(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua công luận nóng lên với vụ việc cậu bé 15 tuổi kéo đàn violin ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm (Hà Nội). Thời đại Facebook, thông tin lan truyền đến chóng mặt, vì vậy mà sự phản ánh phiến diện có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
- Violinist Trần Lê Quang Tiến: Tài năng thiên bẩm được nuôi dưỡng từ truyền thống gia đình
- Hoàng Rob: Kiêu hãnh với violin
- Mỹ nữ Hàn mặc áo dài, xuyên Việt, chơi violin 'gây sốt'
Khi chị Hằng, mẹ của cậu bé, lên Facebook kể lại câu chuyện “bất công” với con trai mình với những lời lẽ có vẻ “chuẩn không cần chỉnh” thì lập tức nhiều người đã bày tỏ sự chia sẻ, đồng tình và bức xúc thay cho gia đình chị. Tuy nhiên, khi tổ liên ngành bảo vệ phố đi bộ Hồ Gươm có giải trình cho rằng, cha của cậu bé đã “đậy nắp hộp đàn bằng chân” và có những lời lẽ thóa mạ nhân viên tổ bảo vệ; rồi cậu bé cũng xưng “mày – tao” với tổ liên ngành là những người đáng tuổi cha, chú mình…, thì hình ảnh trong sáng của cậu bé kéo đàn violin dường như tối sầm lại trước mắt mọi người…
… Thế mới biết, điều gì cũng cần bình tĩnh, nhất là “Hà Nội không vội được đâu” và cần lắng nghe từ hai phía, đánh giá sự việc mới khách quan.
Ở trên là chỉ nói về “hình ảnh”. Còn về ý nghĩa thì thế nào?
Thật ra, việc các nghệ sĩ đường phố biểu diễn ở các nước phương Tây là chuyện rất bình thường, họ cũng không cần ai cấp phép cả. Đa số họ biểu diễn để kiếm tiền cho cá nhân họ, không phải mục đích từ thiện hay giúp vui cho mọi người.
Tuy nhiên, nơi họ biểu diễn là hè phố, ga tàu điện ngầm… khác với phố đi bộ quanh Hồ Gươm - một không gian văn hóa mà thành phố Hà Nội đang nỗ lực xây dựng. Vì thế mà việc cậu bé kéo đàn và người nghe cho tiền, theo tổ liên ngành là phản cảm, không phù hợp với phố đi bộ. Nếu biểu diễn mà không “xin tiền” thì không sao cả - tổ liên ngành trong giải trình với cấp trên đã nói như thế. Bởi nếu nhiều người làm như cậu bé thì phố đi bộ sẽ có rất nhiều nghệ sĩ đường phố biểu diễn để kiếm tiền thì chẳng đẹp chút nào, nó sẽ trở thành phố “ăn xin” (vì không phải ai cũng dùng tiền để làm từ thiện như cậu bé).
Dẫu cậu bé có hành động đẹp, nhưng vì cái đẹp chung của phố đi bộ, cậu bé nên đến một hè phố, góc đường khác để thực hiện điều đó.
Về phía quản lý, chúng ta thấy những bất nhất, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội trả lời trang soha.vn nói rằng: “Mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên các tuyến phố đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm đều phải được xin phép, tự do vào là không được”.
Trong lúc đó, Thứ trưởng Vương Duy Biên, người đang tạm thời phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn - cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn cao nhất hiện nay -phát biểu trên báo điện tử Dân trí khi nói về trường hợp cậu bé kéo đàn violin tại phố đi bộ như sau: “Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn”.
Ngay cả những người có trách nhiệm cao đối với lĩnh vực văn hóa của xã hội cũng có những ý kiến khác nhau, thì những người trong tổ liên ngành và cha mẹ cháu bé kéo đàn violin trái ý nhau cũng là chuyện quá bình thường. Hoạt động của phố đi bộ còn mới mẻ, một số tình huống diễn ra trên phố đi bộ sẽ nằm ngoài dự liệu của ban điều hành, nó cần va chạm thực tế để có những điều chỉnh ưu việt nhất. Thể hiện được nét văn minh hay không là ứng xử với nhau ôn hòa, vì cái chung của cộng đồng.
Nếu rất nhiều “nghệ sĩ đường phố” đến góp vui trong phố đi bộ, nếu không làm ảnh hưởng đến trật tự chung, thiết nghĩ cũng chẳng cần xin phép. Hoạt động nghệ thuật cần nhất là sự ngẫu hứng và sự tự phát đôi khi lại làm nên nét văn hóa đặc trưng. Chúng ta cần linh hoạt để điều chỉnh những hoạt động ở không gian văn hóa công cộng và cũng cần “chậm lại” một chút đối với thời đại Facebook…
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags