Câu tục ngữ có dạng đầy đủ là “Tháng Bảy mưa gãy cành trám, tháng Tám nắng rám trái bưởi”. Tháng Bảy đã đến và tháng Tám sắp đến. Nhưng đây là câu tục ngữ nói về tháng Bảy và tháng Tám âm lịch. Thực tế thì dương lịch và âm lịch cũng không chênh nhau là mấy (thường hơn kém nhau chừng 1 tháng).
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Cả hai vế của câu tục ngữ thể hiện một nhận định về hai hiện tượng liên quan đến thời tiết nước ta. Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB TP.HCM, 2010) giải nghĩa: “Vào dịp tháng Bảy (âm lịch) trời hay trút xuống lắm cơn mưa to, tới độ có thể làm gãy những cành trám đang còn ở trên cây; vào dịp tháng Tám (âm lịch) trời hay đổ xuống lắm đợt nắng nóng gay gắt, tới độ có thể làm rám cả các quả bưởi đang còn ở trên cành”.
Làm ăn nhà nông luôn luôn phải quan tâm tới thời gian, thời vụ, đến các ngày, tháng trong năm (theo tuần hoàn vũ trụ). Vế đầu của tục ngữ nói về chuyện mưa tháng Bảy, vế sau nói về chuyện nắng tháng Tám. Nắng mưa thì tháng nào chả có? Có điều, cả hai hiện tượng “mưa tháng Bảy, nắng tháng Tám” này đều đáng lưu ý để có cách ứng phó trong cuộc sống và trong canh tác nông nghiệp.
Ngữ nghĩa của câu tục ngữ cũng quá tường minh, thiết tưởng cũng chẳng cần giải thích gì thêm. Điều đáng lưu ý ở đây là tại sao dân gian lại đưa hai sự vật (cành trám, trái bưởi) ra để diễn giải. Phải chăng là đưa từ “trám” (cây trám) ra để hiệp vần với “tám” (tháng Tám), chứ mưa to thì gãy cành nhiều cây chứ đâu chỉ có cây trám (nhất là cây trám thường ít gặp hơn những cây khác)?
Trám là “tên gọi chung nhiều cây to cùng họ, có nhựa thường dùng để làm hương, một số loài có quả ăn được” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Cây trám có nhiều ở vùng trung du nước ta. Điển hình cho loại trám có trám đen (còn gọi là cây bùi) và trám trắng (còn gọi là cà na, trám chua). Thân cây trám to, lá kép lông chim, gồm 4 đôi lá chét. Trám trắng ra hoa khoảng tháng Sáu, tháng Bảy và đậu quả vào tháng Bảy, tháng Tám (theo Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, NXB Từ điển Bách khoa, 2005). Tháng Bảy thường là thời kỳ mưa nhiều, lưu lượng nước trời đổ xuống lớn. Vào lúc này, những cành trám còn khá non, nhiều lá, đang thời kỳ đậu quả, đọng nước mưa nên nặng hơn bình thường. Những trận mưa mùa Hạ thường kèm theo gió lốc nên cành cây giòn và rất dễ bị gãy. Mưa đến gãy cành trám là như thế.
- Chữ và nghĩa: Trai lành chửa vội, trai thối trời mưa
- Chữ và nghĩa: Phân gio chẳng bằng cấy mò tháng Sáu
- Chữ và nghĩa: Mưa trái mùa
Còn bưởi (có nơi gọi là bòng) là cây ăn quả, họ cam, ra hoa vào mùa Xuân (tháng Giêng, Hai) và bắt đầu thu hoạch vào tháng Tám (âm lịch). Tết Trung Thu (rằm tháng Tám) không thể thiếu quả này. Cũng vào tháng Tám, khi đã phát triển hết cỡ, những chùm trái bưởi (tròn, khá to) để lộ vỏ ra khỏi vòm lá. Đấy là lúc dễ bị ánh nắng tháng Tám (gay gắt) chiếu trực tiếp trên bề mặt. Nắng rám là ánh nắng tác động chuyển từ màu xanh đậm sang màu nâu sẫm hoặc đen. Điều này ảnh hưởng tới thẩm mỹ (da quả bưởi loang lổ, không mịn, không đẹp) và chất lượng của múi bưởi (có vị chua, kém ngọt). Nắng đem lại lợi ích cho cây (quang hợp) nhưng lại gây bất lợi cho quả.
Như vậy, chuyện “mưa gãy cành trám” và “nắng rám trái bưởi” là có căn cứ từ hiện thực cuộc sống chứ không phải là “ghép bừa” cốt cho thành câu tục ngữ có đối có hiệp vần đâu.
Nắng mưa là chuyện của trời
Biết mà tránh né thì đời mới vui...
PGS -TS Phạm Văn Tình
Tags