(Thethaovanhoa.vn) - “Nắng mưa là việc của trời” (thơ Nguyễn Bính). Một lẽ thường ai cũng biết, mưa và nắng là hai hiện tượng bình thường của thiên nhiên. Quanh năm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, lúc nào cũng có thể nắng, lúc nào cũng có thể mưa.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Vì vậy, đi ra đường hay làm công việc gì giữa đồng ruộng, giữa công trường, người ta đều phải chuẩn bị các vật dụng đề phòng mưa nắng đó (mũ, nón, ô, áo mưa…)
Ấy vậy mà lại có những trận mưa “trái lẽ thường” đó. Không ít những tờ báo phản ánh hiện tượng này ở miền Trung và miền Nam nước ta trong những ngày tháng Ba và tháng Tư gần đây. Chẳng hạn: “Đang trong cao điểm mùa khô năm 2022 nhưng gần đây tại TP Biên Hòa và một số địa phương trong tỉnh liên tục xuất hiện các cơn mưa lớn. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nguyễn Phước Huy cho biết: Đây là những cơn mưa trái mùa. Dự báo mưa trái mùa năm nay xuất hiện nhiều hơn so với những năm gần đây và còn tiếp tục xuất hiện cho tới tháng năm. Người dân cần lưu ý có khả năng mưa sẽ kèm theo dông lốc, sét… cộng với thời tiết thay đổi đột ngột có thể gây những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.” (baodongnai.com.vn, 25/3/2022). “Theo ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mưa trái mùa tại TP.HCM đo được ở Hóc Môn 93mm, Lê Minh Xuân - Bình Chánh 138,6mm, An Phú - Củ Chi 84,2mm là rất hiếm trong mùa khô” (nld.com.vn, 25/3/2022).
Như vậy, đã có những hiện tượng mưa bất bình thường, được gọi là “mưa trái mùa”, tức “mưa không đúng mùa”.
Từ “trái” trong tiếng Việt được phân ra nhiều nghĩa. Là danh từ, “trái” có 3 nghĩa: 1. chỉ một loại quả (trái dừa, trái mít); 2. (phương ngữ) chỉ quả mìn - một loại vũ khí sát thương (đặt trái, nối dây điện hẹn giờ); 3. (phương ngữ) chỉ bệnh đậu mùa (Nó đã lên trái ba hôm nay). Là tính từ, “trái” có nghĩa: 1. ở cùng bên với quả tim (đối lập với “phải”) (tay trái, rẽ trái); 2. [mặt của hàng dệt, may] không được coi là chính, thường trông thô, xấu, đối lập với “phải” (mặc áo trái, trải chiếu trái); 3. không thuận theo mà ngược lại (trái lời nguyền, trái lệnh cấp trên, đi trái đường, làm trái pháp luật); 4. không đúng với lẽ phải (trái lè lè còn cãi, phân rõ phải trái đúng sai); 5. không bình thường, ngược lại với thói thường, với lẽ thường, với quy luật (rau trái vụ, nắng trái tiết, trái gió trở trời).
Đối chiếu ta thấy, “mưa trái mùa” ứng với nghĩa thứ 5 của tính từ (không bình thường, ngược lại với thói thường, với lẽ thường, với quy luật).
- Chữ và nghĩa: Cho nó mát
- Chữ và nghĩa: 'Nhất củ khoai đầu vồng…'
- Chữ và nghĩa: Sấm trước cơn sấm no…
Lâu nay, ta vẫn nghe nói tới tới nhiều hiện tượng được coi là “trái” như vậy: Quả trái vụ (dứa, mít là cây ăn trái ra quả vào mùa nóng nhưng lại ra quả vào mùa lạnh), rau trái mùa (một loại rau thường được trồng vào một mùa nào đó (Xuân, Hạ, Thu, Đông) nhưng lại thu hoạch không đúng với mùa thích hợp, như rau muống vào mùa Đông, rau bắp cải, xà lách vào mùa Hè); v.v... “Mưa trái mùa” cũng là mưa, nhưng là những cơn mưa không tuân theo quy luật thông thường của thời tiết vẫn diễn ra thường niên. Chẳng hạn những cơn mưa rào như trút vào ngày đông tháng giá, hay những trận mưa to, kéo dài trong mùa khô (ở miền Trung và miền Nam), hoặc vừa kết thúc mùa khô, lẽ ra phải có nhiều trận mưa cơn nhỏ và vừa, nhưng đột nhiên có giông tố và mưa tầm tã với lượng nước nhiều, gây lụt lội, ảnh hưởng tới việc canh tác lúa má, rau màu và giao thông đi lại…
trời nhiều khi cũng “trái tính trái nết”. Theo các nhà nghiên cứu khí tượng thủy văn và dự báo thời tiết, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, mưa trái mùa đang có xu hướng mở rộng ra nhiều tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam nước ta, không chỉ trong năm nay.
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags