(Thethaovanhoa.vn) - Câu tục ngữ này phải viết đầy đủ là: “Sấm trước cơn sấm no, sấm sau cơn sấm đói”. Sao lại có chuyện “sấm no” và “sấm đói” ở đây nhỉ?
Ngữ đoạn “sấm trước cơn” được hiểu là “sấm trước cơn mưa”. Sấm là “tiếng nổ rền vang do hiện tượng phóng điện giữa 2 đám mây gây ra khi trời có giông” (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Khi có sự thay đổi thời tiết, nhất là trong khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 hàng năm, cũng là giai đoạn chuyển mùa (từ mùa Xuân sang mùa Hạ) thì sẽ xuất hiện mưa rào (mưa hạt to và nhiều) thường do các đám mây giông tạo ra.
Như vậy, sấm (và sét - hiện tượng phóng điện giữa đám mây và mặt đất, tiếng nổ to và đanh, có thể gây nguy hiểm cho người) là hiện tượng xảy ra khi có những cơn giông lốc (lốc: gió xoáy mạnh trong phạm vi nhỏ) xuất hiện.
Sấm đáng sợ thực. Nhưng nhờ có sấm đem mưa lại, nhà nông mới có nước canh tác cấy cày, có nước chăm bón lúa và rau màu. Hơn nữa, khi có sấm phóng tia lửa điện, nhiệt độ không khí lên tới 2.000 độ C, sẽ xảy ra hiện tượng kết hợp giữa nitơ và oxy tại thành ôxit nitơ, thành phần cơ bản tạo nên một loại đạm nitơ rất tốt cho cây trồng. Ca dao có câu:
“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm mở cờ mà lên”
Đó chính là lợi ích thiết thực của những cơn mưa giông có sấm sét đem lại. Nhưng sấm nhiều, sấm ít, sấm to, sấm nhỏ nhiều khi không tương ứng với mức độ của những cơn mưa. Bởi có hiện tượng “sấm to mưa nhỏ, sấm nhỏ mưa to”. “Ông sấm hát trước, hát to” nhưng chẳng có hạt mưa nào. Người ta gọi là “sấm suông”. Tuy nhiên, ta thấy, bình thường những cơn mưa rào bất chợt trong mùa Hè bao giờ cũng bắt đầu bằng một cơn giông, gió to với mây đen kéo đến. Cơn giông nổi lên là tiếng sấm vang rền, kéo dài một lúc. Khi giông gió và sấm sét giảm dần ấy là lúc mưa rào ập xuống. Những cơn mưa rào “ngập đường ngập ngõ”, gây lụt lội, cản trở giao thông nhưng lại mang nguồn nước tươi mát cho cây cối mùa màng.
- Chữ và nghĩa: 'Đêm hôm qua cầu gãy'
- Chữ và nghĩa: 'Chè hâm lại, gái đưa đò'
- Chữ và nghĩa: 'Ngày kĩa' và 'ngày kịa'
Câu tục ngữ “Sấm trước cơn sấm no, sấm sau cơn sấm đói” phản ánh một kinh nghiệm dân gian. Trong cuốn Từ điển Tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010), tác giả Nguyễn Đức Dương giải nghĩa: “Sấm hễ rền vang trước cơn (mưa) là thứ sấm mang lại ấm no (vì đó là điềm báo trời sẽ mưa to, lúa sẽ no nước và mùa màng tất bội thu); còn sấm rền vang sau mưa là thứ sấm mang lại đói kém (vì đó là điềm mưa chẳng đổ xuống, nên lúa tất đói nước và mùa màng sẽ thất bát)”. Nhiều nhà nông lão luyện ngồi trong nhà, cứ nghe tiếng sấm mà tính chuyện làm ăn, vì họ đã “nhìn ra” những khó khăn hay thuận lợi cho mùa màng sắp tới.
Dân gian còn truyền nhau một kinh nghiệm nữa: Sấm trước cơn là sấm giông về buổi sáng, dễ gây mưa, đủ nước cày cấy, còn sấm sau cơn là sấm giông thường về chiều, đó là giông nhiệt, ít khi gây mưa, hoặc mưa với lượng mưa không lớn, thiếu nước cày bừa, lúa má không tốt.
Thực tế, đó chỉ là biểu hiện thời tiết riêng biệt ở một số vùng vào mùa nào đó. Còn nói chung, những cơn giông thường “thất thường về tính nết”. Giông sớm hay giông chiều vẫn có thể có sấm trước sấm sau. Và cũng chẳng hẳn là sấm trước mưa to đâu. Có những trận mưa rào ập xuống mà chẳng có giông hay sấm nào hết. Thời tiết ngày càng “cực đoan” mà. Con người cũng phải hiểu, làm quen và thích nghi với hiện tượng thời tiết “trái tính trái nết” như thế.
PGS - TS Phạm Văn Tình
Tags