(Thethaovanhoa.vn) - “Cục đã gửi công văn cho NXB bộ lịch này từ chiều 20/1, yêu cầu nộp lưu chiểu, tạm đình chỉ, tạm dừng phát hành để kiểm tra nội dung bộ lịch và khắc phục. Chắc chắn bộ lịch sẽ bị xử phạt theo Quy định xử phạt hành chính.”
Đó là nội dung cuộc trao đổi của ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) với phóng viên Thể thao & Văn hóavề cuốn lịch của ngân hàng SHB đang gây xôn xao dư luận gần đây.
Ông Hòa cho biết: Ngay sau khi báo chí đưa tin về lịch của SHB, Cục Xuất bản đã kiểm tra và được biết bộ lịch này chưa được nộp lưu chiểu mà đã phát hành. Như vậy là vi phạm Luật xuất bản.
“Cục đã gửi công văn cho NXB bộ lịch này từ chiều hôm 20/1, yêu cầu nộp lưu chiểu, tạm đình chỉ, tạm dừng phát hành để kiểm tra nội dung bộ lịch và khắc phục. Chắc chắn bộ lịch sẽ bị xử phạt theo Quy định xử phạt hành chính”, ông Hòa cho biết.
Trao đổi về nội dung liên quan đến truyền thuyết Hồ Gươm đã in trong bộ lịch này, đại diện Cục Xuất Bản, ông Hòa bày tỏ: Đã là truyền thuyết thì không thể nói tờ lịch là sai lịch sử. Truyền thuyết có rất nhiều dị bản khác nhau.
“Tuy nhiên, nếu in trong một cuốn về truyền thuyết Việt Nam, với nhiều dị bản khác nhau, hay trong các cuốn sách nghiên cứu thì không thành vấn đề” - ông Hòa nói tiếp - “Còn đây chỉ là lịch, một sản phẩm văn hóa phổ thông, nên thông tin cho bộ lịch cũng nên là những cái phổ biến, ưu tiên cho thói quen chung của cộng đồng”.
Cũng theo ý kiến của ông Chu Văn Hòa, lịch là sản phẩm văn hóa, gây ra những tranh cãi không phải là mục tiêu của những sản phẩm dạng này. Nội dung trên lịch của ngân hàng SHB không sai, nhưng rất đáng để lưu ý và xem xét trong quá trình xuất bản.
Trước đó, Thethaovanhoa.vn đã đưa tin về bộ lịch của ngân hàng SHB với tờ lịch ngày 1/1 in truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm với nội dung: Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm.
Đồng thời, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng đã kiến giải những dị bản khác nhau liên quan tới truyền thuyết. Theo đó, nội dung truyền thuyết in trong bộ lịch của ngân hàng SHB cũng có những nét tương đồng với một vài truyền thuyết về Hồ Hoàn Kiếm trong sử sách.
Thethaovanhoa.vn sẽ tiếp tục cập nhận những quan điểm khác nhau về sự việc trên.
Ngọc Diệp