Chào tuần mới: Đạo lý và nghĩa vụ

Thứ Hai, 01/02/2021 08:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về dịch Covid-19 đang dậy sóng trong cộng đồng khi mà chỉ còn hơn tuần nữa là chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán. Nhưng cũng có câu chuyện về nạn “hôi” của - một thứ virus đáng sợ - mà cụ thể là “hôi” tiền.

Nỗi xấu hổ mang tên 'hôi của'

Nỗi xấu hổ mang tên 'hôi của'

Một ông bạn nước ngoài rất sõi tiếng Việt chìa chiếc iPad ra trước mặt tôi bảo: "Đọc đi, rồi cho tôi hỏi một câu".

Cuối tuần trước, mạng xã hội lan truyền một clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh 1 cô gái chạy xe máy và cọc tiền trong túi áo khoác rơi xuống đường. Nhiều người đã lao vào nhặt số tiền trên.

Trong cuộc sống đời thường, khi đứng trước một tài sản hay một số tiền lớn nhặt được, người ta thường đứng giữa lựa chọn có nên giữ lại cho riêng mình hay là trả lại cho người bị mất.

“Nhặt được của rơi đem trả người mất” là một nét đẹp văn hóa. Ngay từ khi còn bé, mỗi chúng ta đều được răn dạy điều này. Cổ nhân có câu: “Vật phi nghĩa bất thủ” nghĩa là những vật trái với đạo lý thì không được lấy, những đồ vật không phải của mình thì không nhận. Đó cũng là phương châm sống của nhiều người trong xã hội hiện nay, cho dù đời sống thường nhật vẫn còn những khó khăn vất vả và đầy rẫy những chuyện bon chen… nhưng khi nhặt được của rơi họ luôn trả lại cho người bị mất.

Chú thích ảnh
Cảnh hôi tiền được camera ghi lại

Còn nhớ, cuối tháng 12/2020, Công an phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã biểu dương và đề xuất khen thưởng 2 người dân nhặt được gần 360 triệu đồng trả lại cho người đánh rơi. Đây là 2 công nhân lao động tạm trú trên địa bàn thành phố Dĩ An. Cả 2 cho biết, bản thân chưa bao giờ thấy số tiền lớn như thế. Sau khi trả lại cho người bị mất, cả 2 rất vui vì giúp người mất tìm lại số tiền.

Ấy vậy mà vẫn còn không ít người vẫn có tâm lý tham những thứ không phải của mình. Những người dừng xe “hôi” tiền trong câu chuyện trên là như thế. Được biết, cô gái đánh rơi tiền đã liên hệ, khóc xin mọi người trả tiền nhưng mới chỉ có người bán hàng gần đó trả lại 4 triệu đồng.

Tôi cũng không rõ những người này có biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật hay không? Bởi, “nhặt được của rơi trả lại người mất” không phải chỉ là đạo lý ở đời mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Điều này cũng đã được luật pháp Việt Nam quy định cụ thể theo Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, quy định việc phát hiện tài sản của người khác bị bỏ quên hoặc đánh rơi thì người phát hiện phải thông báo để trả lại tài sản. Điều 176 tội chiếm giữ trái phép tài sản Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 ghi rõ: Ai nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng...

Việt Nam chúng ta trong năm qua từng được đánh giá là một điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh. Một trong nhiều yếu tố góp phần tạo nên kỳ tích đó chính là sự chia sẻ, tương thân tương ái giúp đỡ nhau của người dân. Mong rằng tinh thần ấy tiếp tục được phát huy, nhất là vào thời điểm này, khi mà dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Trong bối cảnh này, những hành động xấu xí như việc “hôi” tiền kể trên phải bị truy xét, nghiêm trị.

Quốc Khánh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›