(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Trần Mai Hưởng vừa ra mắt độc giả tập thơ "Tuổi heo may" (NXB Hội Nhà văn, 2019). Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết về tập thơ này của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Ngay từ khi dấn thân vào nghề báo ở tuổi đôi mươi, Trần Mai Hưởng đã dành riêng một khoảng hẹp trên trang viết để nghiệp thơ ùa vào chậm rãi. Giống như tôi, anh đã có mặt ở chiến trường “mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị. Và bắt đầu viết những câu thơ bỏng rãy thanh xuân. Dù bắt đầu, nhưng Trần Mai Hưởng vẫn bắt nhịp được âm hưởng thơ dạo ấy. Bài thơ Giếng nước dưới địa đạo in báo Văn Nghệ thời gian đó là minh chứng cho nhận định này. Chớp được cái tứ rất độc đáo Giếng nước dưới địa đạo, Trần Mai Hưởng đã nhanh chóng triển khai cảm xúc thành một bài thơ toàn bích, không hề non tay :
Chẳng có bóng cau xoã ngang trời
Những đám mây trôi các cô gái làng đùa nghịch
Chỉ mạch nước ngàn đời trong vắt
Giếng nước giữa lòng địa đạo hầm sâu
Cội nguồn nước tận đâu
Mà mắt đất mở ra lúc nào cũng long lanh thế
Thi ảnh “mắt đất” là một thi ảnh sáng tạo mà Trần Mai Hưởng đã dùng để đặt tên cho Giếng nước dưới địa đạo. Anh tiếp tục triển khai cho tứ thơ thật vững tay:
Cũng cái gầu đứt dây rơi xuống
Biết mượn ai xuống vớt lên
Giếng nước này là nơi mẹ dặn con
Tối nhớ rửa chân tay cho sạch
Lời dặn ân cần như trên mặt đất
Làm con quên không biết ở làng hầm
Giếng nước này là nơi anh và em
Đêm tuần biển về múc lên rửa mặt
Ngẩng nhìn chẳng bóng trăng bát ngát
Chỉ mắt người lung linh
Triết lý sống trong chiến tranh đã được đẩy lên tột cùng sau cái tứ Giếng nước dưới địa đạo:
Bom Mỹ không ngừng dội xuống đêm đêm
Pháo biển cày từng vuông cát nhỏ
Địa đạo bình yên trong lòng đất mẹ
Có tiếng cười mặt giếng khẽ rung rinh
Một đối tỷ thật nặng cân giữa nhưng vũ khi huỷ diệt và tiếng cười, đã “ý tại ngôn ngoại” cái sức sống bền bỉ của dân tộc ta thời binh lửa...
Nhưng nghề báo đã chọn Trần Mai Hưởng để anh được chứng kiến thời khắc trưa 30.4.1975, để được trở thành một cây bút kỳ cựu của làng báo, để rồi chất báo chí ngấm vào thơ lúc nào không hay. Dạo ấy, nếu tiếp tục mạch thơ của Giếng nước dưới địa đạo,chắc hẳn Trần Mai Hưởng sẽ có một bài thơ về thời khắc trưa 30.4.1975 chứa chan cảm xúc hơn như bao nhà thơ dạo ấy. Song anh đã để cho cảm xúc đi qua những trang báo, để mãi sau mới chậm rãi chiêm nghiệm một cách nén lại cảm xúc một cách tột độ trong Ý nghĩ trong đêm:
Có gì vậy
Đêm phương nam yên tĩnh
Thảnh phố đang ngủ say
Một mình thức giấc
Tôi đã đến đây
Một thời trẻ trung gian khó
Khoảnh khắc không quên
Ngày hoà bình đầu tiên
Tôi đã rời đây
Như bao người lính
Trở về với ruộng đồng
Sau những năm trận mạc
Tôi ghé lại đây
Cuối đời sương khói
Mảnh đất vấn vương quen lạ
Một hình bóng đã xa
Nhờ chiêm nghiệm mà thơ Trần Mai Hưởng rắn lại, cô đọng cảm xúc thành những viên sỏi trên tay:
Mùa xuân đầu tiên
Những người đầu tiên
Niềm vui đầu tiên
Nỗi buồn đầu tiên
Cô nữ sinh áo trắng
Hồn nhiên
Như một tia nắng
Buổi bình minh
Em có còn cầm trên tay
Những ngày xuân ấy
Cho tôi mượn lại
Dù chỉ một lần!
Tôi đưa ra hai bài thơ của Trần Mai Hưởng ở hai thời khắc thanh xuân và Tuổi heo may để người đọc dễ nhận ra hành trình thơ của anh, một hành trình mà nghề báo và nghiệp thơ luôn thẩm thấu vào nhau,luôn luôn giằng co nhau, kiểm soát nhau để làm nên tầm vóc riêng của một giọng thơ. Nồng nàn có kiểu hay của nồng nàn. Chiêm nghiệm có kiểu hay của chiêm nghiệm. Giống như nhà thơ Mỹ giải Nobel- Robertfrode đã nói: ” Thơ khởi sự là sự hồn nhiên và kết cục là sự khôn ngoan”. Có lẽ bằng cặp mắt tinh đời của một nhà báo chuyên nghiệp, dạn dày đời sống, từng trải ái, ố, hỷ, nộ, Trần Mai Hưởng luôn có ý thức định lượng những giá trị người muôn đời nay đã tồn tại, đã tạo ra bao thăng trầm của lịch sử. Anh định lượng về Kết đôi, về Hai nửa, về Valentine’s Day, về Tình yêu, về Một nửa, về Hạnh phúc, về Nắng và mưa, về Một giây, về Vô định, về Giọt, về Nếu, về Song song , về Thanh thản, về Chạm, về Đơn phương, về Chòng chành, về Tuyết, về Mong manh, về Ngại, về Vòng tròn:
Một vòng quay nữa của đất trời
Con thuyền đơn độc giữa dòng trôi
Những buồn vui cũ chừng hoá đá
Mà vẫn đâu đây tiếng khóc cười
Trần Mai Hưởng là một trong không nhiều nhà thơ có duyên làm thơ về hoa. Hoa qua Trần Mai Hưởng ánh lên một vẻ đẹp là lạ dù là loài hoa rất quen và được viết bằng thể thơ lục bát rất thân quen. Bài Đào muộn là một điển hình:
- Mồng 5 Tết vẫn bán đào ?
- Ơ kìa, xuân mới chạm vào thôi anh
Nụ hồng chúm chím lộc xanh
Còn bao ngày tháng người dành cho nhau
Lục bát mà còn là lục bát tứ tuyệt thì sự độc đáo lại càng đậm đà hơn. Đó là Hoa Ti gôn: Đỏ sao đỏ đến lạ lùng. Đó là Hoa Quỳnh: Một tấm tình, là Hoa bưởi: “Em về mang cả tháng Ba theo cùng“, là Sen ngày mưa : “Bao nhiêu nắng lửa bất ngờ dịu êm“, là Hoa loa kèn: “Thổi gì qua suốt tháng năm“, là Hoa Lưu ly: “Tình cờ ở chốn nhân gian”, là Hoa sữa: “Em đừng giấu cả vào đêm”, là Hoa Cà phê : “Trắng trong năm cánh hồn nhiên“, là Hoa xoan: “Mình em vò võ tháng ngày cô đơn“,là Hoa phượng: “Cháy lên cùng tiếng ve ran gọi hè“, là Hoa Cỏ lau: “Để muôn nỗi nhớ trắng lên bời bời”.
Thơ mùa thu của Trần Mai Hưởng cũng là một đặc sản rất Trần Mai Hưởng. Nếu câu thơ về “Mùa thu ở Hàng Châu” của Tế Hanh rất tinh tế :”Lá phong đỏ như mối tình rực lửa . Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa thì “Mùa thu ở Hàng Châu“ của Trần Mai Hưởng đã đẩy thi ảnh đến tận cùng “Lá phong cháy hết mối tình. Day dưa nỗi nhớ một mình hoa thôi“.
Mùa thu Nga hiện lên trong thơ Trần Mai Hưởng sao thật diệu vợi: “Ngày dài đêm trốn trong cây. Bạch dương trắng nỗi hao gầy tháng năm“. Cảm nhận sắc độ thu đã từng làm ra câu thơ độc đáo của Chu Hoạch: “Thu rất thật thu là lúc chớm đông sang“, thì ở Trần Mai Hưởng, sắc độ đó trắc ẩn đến chạnh lòng: “Thu đang về ngang cửa. Nghĩa là thu sắp xa“.
Nếu ở Lê Nguyên cảm nhận nắng là: “Trên đất mẹ nắng hồng như lửa“, thì ở Trần Mai Hưởng, màu hồng đã chuyển thành vàng: ”Nắng vàng như lụa mới. Ai phơi giữa đất trời“. Vì đấy là nắng thu chăng? Cũng có một cái gì đó rất Đặng Thế Phong, khi Trần Mai Hưởng viết về mưa thu: “Mùa đi cùng năm tháng. Giọt đêm gọi giọt ngày. Mưa thì thầm bên cửa. Những nỗi niềm heo may “.
Có những lúc chàng ký giả trong Trần Mai Hưởng thiếp ngủ, chàng thi sĩ trong anh thoát khỏi tầm kiểm soát, chợt chất ngất lên những cung bậc khác thường. Tôi rất mê những câu thơ thi sĩ ấy. Đấy là “Hương tràm": “Anh mắc vào làn hương ấy. Em treo cuối ánh mắt nhìn”. Đấy là “Mưa đêm": “Nghe thời gian trở mình trên cành lá - Lẫn trong mưa như như một tiếng thở dài“. Đấy là “Thu nuộn“: “Nắng vàng nằm lại trong cây". Đấy là “Mùa đông": “Gió bấc kéo ngay đi ngang cửa - Như đám học trò lúc ra chơi “hay" Mảnh khăn len ai quàng vai nhau vội". Đấy là “Mắt gió": “Lối nào còn dấu chân anh - Mà sao năm tháng đã thành xa xôi". Đấy là “Thời gian": “Người đi về cõi hư không - Thoáng như vệt nắng quái buông bên thềm". Đấy là “Nếu": “Nhưng đôi khi chữ nếu- Dài hơn một kiếp người". Đấy là “Samara": “Tiếng còi khàn còn ướt sương đêm”.
Đọc Tuổi heo may của Trần Mai Hưởng thấy lòng điềm tĩnh lại như những chiêm nghiệm điềm tĩnh qua thơ anh. Ngỡ đấy là bình thường nhưng đấy chính là bản lĩnh của người viết .Không dễ dàng có thể vượt qua tư duy của một chính khách, khi anh đã có sự nghiệp của một chính khách. Bản lĩnh chính là anh đã thoát xác một cách nhẹ nhàng, một cách như không để nhận thấy cuộc đời là vô hạn, là bao trùm lên sự hữu hạn của từng thời đại,từng thăng trầm lịch sử. Nhờ bản lĩnh ấy, ta có thêm giọng thơ Trần Mai Hưởng trong dàn giao hưởng thơ Việt Nam ngày càng da diết hơn, ngày càng réo rắt hơn những cung bậc đời thường .
Nguyễn Thụy Kha
Tags