'Con chim xanh' Nguyễn Nhật Ánh nay đã 'bay về' Sài Gòn

Thứ Tư, 11/11/2020 06:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Nhật Ánh sống tại Sài Gòn từ năm 1973 đến nay, đã viết hơn 100 đầu sách, nhưng rất ít cuốn viết về Sài Gòn - TP.HCM. Kể từ Phòng trọ ba người, Còn chút gì để nhớ… chắc phải hơn 20 năm rồi Nguyễn Nhật Ánh mới có tác phẩm lấy bối cảnh về thành phố mà mình rất gắn bó, truyện dài Con chim xanh biếc bay về là như vậy.

 

Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh là 'Hiệp sĩ Dế Mèn'

Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh là 'Hiệp sĩ Dế Mèn'

Hôm nay, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 – 2020

Cũng như vài “bom tấn” gần đây của Nguyễn Nhật Ánh, Con chim xanh biếc bay về phát hành lần đầu 150.000 bản, trong đó có 20.000 bản bìa cứng chỉ in một lần. Truyện chọn đúng Ngày độc thân (11/11) để phát hành, cũng phần nào tiết lộ thân phận một vài nhân vật trong truyện.

Trở về các phòng trọ nghèo

Nếu trong Phòng trọ ba người (phát hành năm 1990), đó là chuyện tình của 3 chàng sinh viên Nhiệm, Chuyên, Mẫn, họ theo đuổi Thu Thảo, Sương và Thủy, thì 30 năm sau, trong Con chim xanh biếc bay về, đó là chuyện của 4 người, họ tạm kết thúc có hậu đời mình khi ngồi xuống sàn nhà trọ nghèo của Tịnh và Khê để ăn cơm với nhau.

Chú thích ảnh
Nguyễn Nhật Ánh ký tặng tại buổi ra mắt sách

Không phủ nhận, Nguyễn Nhật Ánh có thế mạnh trong việc “thương nhớ đồng quê”, nên dành nhiều tác phẩm viết về chủ đề này. Vì vậy mà khi viết chủ đề thành phố, anh có sự đắn đo và thay đổi khá nhiều về cấu tứ và văn phong. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Ánh không phải là “kẻ xa lạ” với thành phố, với đô thị, đơn cử, nếu đọc các bình luận bóng đá và thể thao của anh trên báo, với bút danh Chu Đình Ngạn, sẽ thấy anh cũng cập nhật, cũng “đu trend” ghê lắm. Chưa nói, nhiều năm giữ mục dạng “gỡ rối tơ lòng”, với bút danh Anh Bồ Câu, Nguyễn Nhật Ánh đã lắng nghe, đã thấu hiểu nhiều tâm lý, thói quen của thanh thiếu niên đô thị.

Ngay các phẩm đầu tay như Thành phố tháng Tư (thơ, in chung với Lê Thị Kim, 1984), Trước vòng chung kết (truyện dài, 1984), Cú phạt đền (tập truyện ngắn, 1985)… cũng cho thấy tâm thế đô thị của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng với Con chim xanh biếc bay về, Nguyễn Nhật Ánh đã đi vào bên trong ánh mắt của nhân vật, không còn mô tả, mà chỉ bày tỏ, tác giả trở thành những sinh viên, những bạn trẻ mới ra trường, vừa đi làm, đang tự khẳng định mình. Với muôn vàn khó khăn trước mắt, nhưng họ vẫn lạc quan yêu và sống, hướng đến những dự định tốt đẹp.

Nguyễn Nhật Ánh nói rằng lý do gián tiếp để anh viết sách này là muốn trả ơn thành phố đã cưu mang anh, muốn cảm ơn những tâm tình mà độc giả trẻ ở thành phố đã dành cho anh trong nhiều năm qua. “Tôi bay về với Sài Gòn thân thương” - Nguyễn Nhật Ánh nói.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Con chim xanh biếc bay về”

Một lý do nữa, đó là bên cạnh các hình ảnh sang giàu, nhung lụa mà nhiều loại hình nghệ thuật đang phủ lên trên cuộc sống của các nhân vật trẻ, thì đời thường vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn.

Nguyễn Nhật Ánh như nhắc nhở rằng cuộc đời vốn không như là mơ, không chỉ màu hồng, nên tự mỗi người cần phải có khát vọng tìm kiếm những điều quý giá từ chính công việc lương thiện, từ tình yêu đích thực, cố gắng tạo ra sự sẻ chia, sự bao dung.

Có nhiều phút lắng lòng

Bên cạnh những đoạn vui vẻ, lạc quan như thường thấy, trong tác phẩm mới này, Nguyễn Nhật Ánh đi vào nỗi cô đơn, sự băn khoăn của những người đang bước vào tuổi trưởng thành. Họ gặp những thách thức, khó khăn trong việc học việc làm, trong hòa nhập với cộng đồng, trong việc bộc lộ bản sắc và tìm kiếm tình yêu. Có thể nói khi đọc Con chim xanh biếc bay về, nhiều độc giả sẽ rơi nước mắt vì lắng lòng trước những tình huống tưởng chừng như nhẹ nhàng, nhưng ẩn nhiều yếu tố bi kịch.

Chú thích ảnh
Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt sách “Con chim xanh biếc bay về”

Với gần 400 trang sách, nhưng chỉ chia làm 4 phần, đây cũng là một trong vài truyện dày dặn về dung lượng, nó như gián tiếp đồng hành với sự dày dặn về nội dung. Tập truyện cũng chen nhiều khổ thơ cũ và mới viết của Nguyễn Nhật Ánh, vừa như một nhịp thở của tuyến truyện dài, vừa giúp nhân vật bày tỏ súc tích, nhanh gọn nỗi lòng.

Ví dụ như các câu: “Đĩa buồn, đĩa đắng, đĩa cay/ Lấy mình ra nhậu suốt ngày đi Khê!”; “Lẫn trong tình yêu một chút gì tính toán/ Lẫn trong vàng một sắc đồng pha/ Lẫn trong thủy chung một hạt mầm phản bội/ Trong trăng non người lẫn chút trăng tà”; “Ta đi về phía không nhau/ Tự nhiên ôm một nỗi đau nhói lòng/ Mới hay thương mến vô cùng/ Đẩy nhau về phía long đong cũng nhiều”

Văn Bảy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›