(Thethaovanhoa.vn) - “Trời nóng lên rồi, bọn em chọn loại váy công sở này mặc cho nó mát”. Cô bạn nọ (trong trang phục váy mới) phân bua với mọi người khi đi làm trở lại sau mấy ngày nghỉ lễ. Một anh chàng nháy mắt cười ranh mãnh và nói: “Bọn anh nhất trí hai tay! Các nàng mặc váy “cho nó mát” là đúng rồi. Nhưng anh hỏi em nhé, “nó” ở đây là cái gì thế nhỉ?”.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Mấy cô gái trẻ cùng phòng bỗng đỏ mặt vì câu hỏi đầy ẩn ý đó. Câu hỏi tưởng như đùa lại động chạm tới một vấn đề ngữ pháp phức tạp (vì cả người nói và người nghe đều có thể liên tưởng tới một điều tế nhị khó nói). Và nếu phân tích một cách chi li từng thành phần có mặt trong phát ngôn này, ta phải chỉ chính xác từ “nó” có vai trò gì (trong cấu trúc cú pháp) và ngữ nghĩa của nó ra sao.
Xét về mặt từ loại, “cho” trong tiếng Việt vừa là động từ, vừa là kết từ (từ liên kết, liên từ), vừa là trạng từ.
Là động từ, “cho” có tới 7 nghĩa: 1. chuyển cái thuộc sở hữu của mình sang thành của người khác mà không đổi lấy gì cả (cho quà, cho tiền); 2. làm người khác có được, nhận được cái gì hoặc điều kiện để làm việc gì (cô giáo cho điểm, cho thời gian để chuẩn bị, cho mấy roi, mẹ cho con bú); 3. tạo ra ở khách thể một hoạt động nào đó (cho xe đi chậm lại, cho máy chạy thử, cho bò ra đồng); 4. chuyển sự vật đến một chỗ nào đó để phát huy tác dụng (cho dầu vào máy, cho mì chính vào nồi canh, cho than vào lò); 5. coi là, nghĩ rằng (tự cho mình là giỏi, cho rằng đó không phải là việc xấu, “Hai ông kia nhận lời ngay, cho thế là hân hạnh lắm” (Vũ Trọng Phụng)); 6. [khẩu ngữ] yêu cầu hoặc ai đó để có được cái mình mong muốn (cho tôi chiếc mũ kia, cho bé xin cốc nước); 7. thể hiện nội dung sau đó là kết quả tự nhiên của điều được nói đến trước đó (thực tế cho thấy sự việc diễn ra đúng như dự đoán, dấu hiệu đó cho ta biết hai bên sắp xảy ra xung đột).
Là kết từ, “cho” có 3 nghĩa: 1. từ biểu thị điều nêu ra sau đó là đối tượng nhằm đến hoặc đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng của điều vừa được nói đến (gửi thư cho bạn, đưa tiền cho mẹ); 2. từ biểu thị điều nêu ra sau đó là yêu cầu, mục đích, mức độ nhằm đạt tới của điều vừa được nói đến (viết cho rõ ràng, học cho giỏi, bừa đất cho kĩ, Đói cho sạch rách cho thơm (tục ngữ)); 3. từ biểu thị điều nêu ra sau đó là kết quả tự nhiên hoặc là hệ quả tất yếu của điều vừa được nói đến (khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương…).
Là trạng từ, “cho” có 3 nghĩa: 1. từ biểu thị ý nhấn mạnh về mức độ [cho là có thể như thế] (mặc cho mưa gió vẫn cứ đi, không tin cho lắm); 2. từ biểu thị ý nhấn mạnh về một tác động không hay phải chịu đựng (đánh cho một trận, làm như thế để nó mắng cho à?); 3. từ biểu thị một đề nghị, một yêu cầu, với mong muốn có được sự đồng ý, thông cảm (mong anh giúp cho, để tôi làm cho, mời ông đi cho).
Tôi phải thống kê kĩ như vậy (theo Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), để có căn cứ phân tích, truy tìm xem “cho” có vai trò và ngữ nghĩa thế nào trong tổ hợp “cho nó mát”.
Có thể nói, ta không tìm thấy một nghĩa nào của “cho” (trong “cho nó mát”) ứng với một nghĩa trong 13 nghĩa vừa liệt kê. Mở rộng, ta còn thấy một số trường hợp tương tự “Uống nước bột sắn cho nó mát”, “Ăn kem cho nó mát”, “Mở cửa sổ ra cho nó mát”, “Làm nhà hướng nam cho nó mát”… Và còn nhiều trường hợp được sử dụng đa dạng khác: “Ngồi nép vào cho nó đỡ lạnh”, “Làm bát phở cho nó ấm bụng”, “Trả phắt cái chức ấy đi cho nó nhẹ người”, “Làm cái xe Ford cho nó “hoành tráng””, v.v.
- Chữ và nghĩa: 'Nhất củ khoai đầu vồng…'
- Chữ và nghĩa: Ngoáy và chọc ngoáy
- Chữ và nghĩa: 'Chè hâm lại, gái đưa đò'
Cấu trúc “cho nó + X” là một kết hợp, tạo nên một tổ hợp từ riêng biệt, có chức năng như một quán ngữ, mang nghĩa “cả gói”, làm nhiệm vụ bổ nghĩa cho một động từ đứng trước, theo công thức: động từ + cho (nó) + X. “Nó” trong cấu trúc này hoàn toàn là một từ chêm xen “mượn cớ để nói” chứ không phải là một đại từ thông thường (chỉ “người hay vật ở ngôi thứ ba” hoặc “chỉ người hay vật, sự việc vừa nêu ra trước đó”). “Cho nó mát” có thể nói gọn “cho mát”, “cho nó ngon” có thể nói “cho ngon”, “cho nó đẹp” có thể nói “cho đẹp”, “cho nó hoành tráng” có thể nói “cho hoành tráng”, v.v. “Nó” có thể bị “tỉnh lược” mà ngữ nghĩa không ảnh hưởng gì.
Vậy, có thể coi “nó” trong cấu trúc “cho nó + X” là đối tượng “vô can cú pháp”. Đây là một hiện tượng khá đặc biệt của ngữ pháp tiếng Việt.
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags