Chữ và nghĩa: Ngoáy và chọc ngoáy

Thứ Tư, 16/03/2022 06:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Ngoáy” và “chọc ngoáy” là 2 động từ quen thuộc trong tiếng Việt. Càng quen thuộc hơn vì gần đây nó được nhắc đến nhiều (tới mức kỷ lục) trong kết hợp từ “ngoáy mũi” - thao tác bắt buộc trong quy trình xét nghiệm Covid-19 được thực hiện thống nhất trên toàn cầu.

Chữ và nghĩa: Bệnh đặc hữu

Chữ và nghĩa: Bệnh đặc hữu

“Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.” (tuoitre.vn, 3/3/2022).

“Ngoáy” có một nét nghĩa chính là “thọc một vật vào chỗ sâu rồi xoay đi xoay lại thành những vòng tròn” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Động tác này ta vẫn thường làm như “dùng tăm bông ngoáy tai”, “dùng đũa cả ngoáy nồi cám lợn”, “dùng thìa ngoáy ly cà phê” v.v…

Nhiều người vẫn thường có thói quen đưa tay ngoáy mũi (cho đỡ ngứa hoặc lấy chất bẩn bám trong đó). Nhưng “ngoáy mũi” theo đúng quy trình y tế thì lại khác. Nó liên quan tới một tổ hợp từ: “Chọc ngoáy”.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Có điều lạ là “chọc ngoáy” chưa được các nhà từ điển thống kê như một từ bình thường (mà coi là một kết hợp tự do). Ấy vậy mà, nó lại xuất hiện khá nhiều trong giao tiếp. Chẳng hạn: “Anh chàng này làm thì lớt phớt nhưng lại rất hay chọc ngoáy người khác”; “Cô ấy chả tập trung làm được việc gì vì đến cơ quan là lại nghe toàn những lời chọc ngoáy”… “Chọc ngoáy” rõ ràng mang một nghĩa xấu, chỉ một hành vi không hay của ai đó. Những người (hay chọc ngoáy) như vậy sẽ không được coi trọng.

Tuy nhiên, cũng theo hướng dẫn y tế thì quá trình test Covid-19 bằng phương pháp lấy và xét nghiệm dịch mũi thì quy trình này phải tiến hành qua 2 bước: “Chọc” và “ngoáy”.

“Chọc” là “đưa một vật vào sâu phía trong một vật khác”, như dùng que cứng (hay sắt nhọn) chọc bao gạo, chọc lớp bùn, chọc củ khoai… mà ta vẫn làm. Nhưng chọc que thử vào mũi không đơn giản như thế. Nó phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt.

Trước hết, ta phải cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu một khoảng bằng 1/2 độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

Tiếp theo, phải giữ que lấy mẫu tại chỗ (cần lấy mẫu) ngoáy nhẹ trong vòng 5-8 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

Bộ Y tế còn khuyến cáo: Nếu chưa đạt được độ sâu 1/2 bằng chiều dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra. Lúc đó mới đạt yêu cầu về mẫu bệnh phẩm và việc xét nghiệm tiếp theo mới cho kết quả kịp thời và chuẩn xác.

Thực tế, có nhiều trường hợp người nhà tự lấy mẫu xét nghiệm cho người thân, hoặc nhân viên y tế thao tác “nghiệp dư” sẽ dẫn đến kết quả không chính xác. Lẽ ra 2 vạch nhưng chỉ hiện lên 1 vạch. Thế là, bị dương tính nhưng lại nói âm tính. Rõ ràng, điều này sẽ dẫn đến việc đưa ra phác đồ điều trị sai, gây rủi ro, nguy hiểm cho người bệnh.

Xem ra, “chọc - ngoáy” Covid-19 là một công đoạn cần thiết và từ “chọc ngoáy” lại mang nghĩa tích cực. Ngôn từ “ăn theo” và biến chuyển cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›