“Nhìn miệng cho nhai, nhìn vai cho gánh”. Đây là một câu tục ngữ 8 âm tiết, được chia thành 2 vế. Đọc lên, ta thấy mỗi vế tục ngữ thể hiện một phán đoán, có thể khái quát thành cấu trúc “nhìn A cho B”.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
“Nhìn” và “cho” là hai động từ quen thuộc của tiếng Việt. Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) động từ “nhìn” có tới 4 nghĩa: nhìn đg. 1. đưa mắt về một hướng nào đó để thấy (VD: ngửa mặt nhìn trời; xa quá nhìn không rõ; Vội sang vườn Thúy dò la/ Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa - Truyện Kiều). 2. để mắt tới, quan tâm, để ý tới (VD: mải chơi, không nhìn đến sách vở; nhà cửa bỏ mặc, không ai thèm nhìn đến…). 3. xem xét để thấy và biết được (VD: nhìn rõ trắng đen; nhìn ra sai lầm của mình; nhìn vấn đề một cách khách quan; nhìn thẳng vào sự thật). 4. [công trình xây dựng hay vật được bố trí, sắp xếp] có mặt chính quay về phía hoặc hướng nào đó (VD: khách sạn nhìn ra biển; ngôi nhà nhìn về hướng đông).
Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) động từ “nhìn” có tới 4 nghĩa: được sử dụng trong câu tục ngữ trên là nghĩa “xem xét để thấy và biết được” (điều gì đó)… Đó chính là quá trình “quan sát và nhận diện đối tượng”. “Nhìn” ở đây là “nhận ra một vấn đề”: Nhìn cây nhận ra núi, nhìn sông tìm ra nguồn, nhìn mặt mà bắt hình dong…
Còn từ “cho” trong tiếng Việt có quá nhiều nghĩa (7 nghĩa động từ, 5 nghĩa kết từ và 3 nghĩa trợ từ). “Cho” trong tục ngữ này là động từ, với nghĩa “làm cho người khác có được, nhận được cái gì hoặc điều kiện để làm việc gì” (cho thời gian để chuẩn bị; cho đi nghỉ mát; cho học tiếp; cho lấy chồng xứ Bắc…).
Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này là “Nhìn miệng (xem có đói không) rồi hãy cho ăn (kẻo phí mất cơm); nhìn vai (xem có gánh được không) rồi hãy cho gánh (để khỏi làm rơi vãi các thứ được giao cho gánh).”
Thực ra, chuyện “cho nhai” không hẳn là “nhìn miệng xem có đói không rồi mới cho ăn (khỏi phí cơm)”. Bởi kinh nghiệm, với nhiều trẻ em còn bé, đang trong quá trình hoàn thiện cơ thể, không phải lúc nào cũng có thể tiếp nhận thức ăn bình thường. Trẻ sơ sinh hay còn quá bé, cơ quan tiêu hóa chưa hoàn thiện thì chưa thể ăn được cơm bình thường. Chúng phải trải qua các quá trình tiếp nhận thức ăn khác nhau. Đầu tiên chỉ là bú sữa mẹ. Sau đó là ăn bột (hoặc thức ăn lỏng). Đó là ăn dặm (ăn thêm thức ăn đặc), ăn cháo (cháo nghiền hoặc cháo bình thường). Cuối cùng mới ăn cơm hột (cho trẻ cứng cáp), v.v... Nếu cứ bạ thực ăn nào (dù ngon mấy, bổ mấy) cũng tùy tiện cho trẻ ăn thì không những trẻ không hấp thụ được mà có khi còn nguy hiểm.
“Nhìn miệng” cũng có thể là một cách đánh giá ai đó “để cho ăn hoặc cho ăn tiếp”. Có những người không thích hoặc không thể ăn được vật cứng (xương xẩu, hạt vỏ cứng), vị quá cay vì răng kém, hoặc người đó kiêng kị, dị ứng thì phải liệu để mời món khác. “Nhìn miệng cho nhai” là vì nhiều lẽ.
- Chữ và nghĩa: 'Sáng tai họ, điếc tai cày'
- Chữ và nghĩa: 'Nó bảo sao không đến'?
- Chữ và nghĩa: Trai lành chửa vội, trai thối trời mưa
Thế còn “nhìn vai cho gánh”? Gánh mà một công việc liên quan tới vận chuyển. Đó là “mang chuyển [thường là vật nặng] bằng cách mắc vào hai đầu một cái đòn đặt trên vai”: Gánh lúa, gánh phân, gánh đất, gánh hàng ra chợ… Vai - chính là bộ phận cơ thể chịu sức nặng của vật gánh (thông qua đòn gánh). Trẻ em, người yếu sức không thể đảm đương việc gánh. Ngay cả người trưởng thành, người khỏe cũng không phải lúc nào cũng gánh được (nếu họ không đủ sức vóc hoặc chưa được rèn luyện để có một kĩ năng đảm đương công việc này). Đường xa gánh nặng khó qua. Đánh giá đúng khả năng của ai đó để trao cho họ thực hiện công việc “gánh” chính là một việc cần thiết, nếu không sẽ đưa người thực hiện vào thế khó (không gánh được hoặc gánh không nổi). “Nhìn vai cho gánh” chính là với ý này.
Tựu trung, câu tục ngữ trên có chung một thông điệp: “Cần phải biết quan sát, đánh giá đúng đối tượng trước khi giao cho họ một công việc phù hợp”. Đó chính là kinh nghiệm, tài phán đoán, cách xử lý trong việc giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Biết người mà lại biết ta
Nhìn xa trông rộng sẽ ra vấn đề.
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags