Tuần lễ cuối cùng của tháng Tư năm nay có thể coi như một kỳ nghỉ đặc biệt với 4 ngày nghỉ lễ vì dịp 30/4 và 1/5 rơi đúng vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Với số ngày nghỉ như thế, việc mọi người“xách ba lô lên và đi” một chuyến đâu đó cũng là điều rất dễ hiểu. Nhất là khi chúng ta vừa trải qua 2 năm buộc phải hạn chế đi lại do dịch Covid-19.
Khi mà tất cả đều đổ dồn vào đi du lịch, hoặc tranh thủ về quê, rồi tụ tập… thì vấn đề đáng lo ngại nhất chính là tình trạng vi phạm luật lệ giao thông…
Xem lại những thống kê về tai nạn giao thông kỳ nghỉ lễ của các năm trước đây mà gần nhất là dịp Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua thì thấy điều này hoàn toàn có cơ sở: dịp này, toàn quốc xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 37 người, bị thương 52 người. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý gần 16.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc hơn 17 tỷ đồng.
Đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, nhưng có vẻ như “liều lượng” chưa đủ mạnh để buộc nhiều người phải thay đổi.
Mới đây, Cục CSGT đã có đề xuất mới trong việc phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông. Theo đề xuất này, Cục sẽ trả tiền mua lại các clip tự quay hoặc là dữ liệu của camera hành trình trên xe của người dân ghi lại những hành vi vi phạm giao thông. Cơ quan này sẽ có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các thông tin, dùng làm dữ liệu để xác minh và xử phạt nguội các hành vi vi phạm.
Cho dù là vẫn có những ý kiến trái chiều từ bạn đọc như bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về quyền riêng tư, rồi việc xác định sản phẩm video của ai sẽ được chấp nhận nếu có nhiều người gửi clip cho cảnh sát..., nhưng tôi nhận thấy, đa số đồng tình với đề xuất này. Một bản thăm dò ý kiến trên một báo điện tử cho kết quả, với gần 900 ý kiến thì có đến 533 ý kiến (61%) đồng tình với việc công an nên trả tiền cho dân để có dữ liệu xử phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông. Điều này cho thấy rằng, vi phạm an toàn giao thông là vấn đề đang gây bức xúc lớn và cộng đồng đang mong chờ những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt.
Tôi đọc được một thông tin, ở New York, có riêng một nhóm khoảng 60 người chuyên theo dõi, phát hiện và ghi hình các xe vi phạm. “Nếu bạn muốn thay đổi thói quen của ai đó, cách tốt nhất là đánh thật mạnh vào túi tiền của họ” – nhóm này cho biết.
Tất nhiên văn hóa và luật pháp ở Mỹ không giống như chúng ta. Vì vậy, tại Việt Nam, để áp dụng biện pháp này thành công, tôi đồng tình với quan điểm của một bạn đọc khi cho rằng: “Trước khi đánh mạnh vào túi tiền của dân thì nên tu chỉnh lại những chỗ cắm biển, kẻ vạch bất hợp lý”...
Tình hình vi phạm an toàn giao thông tại Việt Nam có vẻ như giống Covid-19 ở chỗ, đó là “căn bệnh chưa có thuốc đặc trị” và dễ lây lan. Hy vọng rằng đề xuất mới này của Cục CSGT khi được đưa vào áp dụng sẽ giống như một loại “vaccine chống vi phạm giao thông” đặc trị hữu hiệu, góp phần nâng cao ý thức của mọi người khi tham gia giao thông, giảm thiểu được những tổn thất về người và tài sản.
Xuân An
Tags