(Thethaovanhoa.vn) - Văn phòng UNESCO Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam) tiến hành tuyển sinh khóa học về sản xuất phim phi lợi nhuận (ON THE REEL Film Lab) từ ngày 6-30/9.
Khóa học nhằm cung cấp kiến thức cơ bản, giúp ích cho việc phát triển các dự án phim ngắn, tìm lộ trình sản xuất phù hợp và tự định hướng sự nghiệp cho những nhà làm phim trẻ.
Chương trình còn có sự đồng hành của nhiều đối tác như Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam, HK Film, WallSound, Hanoi Grapevine và Colab Vietnam.
Các nhà làm phim trẻ có thể nộp hồ sơ tại https://bit.ly/3yK0kY5; thông tin chi tiết tại https://bit.ly/OntheReelFilmLab.
Khóa học diễn ra theo hình thức trực tuyến trong tháng 10/2021, với sự tham gia của nhiều đạo diễn, nhà làm phim uy tín trong và ngoài nước. Có thể kể đến các đạo diễn Phạm Ngọc Lân, Trương Minh Quý, Bùi Kim Quy, Trịnh Đình Lê Minh (Việt Nam) và đạo diễn, nhà sản xuất Pimpaka Towira (Thái Lan).
Cụ thể, từ ngày 5-8/10, đạo diễn Phạm Ngọc Lân sẽ giảng dạy về tính thẩm mỹ của phim ngắn, làm phim với kinh phí thấp. Sau đó, mỗi dự án sẽ có một buổi làm việc riêng với đạo diễn Phạm Ngọc Lân hoặc với các vị khách mời.
Phần hai diễn ra từ ngày 15- 18/10, đạo diễn, nhà sản xuất Pimpaka Towira chia sẻ về ngành công nghiệp điện ảnh quốc tế và các kỹ năng trong sản xuất phim. Học viên có thể trình bày dự án với giảng viên và các học viên khác.
Để tham gia khóa học, các nhà làm phim trẻ cần có đề xuất về dự án phim truyện, phim tài liệu hoặc hybrid (lai giữa hai thể loại) của cá nhân hoặc nhóm. Mỗi dự án được chọn sẽ có tối đa hai thành viên của nhóm tham gia khoá học. Ngoài kiến thức chuyên môn, các dự án trong khoá học sẽ có cơ hội nhận được hai giải thưởng tiền mặt trị giá 1.000 USD mỗi giải; hai gói thiết bị quay và ánh sáng từ nhà tài trợ HKFilm; một gói hậu kỳ âm thanh từ nhà tài trợ Wallsound.
Làm phim ngắn và tham dự liên hoan quốc tế là cách để các nhà làm phim trẻ được biết đến, hiểu hơn về cách thức vận hành của ngành công nghiệp phim, tìm kiếm cơ hội phát triển. Nhưng phim ngắn Việt Nam còn gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ hội vươn ra thế giới. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng buộc những người liên quan phải nhìn nhận lại cách làm phim truyền thống để có thể thích ứng với thay đổi trong tương lai.
Khóa học lần này sẽ hỗ trợ các nhà làm phim trẻ có cái nhìn tổng quan về điện ảnh trong nước, quốc tế, hệ thống liên hoan phim quốc tế, cập nhật các xu hướng làm phim mới, cải thiện kỹ năng và nghiệp vụ đạo diễn, quy trình sản xuất, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà làm phim có tiếng.
Khóa học nằm trong khuôn khổ dự án E-MOTIONS góp phần thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO và các đối tác thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác của Nhật Bản.
Đạo diễn, nhà sản xuất Pimpaka Towira là một nữ đạo diễn tiên phong của Thái Lan trong dòng phim độc lập. Chị có hơn 15 năm kinh nghiệm làm giám đốc của nhiều liên hoan phim nổi tiếng.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân tốt nghiệp kiến trúc chuyên ngành quy hoạch đô thị trước khi làm phim. Điện ảnh của anh mang sự hòa trộn nhịp nhàng giữa cảm xúc và lý trí; chân thành và cần mẫn nuôi dưỡng những suy tưởng về cuộc sống.
- Thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa
- 'Vaccine' cho điện ảnh Việt Nam: Vượt khó bằng thích nghi và sáng tạo
- 'Vaccine' cho điện ảnh Việt Nam: Dìu nhau vượt khó
Khách mời, đạo diễn Trương Minh Quý từng theo học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, Trương Minh Quý tham gia AFA (Học viện Phim châu Á, Liên hoan Phim quốc tế Busan). Năm 2016, anh tham gia Berlinale Talents thuộc Liên hoan phim quốc tế Berlin. Phim của đạo diễn Trương Minh Quý đã được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim và triển lãm quốc tế…
Khách mời tiếp theo là đạo diễn Bùi Kim Quy là giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chị đã làm rất nhiều phim ngắn, như Cái đệm (giải Nhất, Liên hoan phim ngắn toàn quốc - Cánh diều vàng 2003), Đã qua Giao thừa (35mm, 2005), Sao ban ngày không có mặt trăng (2006), Khung trời ảo vọng (Giải khuyến khích Liên hoan Phim ngắn toàn quốc 2007). Chị còn viết rất nhiều kịch bản phim điện ảnh, truyền hình.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Giám đốc Chương trình Quản trị Công nghệ Truyền thông, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành sản xuất phim tại Đại học Austin – Texas, Mỹ với phim ngắn Mùi hương nước mắm (2015), tham dự nhiều liên hoan phim danh giá trên thế giới… Anh đã tham gia viết kịch bản, sản xuất và biên tập cho nhiều phim tài liệu, phim truyện và cũng được chọn là khách mời trong khóa học này…
Thanh Giang/TTXVN
Tags