Ca khúc 'Sympathy for the Devil' tròn 50 tuổi: Huyền thoại về bản hít 'rùng rợn' nhất của Rolling Stones

Thứ Ba, 11/12/2018 08:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 50 năm tồn tại, Sympathy for the Devi của ban nhạc rock huyền thoại Rolling Stones đã gặt hái vô số thành công. Thế nhưng, đó cũng là ca khúc “đen đủi” nhất của họ, khi từng bị cho là gây nên cái chết của một khán giả, khiến một studio bốc cháy và nhiều sự kiện rùng rợn khác.

Rolling Stones sẽ có buổi trình diễn 'lịch sử' ở La Habana

Rolling Stones sẽ có buổi trình diễn 'lịch sử' ở La Habana

Hôm 1/3, ban nhạc rock huyền thoại Rolling Stones thông báo trên trang web của ban nhạc, họ sẽ thực hiện chương trình hòa nhạc đầu tiên ở Cuba vào ngày 25/3.

Được Mick Jagger và Keith Richard (2 thành viên của Rolling Stones) sáng tác, Sympathy for the Devil là ca khúc mở đầu của album Beggars Banquet (1968).

Lấy cảm hứng từ… quỷ Satan

Khi Rolling Stones tung ra album Beggars Banquet, nó được xem như “câu trả lời” của Rolling Stones đối với kiệt tác Sgt. Pepper của nhóm nhạc đồng hương Beatles. Và, Jagger đã lấy cảm hứng từ người bạn gái thời điểm đó của mình, ca sĩ Marianne Faithfull, để viết Sympathy For The Devil.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Rolling Stones trình diễn tại liên hoan Altamont năm 1969

Trước đó, Marianne đã thuyết phục Jagger đọc The Master And Margarita, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga Mikhail Bulgakov, trong đó quỷ Satan không xuất hiện với những chiếc sừng truyền thống, quần màu đỏ tươi và cây chĩa mà thay vào đó là diện mạo của một giáo sư, đưa ra những bình luận dí dỏm về những điều phi lý và sự tàn bạo…

Đọc xong cuốn tiểu thuyết đó, Jagger có cảm hứng sáng tác ca khúc này. Nhưng so với sách, ca khúc có phần ca từ khác hơn một chút, trong đó mô tả ác quỷ là “người giàu có và có thị hiếu”, đồng thời thích thú được can thiệp vào các vấn đề của con người.

Chú thích ảnh
Mick-Jagger trình diễn "Sympathy For The Devil" cùng các nghệ sĩ trống châu Phi tại Hyde Park hôm 5/7/1969

Thực ra, đây là một sự “thực hành” về văn học trong âm nhạc, chứ không hẳn khơi gợi về Satan. Tuy nhiên, dường như có những điều kỳ lạ xảy ra khi Rolling Stones trình diễn ca khúc này, đặc biệt là khi các lần trình diễn của họ có sự “tháp tùng” của Anita Pallenberg, bạn gái Keith Richards, người mà nhiều thành viên trong đoàn tin cô là một phù thủy da trắng.

Quá trình thu âm ca khúc dài 5 ngày của Rolling Stones đã được đạo diễn Pháp Jean-Luc Godard ghi lại và ông đã mượn tên ca khúc làm tựa đề cho bộ phim tài liệu về việc văn hóa Mỹ “càn quét” khắp châu Âu.

Chú thích ảnh
Mick-Jagger trình diễn tại Manchester Belle-Vue hồi năm 1973

Trong quá trình thu âm, một sự cố điện đã xảy ra và thiêu hủy toàn bộ studio, song thật kỳ diệu là những chiếc băng mới hoàn thành một nửa của Sympathy For The Devil không hề bị hư hại.

Jagger trình bày trực tiếp ca khúc này lần đầu tiên tại một chương trình hòa nhạc miễn phí của ban nhạc tại Hyde Park ở London hôm 5/7/1969.

Bài hát này còn được xem là tác phẩm tưởng nhớ Brian Jones, thành viên sáng lập kiêm nghệ sĩ guitar chính của Rolling Stones, khi 2 ngày trước đó người ta phát hiện ra Jones đã chết trong bể bơi tại dinh thự Sussex của mình.

Chú thích ảnh
Mick Jagger trình diễn tại Indianapolis Motor Speedway hôm 4/7/2015

Mặc chiếc áo dài diềm xếp nếp màu trắng, Jagger đọc một bài thơ của Shelley để tưởng nhớ Jones, sau đó thả hàng trăm con bướm trắng vào đám đông khoảng 250.000 người.

Jagger kết thúc màn tôn vinh Jones với màn diễn Sympathy For The Devil, xung quanh là các nghệ sĩ châu Phi trong trang phục truyền thống. Sân khấu ngày hôm đó nằm trong sự bảo vệ của British Hell’s Angels, một băng đảng mô tô khét tiếng nhất thế giới.

Lập tức được tán thưởng, ca khúc này đến giờ đã lọt vào Top 10 bảng xếp hạng ở nhiều nước, được lấy làm tựa đề cho một bộ phim của nhà làm phim Pháp Jean-Luc Godard, xuất hiện trong nhiều chương trình trò chơi, truyện tranh và đứng thứ 32 trong danh sách “500 ca khúc hay nhất mọi thời” của tạp chí Rolling Stone.

Bi kịch

Khi Rolling Stones tham gia trình diễn tại liên hoan âm nhạc Altamond ở California hồi tháng 12/1969, ban nhạc cũng tràn đầy hứng khởi như khi tham gia nhiều liên hoan âm nhạc khác. Nhưng hóa ra, liên hoan âm nhạc Altamond đã trở nên hỗn loạn, bạo lực khủng khiếp và người ta cho rằng nguyên nhân chính là từ ca khúc Sympathy For The Devil.

Thật ra, đây không phải là chương trình hòa nhạc của Rolling Stones mà còn có nhiều ban nhạc Mỹ khác như Grateful Dead, Jefferson Airplane, Crosby, Stills & Nash và Flying Burrito Brothers. Nhưng Stones là tâm điểm chương trình.

Khi Rolling Stones vừa mới xuất hiện để chuẩn bị cho màn diễn của mình, Mick Jagger quấn mình trong một chiếc áo choàng màu cam và đen cho đỡ lạnh. Dù vậy, sức hút huyền thoại của Jagger không thể thu hút được lượng lớn khán giả như mọi khi. Lúc đó nhiều ánh mắt đang dồn về các “nhân viên an ninh” Hell's Angels - băng đảng mô tô “khét tiếng” ở Oakland.

Ban tổ chức đã mời các thành viên của Hell’s Angels, tới đây nhằm ngăn chặn các khán giả quá khích phá hỏng sự kiện âm nhạc này. Dù vậy, các thành viên của Hell’s Angels chỉ ngồi trong những chiếc xe đầy bia và thuốc kích thích, sau đó họ chạy như điên với những chiếc gậy khua vào đám đông.

Chú thích ảnh
Các thành viên của Hell’s Angels cầm gậy đánh khán giả

Trong bối cảnh ấy, ban nhạc Grateful Dead đã sợ hãi rời khỏi liên hoan mà chưa kịp trình diễn. Tiếp đó là các nhóm Crosby, Stills và Nash. Nhưng Jagger quyết định Stones phải ở lại với lo ngại nếu họ hủy diễn tiếp thì bạo lực càng gia tăng.

Họ bắt đầu trình bày Sympathy For The Devil, nhưng màn diễn này phải dừng lại khi có tiếng huýt còi phản ứng. Jagger cố gắng xoa dịu tâm trạng đang phấn khích của khán giả, chọn hát ca khúc có giai điệu vui vẻ hơn, Under My Thumb. Nhưng cách sân khấu khoảng gần 3m, đám đông khán giả bỗng nhiên giãn ra, xuất hiện một chàng trai cao lớn trong bộ đồ màu xanh da trời, lao về phía sân khấu với tay phải giơ cao.

Gần 10 thành viên của Hell’s Angels đã chặn anh ta và một người đã đâm dao sau lưng chàng thanh niên này. Nạn nhân tên là Meredith Hunter. Anh 18 tuổi và là một trong số ít khán giả người Mỹ gốc Phi có mặt tại liên hoan.

Khi nhiều khán giả dùng cà phê nóng để rửa máu từ những vết thương của Hunter, Jagger vẫn gan lì diễn trên sân khấu. Như lời kể, đó không phải là sự vô cảm, mà vì anh lo ngại nếu ngừng trình diễn bạo lực còn có thể tồi tệ hơn.

Khi Jagger và ban nhạc thoát khỏi chương trình, Hunter đã chết. Và cho đến giờ, vẫn chưa có lời giải thích hợp lý nào về việc người đàn ông trẻ ấy đã cố lao lên sân khấu.

Và bây giờ, sau 50 năm, nhìn lại thời điểm ấy, ít người hình dung được về nỗi kinh hoàng mà Sympathy For The Devil từng gây ra. Ca khúc bị coi là gắn với việc làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn vốn thường có trong những chương trình biểu diễn nhạc rock của họ.

Việt Lâm (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›