(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Đức Lộc - một chàng trai trẻ thế hệ 9X nhưng lại có tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, đã dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Với cách riêng của mình, Nguyễn Đức Lộc đã gìn giữ và làm giàu từ chính những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.
Tình yêu với cổ phục
Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Đức Lộc, đó là một chàng trai thế hệ 9X hiện đại, trẻ trung, năng động… hình tượng ấy rất dễ để liên tưởng đến một "cậu ấm" con nhà có điều kiện, quen được hưởng thụ, chứ hoàn toàn có vẻ không giống như một người đang nghiên cứu, tìm hiểu, phục dựng trang phục cổ của người Việt. Thế nhưng, khi trò chuyện với Lộc, rất dễ bị cuốn hút bởi sự chín chắn, sự hiểu biết của cậu về văn hóa, về trang phục cổ, về cách Lộc đưa trang phục cổ đến với công chúng.
Chia sẻ về cơ duyên đưa một chàng trai trẻ đến với cái nghề dường như chỉ dành cho những người có tuổi? Lộc cho biết ban đầu có thể đó là cái duyên, sau đã thành cái nghiệp .
Nói vui là vậy nhưng thực tế, con đường đưa Nguyễn Đức Lộc tìm về với văn hóa truyền thống cũng bắt nguồn từ những căn nguyên sâu xa. Từ nhỏ, Lộc đã yêu thích văn hóa, lại học giỏi môn sử, say mê đọc sách về lịch sử dân tộc, thường xuyên tham quan các di tích lịch sử Việt Nam, nên tình yêu với văn hóa truyền thống ngày càng lớn dần trong chàng trai 9X. Ông ngoại Lộc làm thợ may, nên từ nhỏ Lộc đã được làm quen với thiết kế, đã từng tự cắt, may cho mình những bộ quần áo mình thích.
Hai sở thích, hai niềm đam mê về văn hóa và thời trang cùng tồn tại trong Lộc, cho đến khoảng 4-5 năm về trước, trong một cơ duyên, Lộc được tiếp xúc, tìm hiểu về trang phục cổ. Lần đầu tiên khi tiếp xúc với cổ phục Việt, Lộc thắc mắc: "Tại sao trang phục cổ của Việt Nam đẹp đến thế mà người Việt rất ít người biết đến? Phải chăng bởi chúng ta chưa chú trọng, chưa có sự quảng bá xứng tầm đến với mọi người?". Khi đó, Lộc thấy tiếc vô cùng nên nghĩ đến việc, làm thế nào để có thể khôi phục, bảo tồn được những bộ trang phục cổ truyền thống đẹp đẽ ấy, làm thế nào để ngày càng nhiều người biết đến những bộ trang phục tuyệt đẹp ấy… Rồi, Lộc chợt nhận ra, có lẽ, đây chính là con đường dành cho mình, là con đường cần đi, là việc mình muốn làm và muốn phát triển.
Có ý tưởng, Lộc bắt tay thực hiện luôn. Những người thân của Lộc không khỏi lo lắng cho chàng trai trẻ, bởi con đường Lộc chọn chắc chắn sẽ vô cùng gian nan. Chưa có kinh nghiệm kinh doanh, lại lựa chọn dòng sản phẩm vừa khó làm vừa kén khách, khó khăn sẽ tăng gấp bội. Dù biết là vậy, nhưng Lộc vẫn quyết tâm theo đuổi con đường riêng của mình.
Tháng 8/2018, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên do Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự thành lập ra đời với tôn chỉ hoạt động là nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; tư vấn về lĩnh vực văn hóa…
Những ngày mới bắt tay vào làm cổ phục Việt, Nguyễn Đức Lộc gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là thiếu thốn về tư liệu. Trải qua một thời gian dài với những biến động lịch sử, tư liệu về trang phục của các triều đại xưa đã không còn nhiều. Ngoài đọc sách lịch sử, từ các tài liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Lộc tìm đến những nhà sử học, những người nghiên cứu trang phục cổ Việt Nam, để học hỏi thêm kiến thức. Bản thân Lộc tự đi điền dã ở nhiều vùng quê từ Bắc đến Nam, tìm đến những di tích, những ngôi đình làng, đến các làng nghề dệt vải, nghề thêu truyền thống để tìm hiểu về kỹ thuật làm vải, thêu thùa…
Để việc phỏng dựng cổ phục được thực hiện một cách nghiêm cẩn nhất, Lộc đã tập hợp một nhóm nghiên cứu riêng, với sự cộng tác của các chuyên gia về cổ phục như: Học giả, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức - tác giả công trình nổi tiếng "Ngàn năm áo mũ"; nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức; nghệ nhân, nhà phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc; nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội của vua Minh Mạng… Dưới sự giúp đỡ, tư vấn của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, quá trình phỏng dựng được tuân thủ chặt chẽ quy tắc may trang phục cổ.
Nhìn những bộ trang phục cổ lộng lẫy, đậm nét văn hóa Việt được Ỷ Vân Hiên phục dựng, có thể nhận thấy sự tỉ mẩn, cẩn trọng trong từng chi tiết, từng đường kim mũi chỉ với hoa văn họa tiết rõ ràng, sắc nét. Lộc bày tỏ: đã làm là phải làm thật kỹ, thật chuẩn mực, chân thực nhất có thể. Vì vậy, nhiều lần thêu sai, bỏ đi thêu lại, thậm chí có những bộ phải làm đi làm lại đến 5-6 lần mới tạm ưng ý. Cẩn trọng, cầu kỳ như thế, nếu không thực sự có tình yêu với văn hóa, với trang phục cổ sẽ không làm được.
Đưa cổ phục việt đến giới trẻ
Làm văn hóa, nhưng theo hướng kinh doanh văn hóa, Lộc gồng mình học hỏi những kiến thức về kinh doanh, từ việc tổ chức doanh nghiệp thế nào, quản lý nhân sự, maketing, … Chàng trai trẻ thế hệ 9X chia sẻ, mỗi người sẽ có một cách lựa chọn và một cách thức để thể hiện tình yêu văn hóa của riêng mình. Lựa chọn con đường kinh doanh văn hóa, bởi Lộc hiểu kinh tế - văn hóa không thể tách rời, văn hóa không có kinh tế không thể tồn tại lâu bền, kinh tế không có văn hóa cũng không thể thăng hoa. Chọn con đường kinh doanh để bảo tồn văn hóa, vì Lộc nhận ra một điều rất rõ, phải dùng kinh tế để "nuôi" văn hóa, công cuộc bảo tồn ấy mới bền vững.
Là thanh niên thế hệ trẻ, nên Lộc có cách suy nghĩ, gìn giữ văn hóa theo lối của người trẻ. Nhận thấy trang phục cổ dù đẹp đến mấy, nhưng nếu chỉ tồn tại trên sách vở, trong bảo tàng, không được phổ cập, không được công chúng biết đến, gìn giữ sẽ rất đáng tiếc, không được lâu dài, Lộc tìm cách phổ cập, quảng bá trang phục cổ của người Việt đến với giới trẻ, mong muốn giới trẻ sẽ tiếp nhận, đưa vào trong cuộc sống. Bởi, theo Lộc, các bạn trẻ là tương lai của đất nước. Nếu các bạn nắm giữ, bảo tồn văn hóa trong chính cuộc sống, văn hóa truyền thống chắc chắn sẽ "sống" khỏe.
"Em là người trẻ, em chọn con đường bảo tồn trang phục cổ bằng cách đưa trang phục cổ đến với giới trẻ, bởi em nghĩ, giới trẻ một khi tiếp nhận, thì họ sẽ là những người gìn giữ, tuyên truyền và quảng bá văn hóa Việt một cách tốt nhất, nhanh nhất. Người trẻ là những người có tư duy thoáng, không quá câu nệ và dễ dàng tiếp thu di sản văn hóa. Các bạn mặc trang phục truyền thống cổ với tâm thế tự tin, tự hào, đó chính là những người quảng bá tốt nhất văn hóa Việt đến mọi người, ra thế giới", Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Với tâm niệm ấy, với niềm tin ấy, Nguyễn Đức Lộc đã thông qua nhiều hình thức, tuyên truyền, quảng bá, maketing, kinh doanh, thông qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh…, để phổ cập đưa cổ phục Việt, đưa văn hóa truyền thống đến cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Những nỗ lực của Lộc cùng các cộng sự đã thành công. Qua những buổi tuyên truyền, những show trình diễn thời trang, qua các sự kiện văn hóa, Nguyễn Đức Lộc cùng các cộng sự ở Ỷ Vân Hiên tổ chức, các bạn trẻ đã có những kiến thức nhất định về cổ phục Việt. Các bạn đã hiểu thế nào là áo dài 5 thân, thế nào là áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình… Rồi càng ngày, càng có nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm đến cổ phục Việt. Khách hàng đặt mua trang phục cổ của Ỷ Vân Hiên có từ sinh viên, du học sinh, đến diễn viên, người mẫu, ca sỹ, doanh nhân, rồi các nhà ngoại giao, các đại sứ… Có bạn trẻ tìm đến đặt trang phục cổ cho lễ cưới của mình.
Cứ thế, dần dần Ỷ Vân Hiên ngày càng có nhiều khách hàng, cả những đơn hàng lớn, đó là các nhà hàng, khách sạn, du thuyền 5 sao… đã tìm đến Lộc đặt mua trang phục cổ. Công ty cũng có những hợp đồng sản xuất cho các lễ hội, cho các đội tế lễ ở các làng cổ… Sân khấu Lệ Ngọc tìm đến Lộc đặt trang phục cho vở diễn lịch sử "Huyền thoại Gò Rồng ấp"; ê kíp sản xuất phim lịch sử cung đấu "Phượng Khấu" tìm đến Lộc để hợp tác sản xuất trang phục cung đình cho các nhân vật trong phim…
Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự ở Ỷ Vân Hiên đã cho ra đời hàng nghìn bộ trang phục cổ. Từ những bộ long bào, phượng bào dành cho vua và hoàng hậu đến những trang phục cho cung tần, vương phi, quan lại, thường dân…
Đến giờ, mỗi khi nhắc đến cổ phục, nhiều người nhớ ngay đến Ỷ Vân Hiên của Nguyễn Đức Lộc. Nhìn vào lượng khách đang tăng từng ngày, Lộc càng có thêm niềm tin rằng, con đường mình chọn là đúng đắn, bởi có nhiều người mua và mặc trang phục cổ, chính là sự quảng bá, lan tỏa văn hóa truyền thống tốt nhất trong cộng đồng.
Mơ ước của Lộc là sẽ "lội ngược dòng" lịch sử để phỏng dựng lại những bộ cổ phục Việt. Đầu tiên là cổ phục thời Nguyễn, sau đó đến thời Lê, Trần, Lý…, đắp đầy dần lên một hệ thống cổ phục Việt, để thế hệ sau nhìn được bức tranh tổng thể về cổ phục Việt qua từng triều đại.
Nguyễn Đức Lộc tin mình sẽ làm được điều đó, bởi Ỷ Vân Hiên không phỏng dựng một trang phục để mang vào bảo tàng hay chỉ để trưng bày, trang phục đó sẽ được đưa đến với công chúng thông qua nhiều con đường khác nhau, trên sân khấu, vào các MV, phim điện ảnh, các bộ ảnh chụp của giới trẻ, may cho lãnh sự quán một số nước... "Đây là hình thức của thời đại và chúng tôi muốn phát triển theo hướng hiện đại nhất", chàng trai trẻ thế hệ 9X chia sẻ.
Phương Lan/TTXVN
Tags