(Thethaovanhoa.vn) - Sự bùng nổ của dòng phim siêu anh hùng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây đã khiến cho nhiều người xem nghĩ rằng, comic chỉ có siêu anh hùng. Chúng ta đã biết quá nhiều về những người anh hùng như Siêu nhân (Superman), Người nhện (Spider man), Người sắt (Iron man), Người dơi (Batman)... Nhưng trên thực tế, comic và các nhân vật trong comic còn đa dạng hơn thế.
Danh sách dưới đây có thể xem là một bản phác thảo toàn cảnh về comic Anh ngữ: Những tác phẩm thú vị mang nhiều thông điệp giá trị mà ít người Việt Nam biết tới.
1. “The Sandman”
The Sandman là series truyện tranh được nhà văn giả tưởng nổi tiếng thế giới Neil Gaiman xây dựng và phát triển nội dung. Bộ truyện xoay quanh 1 trong 7 thực thể bất tử là Dream - người cai quản thế giới của những giấc mơ. Truyện bắt đầu khi Dream vượt ngục và quay về vương quốc của mình. Anh ta đứng trước thách thức phải xây dựng lại vương quốc đã đổ nát. Trong suốt hành trình ấy, từ một người kiêu căng, Dream dần dần thay đổi và có được nhiều bài học quý giá cho bản thân.
The Sandman nổi tiếng với việc nhân cách hóa các khái niệm siêu hình khác nhau, đồng thời pha trộn thần thoại và lịch sử trong bối cảnh giật gân của Vũ trụ DC. Bộ truyện được giới phê bình đánh giá cao và là một trong số ít tiểu thuyết đồ họa đầu tiên có mặt trong danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 9): Có hay không 'truyện tranh kinh điển'?
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 8) - Truyện tranh Việt Nam đương đại: Thành quả và thử thách
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 7): 'Manhua' - đâu rồi những 'Tam Mao, 'Chú Thoòng'?
2. “Watchmen”
Không thể phủ nhận rằng siêu anh hùng chiếm một số lượng tác phẩm lớn trong nền comic Mỹ. Và dù đã quá nổi tiếng, nhưng không thể không nhắc đến Watchmen của Alan Moore trong danh sách này.
Luôn luôn đứng trong top comic bán chạy nhất trong lịch sử truyện tranh Mỹ, câu chuyện về những người anh hùng trong một thế giới không còn cần anh hùng cho đến nay vẫn còn hấp dẫn người đọc. Lời thoại “Who watches the watchmen?” (Ai canh giữ những người canh giữ?) đã trở thành câu nói kinh điển trong cả đề tài anh hùng lẫn phản anh hùng trên thế giới.
Chất lượng của Watchmen còn được thể hiện ở việc bộ truyện đã được chuyển thể thành cả bản điện ảnh (2009) và bản phim truyền hình (2019) gây tiếng vang lớn trong công chúng.
3. “Maus”
Maus của tác giả Art Spiegelman là kiệt tác tiểu thuyết đồ họa đầu tiên giành được giải Pulitzer vào năm 1992. Trong tác phẩm này, Spiegelman đã phỏng vấn chính người cha của ông - một người Ba Lan theo Do Thái giáo từng trải qua thời kỳ Holocaust của Đức Quốc Xã. Art Spiegelman đã sử dụng các kỹ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại để kể lại câu chuyện Maus, trong đó, có các nhân vật mang các ý nghĩa tượng trưng như mèo, chuột, lợn...
Các nhà phê bình đánh giá cao tác phẩm và xếp Maus vào nhiều thể loại khác nhau: Hồi ký, tiểu sử, lịch sử, tiểu thuyết, tự truyện hoặc kết hợp các thể loại. Cho đến nay, câu chuyện và thông điệp được phản ánh trong Maus vẫn còn nguyên giá trị.
4. “Daytripper”
Nếu có ai đó cho rằng truyện tranh Mỹ nói riêng và truyện tranh Anh ngữ nói chung chỉ là những câu chuyện dành cho trẻ vị thành niên, với những cảnh giật gân và đôi khi xen chút bạo lực, thì chắc hẳn họ chưa từng biết đến Daytripper của anh em Fabio Moon - Gabriel Ba.
Truyện xoay quanh nhân vật chính là Bras de Oliva Sebastos, con trai của một nhà văn nổi tiếng thế giới. Thay vì viết về cuộc sống và những niềm vui, Bras lại luôn suy nghĩ về cái chết và những kỷ niệm anh từng trải qua trong suốt cuộc đời, để rồi đến cuối cùng, Bras nhận ra rằng cái chết là một phần của cuộc sống.
Với Daytripper, Fabio Moon và Gabriel Ba đã dệt nên một câu chuyện hấp dẫn về Bras, đồng thời đem đến cho độc giả những suy tư đầy ắp tinh thần hiện sinh về sự sống và cái chết. Bộ truyện được trao giải thưởng Harvey và giải thưởng Eisner vào năm 2011.
5. “Y: The Last Man”
Bệnh dịch là một đề tài quen thuộc được nhiều tác giả Mỹ khai thác, cũng là đề tài được đông đảo bạn đọc quan tâm. Năm 2008, Brian K. Vaughan và Pia Guerra đã đưa Y: The Last Man đến với độc giả. Bộ truyện lấy bối cảnh hậu tận thế, khi tất cả những sinh vật có vú mang nhiễm sắc thể Y đều phải chết mà không rõ nguyên nhân.
Đàn ông dần biến mất, cùng với đó là thế giới tự nhiên rơi vào cảnh hỗn loạn vì mất cân bằng sinh thái, và xã hội loài người đột nhiên rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh căng thẳng ấy, chỉ có một người đàn ông sống sót là Yorick, cùng với con khỉ Capuchin của anh ta. Từ đây, Yorick dính vào hàng loạt những mưu đồ chính trị của các phe phái khác nhau.
Với tình huống kỳ lạ và cách dẫn truyện lôi cuốn, Y: The Last Man đã được đón nhận rộng rãi tại Mỹ và nhận được giải thưởng Eisner cho hạng mục Series đang tiếp diễn hay nhất.
6. “4 Kids Walk Into A Bank TP”
4 Kids Walk Into A Bank TP của Matthew Rosenberg là tác phẩm hài kịch đen kể về bốn đứa trẻ 12 tuổi Paige Turner, Pat “Stretch” Muff Schramm, Daniel, Berg “Berger” Berger, Walter Johnson quyết định cướp ngân hàng. Vì lo cho sự an toàn và tự do của cha mình, Paige tổ chức một kế hoạch táo bạo để đánh bại bọn tội phạm trong trò chơi của chính chúng.
Kết hợp giữa đề tài tội phạm và tâm lý vị thành niên, ẩn sau lớp tranh màu hiện đại với những lời thoại sắc sảo và dí dỏm mang đậm yếu tố văn hóa đại chúng, bạn đọc có thể tìm thấy câu chuyện sâu sắc về tình cảm gia đình, về tinh thần phiêu lưu, và trên tất cả, là về hành trình trưởng thành dù vụng về nhưng vô cùng đẹp đẽ của lứa tuổi thiếu niên.
Thế giới truyện tranh là một thế giới rộng lớn với vô vàn những tác phẩm thú vị. Hãy nhìn rộng hơn và xa hơn, để thấy truyện tranh không phải lãnh địa độc quyền của những đề tài quen thuộc như siêu anh hùng hay những yếu tố bạo lực, kinh dị. Hãy giữ tâm thế của một người khám phá, để biết rằng, khả thủ của truyện tranh nằm ở những ý tưởng bất tận của con người. Và chừng nào con người còn sống và còn sáng tạo, truyện tranh vẫn sẽ là nơi những ý tưởng kỳ diệu thành hình; là nơi để tác giả và độc giả được đối thoại với nhau.
Chúc các bạn có những giây phút thư giãn khi đọc truyện!
4 thời đại trong comic Ngày nay, quan niệm thường thấy nhất của các nhà nghiên cứu lịch sử truyện tranh là chia truyện tranh Mỹ thành 4 thời đại. Trong đó, thời đại hoàng kim của truyện tranh Mỹ bắt đầu từ những năm 1930 và được coi là giai đoạn khởi đầu của truyện tranh. Tiếp theo sau đó là thời đại bạc với sự xuất hiện của siêu anh hùng Flash (1956) - nhân vật đã hồi sinh đề tài siêu anh hùng trong sự đón nhận nhiệt liệt của độc giả đại chúng. Thời đại bạc kéo dài cho đến tận những năm 1970 với cuộc “cách mạng siêu anh hùng” của Fantastic Four (Stan Lee và Jack Kirby) và Spider man (Stan Lee và Steve Ditko). Sau 2 thời đại này, sự phân định sau đó ít khi được xác định rõ ràng, nhưng phần lớn các sử gia truyện tranh vẫn đồng thuận về thời đại đồng rơi vào khoảng những năm 1970 đến giữa những năm 1980. Nối liền sau đó là thời đại hiện đại của truyện tranh Mỹ (còn được biết đến với cái tên “Thời kỳ đen tối của truyện tranh”), bắt đầu từ giữa những năm 1980 cho đến ngày nay, với sự trỗi dậy của các nhà xuất bản độc lập, khai thác những đề tài xoay quanh yếu tố kinh dị, giật gân và những ảo mộng khác thường, mà đặc biệt nhất chính là sự lên ngôi của các nhân vật phản anh hùng trong những cốt truyện phức tạp, đa tuyến. Đây chính là thời kỳ mà những bộ truyện đỉnh cao như The Sandman, Watchmen hay Maus đặt nền móng cho sự phát triển về sau. Từ những năm 1980 đến nay, comic Mỹ bắt đầu mở rộng không chỉ về tác phẩm, mà còn về chính đội ngũ tác giả và thị trường: Nhiều nhân vật da màu xuất hiện, các tác giả gốc Phi sáng tác và đưa tác phẩm chất lượng đến gần hơn với đại chúng, ranh giới chủng tộc dần được xóa nhòa. Có thể nói, lịch sử phát triển của truyện tranh Mỹ chính là lịch sử của sự đa dạng hóa liên tục và những lần đào sâu, mở rộng đề tài. Cũng từ đây, truyện tranh Mỹ tác động đến nền công nghiệp truyện tranh nói riêng, nền công nghiệp văn hóa - giải trí nói chung trên toàn thế giới. |
Nguyễn Hoàng Dương
Tags