Ca khúc 'Rockin' Around The Chrismas Tree': Phép màu của một giai điệu đẹp

Thứ Sáu, 25/12/2020 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi khi mùa Giáng sinh tới gần, nhiều người sẽ bắt đầu xây xẩm mặt mày khi đâu đâu cũng phát All I Want For Christmas Is You - ca khúc lại vừa trở lại No.1 Billboard Hot 100. Thế nhưng, ở phương Tây, từ trước khi hit của Mariah Carey xuất hiện và ngay cả giờ, người ta chỉ thật sự thấy mùi đầm ấm sum vầy Giáng sinh khi Rockin’ Around The Christmas Tree của Brenda Lee vang lên trên đài phát thanh.

10 ca khúc Giáng sinh K-pop hay nhất mọi thời

10 ca khúc Giáng sinh K-pop hay nhất mọi thời

Đến mùa Giáng sinh rồi. Người hâm mộ sẽ thấy phấn chấn hơn khi đếm ngược chờ thời điểm vui nhộn nhất trong năm và trong thời gian đó hãy nghe 10 ca khúc Giáng sinh K-pop hay nhất mọi thời.

Ra đời từ hơn 60 năm trước, Rockin’ Around The Christmas Tree hiện vẫn là một trong số những ca khúc lễ hội vĩ đại nhất mọi thời đại. Hẳn sẽ là ngạc nhiên với nhiều người khi kiệt tác này được thu âm bởi một cô gái nhỏ mới 13 tuổi!...

Huyền thoại về một người nhỏ bé

… Nhưng đây không phải là một cô gái nhỏ bình thường.

Sinh ra tại một khu từ thiện ở Georgia năm 1944, Brenda Lee chỉ nặng hơn 2kg. Gia đình rất nghèo, cô thường phải ngủ chung giường với anh chị và lang thang giữa các vùng đất nơi bố mẹ cô tìm được việc làm. Tuy thiếu thốn tới mức không có nước máy nhưng nhà Lee lại một chiếc đài chạy pin - mà cô bé Brenda mê mẩn - và có nhà thờ, nơi cô hát mỗi Chủ nhật. Khi Lee thậm chí chưa lên 3, mẹ và chị gái đã hay dẫn cô tới các hiệu kẹo địa phương. Ở đó, cô sẽ hát để kiếm ít đồng lẻ hoặc kẹo.

Chú thích ảnh
Tuổi nhi đồng nhưng thành tích trên BXH tại Mỹ của Brenda Lee ở thập niên 1960 chỉ xếp sau Elvis Presley, The Beatles và Ray Charles

Giọng hát thiên bẩm, gương mặt đáng yêu cùng biểu cảm sinh động trên sân khấu của Lee đã thu hút đông đảo khán giả ngay khi cô mới 5 tuổi. Ở tuổi lên 6, cô thắng giải ca hát giữa các trường tiểu học địa phương. Phần thưởng là được xuất hiện trực tiếp trên đài Atlanta.

Khi cha qua đời năm 1953, Lee lúc đó mới 10 tuổi nhưng đã là trụ cột gia đình nhờ ca hát tại các sự kiện, đài phát thanh và truyền hình địa phương. Nhiều lần, vì quá nhỏ bé, mic hát của Lee được hạ mức thấp nhất còn cô thì đứng trên một chiếc thùng gỗ.

Bước đột phá tới với Lee là vào tháng 2/1955, khi từ chối 30USD xuất hiện trên đài Swainsboro để gặp huyền thoại đồng quê Red Foley khi đó đang đi lưu diễn ở Augusta. Một DJ địa phương đã thuyết phục Foley nghe cô bé hát trước buổi diễn. Foley đồng ý và để Lee biểu diễn Jambalaya trên sân khấu đêm đó, không cần diễn tập.

Chú thích ảnh

“Tôi vẫn còn ớn lạnh khi nghĩ về lần đầu tôi nghe thấy giọng hát đó. Một chân bắt đầu đập nhịp như thể cô bé đang dập tắt một đám cháy trên thảo nguyên, không thớ cơ nào trong cơ thể nhỏ bé ấy giật mạnh như vậy. Khi cô bé thực hiện kỹ thuật chuyển âm vực, tôi choáng váng tới mức quên rời sân khấu. Thế là tôi đứng đó như trời trồng, sau 26 năm ngỡ mình đọc được cách thể hiện bản thân trước khán giả, miệng há hốc còn mắt trợn tròn” - Foley nhớ lại.

Chính từ đây, cô ra mắt như một nghệ sĩ, có được hợp đồng với với hãng Decca và bắt đầu thu âm nhạc. Không ngạc nhiên khi với từng ấy tài năng, trong giai đoạn cuối thập niên 1950, giữa 1960, vẫn đang ở tuổi thiếu nhi, Lee đã có nhiều hit tầm quốc gia ở cả dòng đồng quê, pop và rock and roll. Có thể kể tới như: Jambalaya, Sweet Nothin’s (No.4), I Want To Be Wanted (No.1), All Alone Am I (No.3), Fool #1 (No.3), That’s All You Gotta Do (No.6), Emotions (No.7), You Can Depend On Me (No.6), Dum Dum (No.4), Break It To Me Gently (No.2), Everybody Loves Me But You (No.6) và As Usual (No.12).

Từ That’s All You Gotta Do năm 1960 tới All Alone Am I năm 1962, Lee giữ kỷ lục là nữ nghệ sĩ solo có nhiều Top 10 liên tiếp nhất với 9 lần và phải mãi tới năm 1986, Madonna mới vượt qua kỷ lục này.

Tuy nhiên, sản phẩm bán chạy nhất trong sự nghiệp của Lee lại thuộc về một ca khúc Giáng sinh: Rockin’ Around The Christmas Tree, phát hành năm 1958, khi cô còn chưa lừng danh.

Ơn Chúa ban

Năm 1958, khi Lee 13 tuổi, nhà sản xuất Owen Bradley yêu cầu cô thu âm một ca khúc mới của Johnny Marks. Marks khi đó là nhạc sĩ người Do Thái đã rất thành công khi viết những giai điệu Giáng sinh cho các ca sĩ đồng quê mà nổi bật nhất là Ruldolph The Red-Nosed Reindeer (Gene Autry) và A Holly Jolly Christmas (Burl Ives). Tới nay, ông nằm trong số những nhạc sĩ viết nhạc lễ hội thành công nhất lịch sử âm nhạc.

Chú thích ảnh
Brenda Lee trên bìa đĩa đơn “Rockin’ Around The Christmas Tree”

“Johnny đang nằm trên bãi biển, nơi có rất nhiều cây thông quanh đó, khi ông bắt đầu viết ca khúc” - Lee - mà sau này sẽ giữ tình bạn trọn đời với Marks - nhớ lại về bối cảnh ngày đó. “Ông hoàn thành nó tại nhà nghỉ rồi gọi điện cho đơn vị xuất bản nhạc và nói: Tôi muốn Brenda Lee hát ca khúc này”.

Nhìn lại, Lee không chắc Marks thấy gì khi chỉ đích danh cô. “Tôi không biết sao lại vậy. Hẳn phải là Chúa ban cho. Tôi lúc đó mới 12 tuổi và chưa gặt hái được nhiều thành công. Vì lý do gì đó, ông ấy nghe tôi hát và muốn tôi hát ca khúc. Và tôi đã làm”.

Lee thu âm ca khúc vào tháng 7. Dù khôngtrong dịp lễ, Bradley đã nỗ lực giữ đúng tinh thần Giáng sinh. “Khi tôi bước vào phòng thu, Owen đã hạ đèn, để điều hòa, tôi nghĩ, là ở 0 độ, và ông mang cả cây Giáng sinh cùng đèn Giáng sinh. Điều đó thật đặc biệt” - Lee nhớ lại.

Chú thích ảnh
Brenda Lee của năm 2019. Ảnh: Internet

Hơn thế, đội ngũ thu âm cùng Lee đều là những nhân vật hàng đầu Nashville, là các huyền thoại Hank Garland và Grandy Martin trên tiếng guitar tưng tưng, Boots Randolph trên tiếng saxophone khàn khàn còn Anita Kerr Singers làm giọng nền. “Đó là một phép màu, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều biết vậy” - Lee nói. “Dù nó mất vài năm mới cất cánh, nhưng một khi đã làm được, nó thật hoành tráng”.

Quả vậy, hãng Decca phát hành Rockin’ Around The Christmas Tree ở dạng đĩa đơn vào tháng 11 nhưng chỉ bán được 5.000 bản và cũng không khả quan hơn khi tái bản năm 1959. Nhưng sự chú ý tăng vọt dành ca khúc đã đến từ năm 1960, sau khi Lee tung hit I’m Sorry - đĩa đơn vàng đầu tiên của cô và được đề cử giải Grammy. Từ đó trở đi, Rockin’ Around The Christmas Tree luôn là giai điệu yêu thích của tháng 12.Năm 1990, ca khúc được thổi luồng sinh khí mới, tiếp cận với thế hệ thậm chí chưa sinh ra khi Lee nổi danh, khi xuất hiện trên bộ phim bom tấn Home Alone. Tính tới nay, nó đã bán được hơn 5 triệu bản.

Brenda Lee cũng biểu diễn Rockin’ Around The Christmas Tree tại tất cả các hòa nhạc của mình, không kể nó là mùa nào và nói rằng có thể hát nó “hàng ngàn, hàng ngàn” lần nữa. Khán giả yêu thích nó ngay cả giữa tháng 8 nắng nóng và với Lee, nó không bao giờ cũ. “Đó là phép màu của một ca khúc hay” - Lee giải thích. “Bạn không bao giờ thấy mệt khi hát nó”.

Và rõ ràng là khán giả cũng không bao giờ thấy mệt khi nghe nó. Rất nhiều nghệ sĩ các thế hệ đã hát lại Rockin’ Around The Christmas Tree và tuần này, nó đang đứng No.3 trên BXH Billboard Hot 100.

Nhảy múa quanh cây Giáng sinh

Rockin’ Around The Christmas Tree quá nổi tiếng tới mức nhiều người vẫn tưởng rằng chính Brenda Lee đã sinh ra ý tưởng nhảy múa quanh cây thông Noel với ca khúc. Nhưng thật ra, truyền thống này đã có từ lâu.

Vào thế kỷ 14, cây được trang trí với nào kẹo, nào bánh và những cây nến nhỏ được đặt trong vỏ trứng được tô vẽ giữa những cành cây. Trong ngày thứ12 của mùa Giáng sinh, theo truyền thống được cho là ngày mà cáchiền sĩ mang quà tới máng cỏ ở Bethlehem, cây Giáng sinh được rung và tất cả bánh kẹo, nến sẽ rơi khỏi cành xuống sàn. Những đứa trẻ sẽ được phép ăn tất cả những gì rơi xuống và vì vui thích, lũ trẻ thường nhảy múa tưng bừng quanh cây Giáng sinh suốt cả đêm.

Nội dung của Rockin’ Around The Christmas Tree đã vẽ lại đúng cảnh tượng tưng bừng này. Phải chăng, đó chính là lý do Marks chọn Lee để hát? Phải là một cô bé 13 tuổi mới hiểu được sự hân hoan trong sáng khi nhảy múa chờ bánh kẹo rơi từ cây Giáng sinh!

Thư Vĩ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›