Chữ và nghĩa: Bệnh đặc hữu

Thứ Tư, 09/03/2022 07:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.” (tuoitre.vn, 3/3/2022).

Chữ và nghĩa: 'Biến thể' và 'biến thể Covid-19'

Chữ và nghĩa: 'Biến thể' và 'biến thể Covid-19'

“Biến thể” là một từ đã có trong giao tiếp tiếng Việt từ lâu. Đây là một từ Hán Việt 2 thành tố.

Không riêng gì báo Tuổi trẻ, rất nhiều tờ báo gần đây đều giật tít và đưa tin việc coi căn bệnh coronavirus (còn gọi bằng cái tên quen thuộc Covid-19, đã gieo rắc bao kinh hoàng cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam hơn 2 năm nay) là “bệnh đặc hữu”.

Xem chuyên mục "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Cái đáng nói ở đây là về mặt ngôn từ: Căn cứ vào đâu để dùng tổ hợp “đặc hữu” làm định ngữ cho một loại bệnh, phân biệt với các bệnh khác ta thường thấy: Bệnh ngoài da, bệnh ho gà, bệnh tâm thần… Các từ, cụm từ có vai trò mở rộng, làm rõ khái niệm vừa dẫn đều tường minh về ngữ nghĩa.

“Bệnh ngoài da” là tên gọi chung “những loại bệnh làm tổn thương ngoài mặt của da” . “Bệnh ho gà” là “bệnh ho ở trẻ em, gây ra những cơn ho rũ rượi theo từng hồi và có tiếng rít (liên tưởng tới tiếng gà)”. “Bệnh tâm thần” là “bệnh do hoạt động của bộ não bị rối loạn gây nên những biến đổi không bình thường trong ý thức”. Vậy “đặc hữu” có nghĩa là gì để cấu tạo thành tên một loại bệnh đặc biệt mà báo chí, truyền thông dùng khá nhiều trong thời gian vừa qua?

Chú thích ảnh
Căn bệnh coronavirus (còn gọi bằng cái tên quen thuộc Covid-19)

Đặc特là một từ Hán Việt, có nhiều nét nghĩa. Nhưng nét nghĩa cơ bản hiện nay dùng trong các kết hợp phổ biến trong tiếng Việt (đặc ân, đặc cách, đặc chủng, đặc dụng, đặc khu…) là “riêng (một mình), chuyên, đặc biệt”. Hữu有có các nghĩa; 1. bè bạn, giúp đỡ (VD: hữu ái); 2. có (VD: hữu dụng); 3. phía tay phải, sự bảo thủ (VD: hữu ngạn, hữu khuynh).

Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải thích:

đặc hữu特有t. [động thực vật, khoáng vật] có giá trị đặc biệt và rất quý hiếm, chỉ có ở một số nơi. (VD: ngan cánh trắng, voọc Hà Tĩnh là những động vật đặc hữu của Việt Nam). [Lấy nghĩa 2 của “hữu” (hữu dụng)]

Nghĩa giải thích như vậy (“có giá trị đặc biệt, rất quý hiếm, hữu ích”) rõ ràng là không thể áp dụng để giải nghĩa cho danh từ “bệnh đặc hữu”. Có lẽ mọi người (đều ít nhiều cảm nhận từ này trong các kết hợp từ trong giao tiếp) đều cảm thấy ngạc nhiên và không hiểu sao lại xuất hiện tên gọi “bệnh đặc hữu” để chỉ căn bệnh Covid-19, mà theo kết quả nghiên cứu gần đây của giới y khoa, khuyến cáo là nên “bình thường hóa” cách nhìn nhận, đối phó với loại bệnh (vốn coi là “lạ thường, nguy hiểm, không kiểm soát được”) này thành một thứ bệnh thông thường, như “cúm mùa” chẳng hạn. Đó là sự chuyển đổi quan trọng trong cách ứng xử y học.

Có lẽ, việc đặt tên “bệnh đặc hữu” là căn cứ vào tổ hợp tiếng Anh “endemic disease". “Disease” là danh từ, có nghĩa là “bệnh”. “Endemic” là tính từ, vẫn được các từ điển dịch sang tiếng Việt với nghĩa “1. đặc hữu (sinh); 2. địa phương (bệnh)” (Từ điển Anh - Việt, Lê Khả Kế, NXB Khoa học Xã hội, 1985) (VD: Malaria is endemic in hot countries: Bệnh sốt rét có tính đặc hữu/ địa phương ở nhiều quốc gia thời tiết nóng). Chính vì vậy, khi tiếp nhận từ này vào tiếng Việt, có lẽ các chuyên gia y tế liền dịch “endemic disease" là “bệnh đặc hữu”.

Thực tế, cách “chuyển ngang” như vậy (xét từ góc độ dịch thuật) không sai. Nhưng khi “nhập tịch” vào giao tiếp tiếng Việt thường thấy, tên gọi đó rõ ràng là gây “hiệu ứng bất bình thường”. Một số nhà từ điển chưa tán thành cách gọi này. Nhưng quả thật, tìm một tên gọi “Việt hóa” mang tính định danh chuẩn xác hiện tại lại chưa có giải pháp thích hợp.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›