Chào tuần mới: Thi lớp 10 mấy môn là đủ?

Thứ Hai, 14/03/2022 06:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì Hà Nội cũng đã công bố phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023 với chỉ 3 môn thi (thay vì 4 môn) gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Ngành Giáo dục TP HCM đề xuất 2 phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022

Ngành Giáo dục TP HCM đề xuất 2 phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022

Ngày 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa có Tờ trình UBND Thành phố về sửa đổi, bổ sung Quyết định ban hành Kế hoạch huy động trẻ ra lớp, tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022.

Quyết định này đã “tháo ngòi nổ” căng thẳng về tâm lý cho biết bao thầy cô, học sinh cùng gia đình của họ. Điều này cũng thể hiện được sự thích ứng, linh hoạt với tình hình thực tế, sau nhiều năm áp dụng thi 4 môn.

Một câu hỏi được đặt ra là có nên duy trì việc thi 3 môn trong các năm học tiếp theo không? Phải chăng phải thi 4 môn thì mới đủ để đánh giá năng lực của học sinh?

Thi vào lớp 10 được coi là kỳ thi quan trọng trong việc chuyển cấp học. Áp lực của kỳ thi gia tăng ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, khi mà gần 40% số thí sinh sẽ bị “trượt” công lập, và tỉ lệ “chọi” ở các trường tốp đầu còn khốc liệt hơn cả thi đại học.

Nhiều năm trước đây, Hà Nội áp dụng hình thức thi 4 môn, trong đó có ba môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Môn thi thứ 4 thường sẽ được công bố vào tháng 3 hàng năm mà lý do như lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã nêu “nếu công bố sớm môn thi thứ 4, học sinh sẽ không học các môn không thi, từ đó dẫn đến không bảo đảm chất lượng dạy và học”.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 9 trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) học trực tiếp tại trường. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Nhưng cũng chính vì điều này nên khoảng thời gian trước khi Sở công bố môn thi thứ 4, các em học sinh sẽ phải ôn tập đều tất cả 6 môn còn lại; khối lượng kiến thức nhiều dẫn tới việc các em bị quá tải. Thầy cô và phụ huynh cũng luôn căng thẳng, thấp thỏm khi chờ đợi quyết định cuối cùng của Sở GD&ĐT.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, vào năm học 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, Hà Nội đã quyết định bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10. Khi ấy, tôi và những phụ huynh có con sẽ thi năm sau rất phấn khởi. Ấy vậy mà đến năm học tiếp theo 2021-2022, môn thi thứ 4 lại được đưa vào khiến cho nhiều ngườichưng hửng. Tôi còn nhớ lớp con trai tôi đã đôn đáo học thêm các môn khác ngoài 3 môn bắt buộc, với hy vọng sẽ đúng với môn thi thứ 4 do Sở GD&ĐT công bố. Kết quả nằm ngoài dự kiến của các cháu vì môn thi thứ 4 được chọn là Lịch sử, trong khi nhiều đứa lo việc học thêm Vật lý và Hóa học.

Câu hỏi đặt ra là thi 3 môn có đánh giá đúng được năng lực của học sinh hay không? Hay nhất thiết phải thi 4 môn?

Nhìn sang các tỉnh thành khác từ năm 2020 cho đến nay, nhiều Sở GD&ĐT đều đã thay đổi hình thức thi vào lớp 10, cụ thể là bỏ môn thi thứ 4, chỉ giữ lại 3 môn là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Cá nhân tôi rất đồng tình với đánh giá của hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM. Theo ông thì “môn Toán đại diện cho khối tự nhiên, Ngữ văn cho khối xã hội còn Ngoại ngữ là môn đại diện cho ngôn ngữ. Nếu có thêm 1 môn thi nữa cũng không thực sự cần thiết”.

Chúng ta có lý do để không sợ việc các em sẽ học đối phó các môn còn lại. Bởi trước khi tiến hành kỳ thi chỉ có 3 môn vào lớp 10, các em học sinh đều phải trải qua các kỳ kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ với đầy đủ các môn học. Nếu các kỳ kiểm tra này được đánh giá nghiêm túc và thực chất thì các học sinh không thể học lệch được. Áp lực nên chia đều ra các kỳ thi, kiểm tra trong suốt các năm học, không nên đổ dồn vào một kỳ thi “sinh tử”.

Chúng ta có thể nhất trí với nhau rằng, việc thi cử chủ yếu là để đánh giá năng lực, tư duy của mỗi học sinh chứ không phải đo đếm số lượng kiến thức các em có được. Và như thế có thể nói rằng, kỳ thi vào lớp 10 chỉ cần 3 môn là đủ.

Quốc Thắng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›