Chữ và nghĩa: Anh em chém nhau đằng dọng…

Thứ Tư, 02/03/2022 06:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dạng đầy đủ của câu tục ngữ này là “Anh em chém nhau đằng dọng, chẳng ai chém nhau đằng lưỡi”. Đọc lên ta hình dung ra một sự tình thật dễ sợ. Anh em trong một nhà nào đó mà tự nhiên mang dao, mang rựa ra để chém nhau. Sao lại có thể như thế được?

Chữ và nghĩa: Có cần thêm chữ 'ruột' không?

Chữ và nghĩa: Có cần thêm chữ 'ruột' không?

Báo chí gần đây rất hay dùng các từ, như “cha ruột/ bố ruột”, “mẹ ruột/ con ruột”…

“Anh em” ở đây được hiểu là “những người trong mối quan hệ thân tộc với nhau” (chứ không phải chỉ có anh với em, những người cùng thế hệ). Chúng ta biết, những người thân trong một dòng tộc phải có trách nhiệm yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Ai lại đi đánh nhau, vác cả dao cả rựa ra để “thanh toán” nhau, quả là quá lắm.

Ấy vậy mà trên thực tế, trên đời này, chuyện mâu thuẫn, xung đột giữa những người thân với nhau không phải là hiếm. Xung khắc giữa bố mẹ với con cái, giữa anh với em, giữa ông chú bà bác và những người thân khác trong gia đình vẫn hay xảy ra ở các mức độ khác nhau. Nhưng tới mức dùng hung khí để “chém” tức là coi nhau không còn gì nữa, sẵn sàng gây thương tích, thậm chí “thanh toán” tiêu diệt nhau thì quả là chuyện động trời.

Câu tục ngữ “Anh em chém nhau đằng dọng, chẳng ai chém nhau đằng lưỡi” còn có một biến thể khác là “Anh em chém nhau đằng sống, ai chém nhau bằng lưỡi”. “Dọng” đồng nghĩa với “sống”, là từ chỉ “cạnh dày của vật; ở phía đối lập với lưỡi, răng” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), như ta thường nói “dọng dao, dọng cưa, dọng kiếm” trái nghĩa với “sống dao, sống cưa, sống kiếm). Rõ ràng, phần “dọng/ sống” của vật dụng kia không phải là phần được sử dụng để thực hiện công việc nào đó. Không ai quay phần dọng (sống) dao để thái rau, chặt củi… Cũng như không có ai chém đối phương bằng dọng kiếm, dọng gươm… Thật là bất bình thường.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Đây chính là “luận cứ” làm nên ngữ nghĩa cần truyền đạt trong câu tục ngữ này. Rằng, anh em như thể tay chân, là những người cần phải thương yêu, đùm bọc, có bổn phận giúp đỡ nhau trong mọi nơi mọi lúc. Nếu không may xảy ra xô xát, đánh nhau, xung đột đến mức đỉnh điểm, phải đem hung khí (như dao, gươm, kiếm) để xả cơn giận thì hãy vì tình thân mà đừng giơ đằng lưỡi (dao, gươm, kiếm) để chém (dễ gây thương tích, thậm chí tử vong). Hãy quay đằng dọng (sống) mà chém, chỉ để giải tỏa nỗi bức xúc, giận dữ nhất thời.

Chuyện không hay dẫn đến “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” thật không nên và cũng đừng “cạn tàu ráo máng”, đến nỗi xảy ra hậu quả đáng tiếc. Về chuyện này, dân gian hay nhắc lại giai thoại liên quan đến Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867, người làng Phù Ninh, Quảng Trạch, Quảng Bình). Có lần ông được vua Tự Đức (1829 - 1883, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị vua triều Nguyễn, trị vì từ 1847 - 1843) mời vào cung dự tiệc cùng hàng trăm quan văn, quan võ. Trong khi ăn, Tự Đức không may cắn phải lưỡi. Ông liền nói: “Trẫm tự dưng cắn phải lưỡi, đau quá. Nhưng đó là một đề tài hay để làm thơ. Các khanh ai làm được bài thơ nhanh nhất và hay nhất sẽ được thưởng”.

Trong chốc lát, Nguyễn Hàm Ninh đã làm xong một bài tứ tuyệt như sau:

Sinh ngã chi sơ nhĩ vị sinh

Nhĩ sinh chi hậu ngã vi huynh

Đồng thời cộng hưởng trân cam vị

Hà nhẫn tương vong cốt nhục hình?

Nghĩa là:

Ta sinh trước khi chú chửa sinh

Sinh chú ra ta được làm anh

Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng

Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình?

Nghe nói vua Tự Đức cười nhạt, khen hay, thưởng cho mỗi câu một lượng vàng, nhưng ngay lập tức phạt đánh mỗi câu một roi. Vì theo lời Tự Đức: “Lời thơ nhà ngươi hay nhưng ý thơ lại rất ác”. (Mượn chuyện răng cắn lưỡi, Hàm Ninh ngầm nói một chuyện khác: Tự Đức đã giết anh ruột mình là Nguyễn Phúc Hồng Bảo về tội mưu phản, cướp ngôi vua).

“Anh em chém nhau bằng dọng, chớ chém nhau bằng lưỡi”, đấy chính là thông điệp đậm tính nhân văn (về tình huynh đệ) mà ông cha ta gửi lại cho hôm nay.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›