Câu tục ngữ này còn có một dạng đầy đủ là “Tậu ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng”. Với hai vế rõ ràng, câu tục ngữ cũng rất tường minh về ngữ nghĩa. Đó chính là một lời khuyên, được dân gian tổng kết từ cuộc sống về hai việc rất cần thiết: 1) lo tìm đất cho việc làm ruộng; và 2) lo chuyện chọn chồng cho yên bề gia thất của các cô gái làng quê.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Ruộng là “đất trồng trọt ở ngoài đồng, xung quanh thường có bờ” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Ruộng cạn, ruộng sâu (ruộng rộc) là những chân ruộng có độ cao thấp khác nhau. Ruộng khoai, ruộng lúa, ruộng dưa… là những ruộng trồng cấy các loại cây nông nghiệp khác nhau. Về chất lượng, có ruộng xấu và ruộng tốt:
“Từ nay tôi cạch đến già/ Tôi chẳng dám cấy ruộng bà nữa đâu/ Ruộng bà vừa xấu vừa sâu/ Vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền” (ca dao).
Ruộng chính là “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất của người nông dân.
Hiển nhiên là thế. Nhưng qua tục ngữ trên, thì “ruộng giữa đồng” có gì đặc biệt mà người ta lựa chọn để “tậu” (mua) nhỉ?
Theo quan niệm của nhà nông, trong những mảnh ruộng ở một vùng đất trồng trọt nào đó, thì khoảnh ruộng đáng được quan tâm nhất là khoảnh nằm ở giữa đồng. Ruộng giữa đồng có những ưu thế sau:
Trước hết, đó là ruộng có địa thế đẹp. Nếu ruộng nằm ở một góc hoặc một cạnh nào đó (ngoài rìa) thì méo mó, dễ bị người hoặc trâu bò đi qua giẫm đạp làm sạt lở bờ, cày cấy cũng không thuận lợi. Khi nước trong ruộng (lúa) đã ổn mà bờ chẳng may bị vỡ thì ruộng này sẽ mất nước đầu tiên. Khi hạn hán, cần tát nước thì tuy ruộng ngoài gần nguồn nước hơn nhưng những ruộng này lại bị các chủ ruộng trong “mượn” đất đặt máng tát cho nước vào đất của họ (ruộng trong nong ngoài, theo luật bất thành văn, những người có ruộng phía ngoài phải có trách nhiệm giúp người có ruộng phía trong mở đường dẫn nước vào). Có những mảnh ruộng phía ngoài bị trổ be bát vì các máng tát.
Thứ hai, ruộng giữa đồng sẽ có ưu thế về mặt an ninh. Đến mùa thu hoạch (lúa, ngô, khoai, rau màu…) thường có nhiều kẻ muốn tắt mắt lấy trộm (hoặc phá hoại, kể cả trâu bò) thì việc vào “ruộng giữa đồng” sẽ khó hơn, dễ bị lộ hơn, khi bị phát hiện cũng sẽ khó tẩu thoát hơn. Độ an toàn của ruộng giữa đồng rõ ràng là cao hơn.
- Chữ và nghĩa: Nhìn miệng cho nhai…
- Chữ và nghĩa: 'Sáng tai họ, điếc tai cày'
- Chữ và nghĩa: Trai lành chửa vội, trai thối trời mưa
Theo hướng suy luận đó, việc các cô gái “lấy chồng giữa làng” sẽ có nhiều ích lợi. Điều này căn cứ vào sự tính toán rất thực tế ở làng quê. Theo Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) thì “lấy chồng thì nên chọn những người ở giữa làng (vì đó là những người làng đích thực)” (tr. 782).
Đấy cũng chỉ là một luận cứ. Nhiều người còn bổ sung thêm một luận cứ nữa: Lấy chồng giữa làng sẽ tiện cho việc đi lại vì gần gũi, việc thăm hỏi họ hàng, anh em, bố mẹ cũng vì thế mà thuận lợi hơn. Nhà giữa làng cũng ít khi chịu thiệt về các quyền lợi, thông tin làng xã không bị lọt hoặc chậm, các khoản lợi tức, tham gia đình đám, quà cáp dù ít thì mấy khi người giữa làng không có (chỉ có người cuối làng bị thiệt). “Nằm giữa không khi nào mất phần chăn” mà!
Tội gì đi lấy chồng xa
Giữa làng em chọn thế là yên tâm.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Tags