(TT&VH) - Ngày 5/10/2008 này Nhà thơ Đỗ trung Lai sẽ tổ chức giới thiệu bộ sách dịch thơ Đường của mình về ba nhà thơ vĩ đại Trung Hoa: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Cũng nhân dịp này ông tổ chức một triển lãm thơ Đường và tranh vẽ tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu.
1. Thời đại nhà Đường (618 - 907) ở Trung Hoa cách đây đã hơn 1300 năm, nhưng thơ Đường vẫn được người ta đọc và dịch. Có lẽ Đường thi đã nêu ra được tính bất biến của đời sống nhân văn và một giá trị văn chương giản dị mà sâu sắc, tới mức Đường thi trở thành một khái niệm mỹ học. Với hàng nghìn nhà thơ và hàng trăm nghìn bài thơ, thơ Đường thực sự là một khu rừng đầy cây cỏ muông thú, mà những người tự cho là hiểu thơ Đường nhất cũng chỉ ngắm được vài cái cây, bẻ được vài cành lá, và may mắn lắm thì nhặt được vài bông hoa và quả chín.
Cho nên đọc thơ, dịch thơ và làm thơ Đường dù đã phổ biến ở nước ta đến ngàn năm qua, nhưng cũng chưa bao giờ thành chuyên nghiệp cả. Người dịch được sát ý thì thiếu hồn thơ, người thì toát lên được hồn thơ thì lại không hết ý. Ví dụ dịch hay như Tản Đà với câu Hạc vàng bay mất từ xưa / Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay, trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, nguyên văn: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản / Bạch vân thiên tải không du du, thì vẫn còn sót một ý: một đi không trở lại. Hay câu: Xá nam xá bắc giai xuân thủy / Hốt kiến quần âu nhật nhật lai của Đỗ Phủ. Đàn hải âu tung cánh chập chờn trên vùng sông nước mênh mông, cảnh tượng hoành tráng và hoang vu như thế, mà không hiểu sao tất cả những ông đồ nước ta lại dịch ra là đàn vịt bơi, hay đàn cò bay!
2. Cách đây hai năm, tôi nhờ Đỗ Trung Lai viết cho những bài bình thơ trên tạp chí Khoa học và Tổ quốc, chọn thơ nào bình ra sao là tùy ông. Dịp tết năm đó ông đã dịch và bình bài Tương tiến tửu của Lý Bạch, và ngay lập tức nhiều người cho rằng đây là bản dịch hào sảng nhất về bài thơ. Ngay ba câu đầu Lý Bạch viết : Quân bất kiến / Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/Bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Ông dịch:
"Anh không thấy Nước trời rơi mãi Thành mênh mông một dải Hoàng Hà Chẩy mau về với biển xa Có trôi trở lại cùng ta bao giờ…" |
Như vậy Đỗ Trung Lại vừa nắm được cái khẩu khí của nguyên tác, lại mạnh dạn đưa vào trong bản dịch cái cảm hứng thi ca của chính mình. Cái dịch thơ của một nhà thơ có khác một sự dịch thông thường. Trong vòng hơn một năm không còn hứng thú với công việc làm báo và hành chính, Đỗ Trung Lai đi uống rượu, đánh bóng bàn, bàn chuyện thế sự và bóng đá, rồi cặm cụi dịch thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị liền một mạch. Ông cũng sống phong lưu và lang thang trong trời đất như các bậc ẩm giả ngàn năm trước, tất nhiên chỉ có thu nhập bằng đồng lương, nhưng đã có một gia tài khác là ba tập thơ dịch, tuy có nhiều chỗ còn phải bàn, nhưng chắc chắn là rất hào sảng. Vì ông coi việc dịch giống như nhật thường làm thơ vậy, cái gì không biết thì tra cứu, hỏi han, nắm lấy đại ý, chuyển thoát ý tưởng của cả bài chứ không quá phụ thuộc vào từng câu chữ.
|
3. Lý Bạch (701 - 762) nhà thơ vỹ đại của Trung Hoa được coi như bậc Tiên thi, Đỗ Phủ cũng vĩ đại như thế được coi là Thánh thi, còn Bạch Cư Dị ( 772 - 846 ) cũng là nhà thơ lớn đáng gọi là Thế thi, lập nên cái đỉnh ba chân trong thơ ca Trung Hoa. Theo như Đỗ Trung Lai cái đỉnh ba chân thời Tam quốc Ngụy - Thục - Ngô chỉ tồn tại trong vòng 60 năm, còn cái đỉnh ba chân Lý - Đỗ - Bạch thì đã tồn tại hơn ngàn năm, vẫn còn làm say đắm lòng người. Phong cách siêu thoát của Lý Bạch làm cho con chim hạc ngôn từ không dễ chuyển hóa, triết lý hiện thực sâu sắc của Đỗ Phủ làm cho những bản dịch trở nên gai góc gồ ghề, còn tình ý thâm nhã của Bạch Cư Dị cần một diễn đạt tinh tế nhất.
Có thể nói, Đỗ Trung Lai không thể làm tất một cách đồng bộ những hàm ý chính yếu của từng thi nhân, nhưng ông đã từng trải trong thi điệu của mỗi người, và qua nhiều bài cụ thể làm nên một giọng điệu cũng tương đồng với bản gốc Hán. Điều ấy có được vì trước hết Đỗ Trung Lai là một nhà thơ. Ông rất xuất sắc trong thơ ngũ ngôn, song thất lục bát, lục bát, đặc biệt thơ bốn chữ, sáu chữ và thơ bẩy chữ có nguồn gốc từ thất ngôn cổ thi và thất ngôn tuyệt cú. Đại loại ông viết: Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày càng thấp/ Cau gần với giời/ Mẹ thì gần đất. Cái ý vị nhân văn đó nào có kém gì cổ thi.
Phan Cẩm Thượng