Hashima là một hòn đảo của Nhật Bản mà khi nhắc đến, người dân chỉ dùng cái tên truyền miệng Gunkanjima tức “Đảo tàu chiến”.
Doi đá được bao quanh hoàn toàn bởi một bức tường bảo vệ khổng lồ, cao từ 8 đến 10m. Vào lúc hoàng hôn buông xuống, trước nền trời rám đỏ nhấp nhô nhiều cấu trúc bằng thép và bê tông, bóng đen của hòn đảo giống như hình dáng của một chiếc tàu chiến đang lờ lững trôi trên bề mặt xáo động của mặt biển.
Đặc biệt, với chiều rộng 120 mét và chiều dài 320 mét, nó có thể được thu gọn trong tầm mắt, kể cả sau nhiều thập kỷ, kích thước nó đã tăng lên 160 x 480 mét đất đá tải lên từ các mỏ than.Đảo nằm ngoài khơi Nagasaki, cách khoảng 15 km từ trung tâm của thành phố.
Khởi đầu là “vàng đen”
Không chỉ vì hình dạng đặc biệt, mà cả cái tên “tàu chiến” khá hợp với không khí bạo liệt ở đây: Trong nhiều thập kỷ, con người đã chiến đấu chống lại các cơn bão biển xảy ra như cơm bữa, chống lại không gian quá ư chật hẹp trên hòn đảo chỉ 160 x 480 mét, chống lại nỗi sợ hãi trong các hầm than bí bách nằm dưới mực nước biển - cảm giác chỉ cần có vài kẽ hở là cả toán công nhân mỏ không kịp thoát cái chết ngợp nước.
Nhưng cũng chính than đá là nguyên nhân duy nhất để người ta đổ về đây: Trữ lượng vàng đen khổng lồ được phát hiện ra dưới lòng đất đã trở thành biểu tượng của sự hiện đại và công nghiệp hóa.
Ngày nay “con tàu chiến” nằm đó trơ trọi một mình giữa sóng gió: Năm 1974, những cư dân cuối cùng đã vội vàng tháo chạy khỏi đảo, chỉ để lại một lũ mèo hoang. Biểu tượng của sự tiến bộ đã trở thành biểu tượng của sự tạm bợ nhất thời: Trong một số căn hộ, những chiếc bàn ăn còn nguyên bát đĩa phủ đầy bụi, trên giá là dãy chai lọ chứa mắm muối, tủ lạnh han gỉ, bàn ghế xếp ngay ngắn, bể bơi như đợi khách vào thăm.
Một thành phố kiểu mẫu của Nhật
Ngay từ thế kỷ 19, than đã được khai thác trên hòn đảo Takashima lân cận, có diện tích lớn hơn Hashima. Ngày ấy than đá chỉ được dùng làm nhiên liệu cho ngành sản xuất muối.
Khi kỷ nguyên bế quan tỏa cảng đã qua, chính phủ Nhật cầu viện sự giúp đỡ kỹ thuật của thế giới phương Tây. Một nhóm kỹ sư Scotland đã qua đây và mỏ than hiện đại đầu tiên của Nhật Bản đã được xây dựng chính tại Hashima vào năm 1869. Vỉa than nằm mấy chục mét dưới mực nước biển.
Thành công này cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp tạo ra nhu cầu vô đáy về than đá: Vào năm 1890, công ty Nhật Bản Mitsubishi đã mua lại hòn đảo Hashima với giá 10 vạn Yen. Hôm nay người ta chỉ còn biết tên Mitsubishi là nhà chế tạo ô tô, nhưng ở cuối thế kỷ 19, Tam lăng Thương hội là một thế lực kỹ nghệ áp đảo xứ Phù Tang. Ngày ấy họ cần than đá làm nguyên liệu cho đội tàu thủy hơi nước. Với than đá, công ty bắt đầu đa dạng hóa kinh doanh sang các lĩnh vực đóng tàu, bảo hiểm và thương mại. Ít người biết Mitsubishi còn sản xuất giấy, thép, thủy tinh, hàng điện tử, tàu sân bay và bất động sản. Khó hình dung ra cường quốc Nhật hôm nay mà không có Mitsubishi ngày ấy.
Mitsubishi đã xây dựng một trục khai thác than hiện đại dài gần 200 mét. Không chỉ vậy, công ty nổi tiếng thế giới bấy giờ nuôi tham vọng xây dựng một thành phố kiểu mẫu trên hòn đảo hiếu khách, như một hình ảnh thu nhỏ của xã hội Nhật Bản.
Trước tiên họ xây tường bê tông kiên cố bao quanh toàn bộ hòn đảo. Ngày càng có nhiều công nhân được chở ra đảo, và họ được khuyến khích trụ lại để tạo ra khởi đầu mới cho nước Nhật. Sản lượng than hàng năm tăng vọt - năm 1916 là 150.000 tấn, năm 1941 đã là 400.000 tấn. Biểu tượng đặc trưng của hệ thống thứ hạng trong xã hội là ngôi nhà tư nhân duy nhất ở đầu mũi nhọn của "tàu chiến". Những người thợ mỏ than chen vai thích cánh trong những ký túc xá nhỏ, mỗi phòng 10 mét vuông và nhà vệ sinh tập thể ở đầu dãy. Mặt tiền bê tông xám vẫn là bộ mặt đặc thù của hòn đảo ngày nay - người ta có thể rùng mình hoặc dè bỉu, song ở thời điểm đó các khu chung cư nhiều tầng được coi là giải pháp kiến trúc của tương lai: Tòa nhà bê tông cốt thép cao nhất Nhật Bản được dựng trên đảo Hashima vào năm 1916 - cao 9 tầng!
Vào thời kỳ đỉnh điểm, có 5.259 người sống trên đảo. Đó là con số đáng kinh ngạc: 835 người/ha, gần gấp sáu lần so với ở Tokyo ngày nay vốn đã được coi là nơi chen chúc nhất quả đất. |
Lớp cư dân mới
Đồng lương cao dụ nhiều sức lao động đến đây, chứ không phải ai cũng tự nguyện. “Vừa nhìn thấy Hashima, tôi đã mất hết hy vọng", Suh Jung Woo nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn. Người thợ Hàn Quốc ấy chợt nhận ra rằng không có cách nào để đào tẩu khỏi đây. Ông là một trong hàng trăm lao động cưỡng bức từ Trung Quốc và Triều Tiên được cử đến để tăng cường sản xuất than trong Thế chiến II.
"Công việc cực kỳ khắc nghiệt, trần lò và vách đất đe dọa có thể sập bất cứ lúc nào. Khí độc lẩn quất khắp nơi trong hầm lò. “Tôi tin là mình sẽ không bao giờ sống sót rời khỏi đảo này“, Jung Woo nhớ lại.
Thực tế là nhiều người lao động khổ sai cuối cùng đã gục ngã vì kiệt sức hoặc tai nạn. “Bốn đến năm công nhân chết mỗi tháng” - Jung Woo nhớ lại. Và nạn nhân không chỉ là những người lao động bị cưỡng bức. Brian Burke-Gaffney, giáo sư tại Đại học Nagasaki, đã viết một báo cáo về Hashima. Ông ước tính rằng 1.300 công nhân đã chết trên đảo vào cuối Thế chiến II. Thậm chí một số người tuyệt vọng còn cố gắng bơi khỏi đảo, nhưng không ai chạm được tới đất liền.
Nhưng cũng có những người khác, chẳng hạn Doutoku Sakamoto, nhớ da diết hòn đảo này. Ông lớn lên ở đây vào một thời điểm mà Hashima đang ở thời kỳ hoàng kim sau Thế chiến II, khi công nhân được nhận nhiều đặc quyền và mức lương cao, mức sống trên đảo cũng cao hơn những nơi khác ở Nhật Bản. “Chúng tôi thấy điều đó thật tuyệt vời“, Sakamoto nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Vào đầu những năm 1960, tất cả các căn hộ của chúng tôi đều có tủ lạnh, ti vi và máy giặt”.
Ngoại trừ một nghĩa trang, trên đảo không thiếu thứ gì: Một ngôi chùa, trường tiểu học, sân vận động, rạp chiếu phim, bệnh viện, tiệm làm tóc, quán bar, nhà hàng - thậm chí là một nhà thổ. Nước ngọt, trong vài thập niên đầu tiên phải chở về bằng tàu biển một cách vất vả, nay được chuyển thẳng từ đất liền qua một đường ống dài hàng cây số từ năm 1957 trở đi. Các cư dân bắt đầu biến hòn đảo hoàn toàn vắng bàn tay người trở nên dễ sống hơn với các cây cối và trồng rau trên mái nhà mình.
- Có thể bạn chưa biết: 'Cuộc chiến tranh whisky'
- Có thể bạn chưa biết: Kỷ vật của nền văn minh
- Có thể bạn chưa biết: Nhà tranh vách đất… xa xỉ
Những giá trị đã mất
Dễ hiểu là hầu như không có bất kỳ không gian cho sự riêng tư trên doi đá tí hon này. Giống như trong một phòng thí nghiệm mini ngoài trời, người dân trên đảo Hashima đã chiến đấu chống lại chính xác những vấn đề đang hoành hành ở Nhật Bản ngày nay: Thiếu không gian sống trong một xã hội phát triển rất cao, chỉ có điều là cuộc chiến đó đã diễn ra sớm hơn mấy chục năm so với phần còn lại của đảo quốc hùng mạnh. Có thể đến bất kỳ nơi nào trên hòn đảo bé xíu chỉ trong vòng vài phút, tất cả các tòa nhà được kết nối với nhau bằng một mê cung gồm các hành lang và cầu thang hẹp ngang kinh hoàng. Trường mẫu giáo và hồ bơi đã phải dời lên tầng mái của khu dân cư do thiếu không gian, và phiên chợ họp mỗi tuần một lần là sự thay đổi cảnh trí đáng kể duy nhất trong cuộc sống tù túng ở đây.
Vào thời kỳ đỉnh điểm, có 5.259 người sống trên đảo - mật độ dân số cao nhất từng được đo lường trên thế giới. Đó là con số đáng kinh ngạc: 835 người/ha, gần gấp sáu lần so với ở Tokyo ngày nay vốn đã được coi là nơi chen chúc nhất quả đất. Tuy nhiên điều đó không làm cho Doutoku Sakamoto phải bận tâm nhiều, mà ngược lại: “Đó là một cộng đồng thực sự, ở đó mọi người đều vì mọi người, ai nấy đều giúp đỡ hàng xóm của mình”, ông kể lại trong một cuộc phỏng vấn trên ti vi và đăm chiêu thốt lên sau đó: “Ở Nhật Bản ngày nay, những giá trị ấy đã bị lãng quên từ lâu”.
Các khu nhà tập thể và nhà máy hoàn toàn hoang vắng từ gần nửa thế kỷ. Hashima hôm nay chỉ còn toát lên một vẻ quyến rũ nhất định đối với những người đi tìm thời gian đã mất.
Trở thành Di sản thế giới Khi công nghiệp khai thác than trở nên quá đắt đỏ và khi nhu cầu giảm đi, ngành công nghiệp hiện đại của Nhật Bản đột ngột chuyển sang sử dụng dầu mỏ. Sau khi moi hết 16 triệu tấn than dưới lòng đất, Mitsubishi tuyên bố đóng cửa nhà máy vào tháng 1/1974. Bằng một chiến dịch truyền thông, người ta đã chiến đấu chống lại sự lãng quên và rốt cuộc năm 2015 đã đưa Hashima vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO - như một đài tưởng niệm chống lại sự boc lột thiên nhiên một chiều đến cùng kiệt: sự giàu có ngày xưa của hòn đảo đã biến thành án tử của nó! |
Lê Quang
Tags