh ca về hạnh phúc được yêu thích nhất mọi thời đại: Don’t Worry, Be Happy (Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc). Ca khúc này, theo thời gian, lại bị một số nhà phê bình liệt vào dạng thảm họa, cần phải cấm phát vĩnh viễn trên đài. Một lần nữa, đến khoa học vào cuộc và chứng minh rằng sự đơn giản của nó hóa ra chính là chân lý muôn đời của hạnh phúc.
Khi rắc rối bủa vây ta, có thể cách giải quyết đơn giản và triệt để nhất chính là nở một nụ cười. Nghe có sáo rỗng quá không? Có lẽ. Nhưng hãy cùng thử xem.
Nhạc jazz không nhạc cụ
Bobby McFrerrin sinh ra trong một môi trường âm nhạc phong phú: Mẹ Sara là nghệ sĩ solo tại nhà thờ còn cha Robert Sr. là ca sĩ opera có tiếng. Robert Sr. là con của một nhà truyền đạo Baptist, nổi tiếng từ nhỏ bởi giọng hát trời phú. Tuy nhiên, mục tiêu của ông là dạy tiếng Anh và chỉ miễn cưỡng đi thử giọng. Không tránh được số phận, Robert được đưa đi học nhạc và bất chấp những lo ngại về triển vọng nghề nghiệp của một ca sĩ da màu, ông trở thành người da đen đầu tiên biểu diễn tại Nhà hát Metropolitan năm 1954, khi Bobby con 4 tuổi.
- 'Purple Rain' của Prince: Ca khúc thất tình vĩ đại nhất!
- 'Against All Odds' của Phil Collins: Ca khúc bất hủ từ nỗi hận tình
Ở cha, Bobby tìm được người hướng dẫn tuyệt vời nhất; còn ở con, Robert thấy một học sinh có năng lực. Khi nhỏ, Bobby đã luôn say mê những giờ được chơi dương cầm cùng cha. Là một người có tầm nhìn, Robert để con trai phát triển theo mọi hướng, cả cổ điển và phi cổ điển. Chính nhờ thế, ở tuổi thanh niên, khi va phải tiếng sét ái tình - nhạc jazz, Bobby đã có những chuẩn bị tốt nhất.
Tuy nhiên, cũng phải mất vài năm hát trong phòng trống, Bobby mới cảm thấy thoải mái hát giữa đám đông. Buổi diễn đột phá của ông tại Kool Jazz Festival ở New York năm 1981 bị Washington Post châm biếm là “buổi hòa nhạc có lẽ là duy nhất ở Mỹ đi kèm với cảnh báo về các vấn đề sức khỏe cộng đồng”. Với buổi diễn The Art Of Jazz Singing, Times nói thẳng rằng “các ca sĩ đều thành danh, trừ McFerrin”. Nhưng nhờ nó, Bobby có được hợp đồng thu âm đầu tiên, năm 32 tuổi.
Bobby đã nắm chắc ngay lấy cơ hội lớn đầu tiên của mình, tận dụng hết kỹ thuật giọng để lao vào một địa hạt chưa từng có: Đĩa jazz không có nhạc cụ và thậm chí - đáng nói hơn - là không có cả overdub (nhiều lớp nhạc). Ngành công nghiệp âm nhạc lập tức nhận ra viên ngọc sáng này và Bobby liên tiếp nhận được 5 giải Grammy từ năm 1985 tới 1987. Nhưng, vẫn trên cùng nền tảng này, Bobby chỉ nhận được sự chú ý hàng đầu, mở ra một trang mới trong lịch sử âm nhạc cũng như văn hóa đại chúng khi kết hợp âm thanh “vốn tự có” với một triết lý (gây tranh cãi) trong ca khúc Don’t Worry, Be Happy.
Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc
Là bậc thầy về a cappella (hát không nhạc đệm), với giọng hát dày cùng với âm thanh tự tạo (tiếng huýt sao, búng tay, ngân nga…), sự giản dị trong âm nhạc của Don’t Worry, Be Happy càng làm nổi bật thêm ca từ triết lý của nó.
Thế nhưng, hóa ra, nguồn gốc ca khúc - ít nhất là tiêu đề và đoạn ca từ nổi tiếng của nó - lại không tới từ McFerrin mà bắt nguồn từ một nhân vật đặc biệt trong thế giới thiền Ấn Độ: Meher Baba. Sinh ra tại nơi ngày nay là Pune, với cái tên Merwan Sheriar Irani, Meher Baba (có nghĩa là “người cha từ bi” trong tiếng Ba Tư) là bậc thầy tâm linh đáng kính, người từ năm 1925 đến khi qua đời vào năm 1969 đã hoàn toàn giữ mình trong im lặng, chỉ giao tiếp bằng bảng chữ cái hay bằng cách ra dấu tay. Cùng với các đồ đệ, ông đã có thời gian dài sống ẩn dật, nhịn ăn. Sau thời gian ẩn dật, ông du hành tới muôn nơi, giảng đạo và làm từ thiện.
Meher Baba thường dùng cụm từ ngắn gọn “Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc” khi kêu gọi những người theo ông ở phương Tây (ông cũng dùng những phiên bản phức tạp hơn như: “Cố gắng hết sức. Rồi, đừng lo lắng, hãy hạnh phúc trong tình yêu của ta. Ta sẽ giúp”). Tuy nhiên, lối nói ngắn vẫn phổ biến hơn trong thập niên 1960 và xuất hiện rộng rãi trên các áp phích, thiệp chúc.
Chính McFerrin đã nhìn thấy một áp phích như vậy và lập tức bị thu hút bởi thông điệp nhiệm màu này. Sau đó, ông đã xây cả bài hát quanh nó: Nếu anh bị kiện tụng vì quá hạn tiền nhà, không tiền, không phong cách, không người yêu... thì cũng đừng lo lắng bởi khi ta lo lắng thì rắc rối tăng gấp đôi. Bù lại, hãy vui lên, gọi cho tôi khi anh cần.
Bài hát, và đặc biệt là tiêu đề của nó, đã trở thành một biểu tượng văn hóa mới, từ là khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử tổng thống của George Bush năm 1988, châm ngôn sống của nhân vật nổi tiếng Homer Simpson tới lời kêu cứu trong động đất ở Haiti. Như thế, những triết lý tốt đẹp như nguồn nước trên đỉnh núi, hữu xạ tự nhiên hương lan ra tới biển lớn, từ một triết lý tâm linh cho các môn đồ thành khẩu hiệu đại chúng.
Nhưng những thứ nổi bật vẫn luôn gây tranh cãi. Don’t Worry, Be Happy nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả và giới học thuật. Thậm chí, được coi là sẽ trường tồn tới khi nào con người còn nói tiếng Anh và chơi nhạc. Thế nhưng, một số người lại cho nó là thảm họa âm nhạc bởi ca từ giả tạo, đẩy người nghe vào tình trạng tuyệt vọng hơn bao giờ hết và thậm chí, đe dọa nền dân chủ! Theo đó, nếu bị chủ nhà kiện mà lại mỉm cười như McFerrin viết thì họa có dở người!
Mặc dù khoa học vẫn thường vất vả chứng minh là đúng những điều mà thiền tịnh cho là hiển nhiên, nhưng trong thời đại chuộng duy lý hiện nay, hẳn phải dùng khoa học để phân định tranh cãi quanh Don’t Worry, Be Happy. Từng câu trong bài hát đã được nhìn nhận dưới góc độ khoa học và được chứng minh là đúng đắn: Triền miên lo lắng về những rắc rối ảnh hưởng tiêu cực tới tim, một nụ cười bên ngoài có thể làm thay đổi tích cực tâm lý bên trong và thực tế rằng chúng ta thường đánh giá quá cao tác động tiêu cực của các sự kiện xảy đến với mình nhưng mọi người đều có thể hạnh phúc trở lại sau khi chuyện qua đi.
Thế nên, dù thế nào, đừng lo lắng, hãy hạnh phúc!
Ca khúc a cappella đầu tiên đạt No.1 trên Billboard Hot 100 Don’t Worry, Be Happy được phát hành năm 1988. Nó là ca khúc a cappella đầu tiên đạt No.1 trên Billboard Hot 100 bất chấp thực tế rằng a cappella không được các nhà đài ưa chuộng. Không chỉ ở Mỹ, ca khúc còn lừng danh ở nhiều thị trường âm nhạc sôi động khác như No.2 ở Anh và No.1 ở Canada. Tại Grammy 1989, Don’t Worry, Be Happy được trao giải Ca khúc của năm, Bản thu của năm và màn biểu diễn giọng nam pop xuất sắc nhất. Ca khúc được xếp thứ 31 trong 100 Hit kỳ quan nhất thập niên 1980 của VH1 và thứ 15 trong danh sách Những ca khúc huýt sáo hay nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Những tiếng búng tay phóng khoáng của Don’t Worry, Be Happy còn mang tới lời đùa rằng đây là ca khúc reggae No.1 đầu tiên của Mỹ. Dù huyền hoại reggae Bob Marley chưa bao giờ ghi âm nó nhưng luôn có thể tìm được người thề rằng đã nghe ông biểu diễn. Bản thân McFerrin, sau một thời gian, đã ngừng diễn Don’t Worry, Be Happy. Chưa có tuyên bố chính thức về việc này, chỉ có thể đưa ra nhiều dự đoán: Vì chiến dịch tranh cử của ông Bush, vì chỉ trích dư luận, vì yêu thích những ngẫu hứng mới… Nhưng hãy thử tách rời rất cả những chuyện ngoài lề và đơn giản nghe Don’t Worry, Be Happy, biết đâu lo lắng sẽ hóa nụ cười. |
Thư Vĩ
Tags