Ngay sau khi sân khấu Hoàng Thái Thanh công bố thay đổi phương cách hoạt động để tìm lối đi mới, sân khấu Hồng Vân cũng bắt đầu bước vào giai đoạn hoạt động mới. Như song hành, sân khấu Thế giới trẻ - đơn vị đang thành công về doanh thu - cũng đang làm mới mình. Ngay sân khấu Phụng hoàng ban - sau nhiều lần “chết lên chết xuống” - cũng thông báo tuyển diễn viên có ngoại hình đẹp mắt nhằm vực dậy.
Những động thái này được xem như cuộc cách mạng lần thứ hai của các sân khấu xã hội hóa, tư nhân.
Cuộc cách mạng lần thứ nhất diễn ra vào cuối thập niên 1990, cụ thể tháng 8/1997, khi Chính phủ ban hành nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Lập tức sân khấu nhỏ 5B ra đời, mà tiền thân là CLB sân khấu kịch thể nghiệm 5B Võ Văn Tần. Thành công rực rỡ của 5B đã tác động tích cực đến các nghệ sĩ, tạo động lực cho sự ra đời của các sân khấu tư nhân khác, trong đó có IDECAF và Hồng Vân.
Một vòng thịnh suy
Theo NSƯT Thành Hội, từ khoảng năm 1976 đến giữa thập niên 1980, TP.HCM có rất nhiều đoàn kịch do nhà nước quản lý. Lúc đó, hầu như đoàn nào cũng đông nghẹt khán giả mua vé xem. Mỗi diễn viên chính chỉ được tặng 2 vé cho mỗi suất diễn. Nếu bán 2 vé ấy ra thị trường chợ đen thì sẽ lo được cả tháng tiền chợ.
Nhưng rồi sau đó, mỗi nghệ sĩ của các đoàn kịch nhà nước ấy cầm cả xấp vé đi mời bạn bè nhưng không ai xem nữa. Lúc này, thị trường giải trí đã bắt đầu bị cạnh tranh bởi phim ảnh từ lãnh thổ Hong Kong, Ấn Độ và nhiều nơi khác. Sự khủng hoảng này, theo nhiều người am hiểu, là một trong các nguyên nhân để nhà nước xã hội hóa lĩnh vực văn hóa.
Khi sân khấu kịch được xã hội hóa, sân khấu tiên phong IDECAF luôn trong tình trạng cháy vé. Sân khấu ra mắt thứ hai, Hồng Vân, cũng làm mưa làm gió suốt thời gian dài. Trong đó, vở kịch kinh dị đầu tiên Người vợ ma diễn trên 1.000 suất.
Hiệu ứng này đã thúc đẩy sự ra đời của sân khấu Kịch Sài Gòn, sân khấu Nụ cười mới, sân khấu Thế giới trẻ... Dần dà có thêm Hoàng Thái Thanh, Hồng Hạc, các nhóm kịch cà phê, Phụng hoàng ban, Kịch đời, sân khấu Minh Nhí, sân khấu Quốc Thảo… Có lúc TP.HCM hiện diện hơn 10 sân khấu kịch tư nhân.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, Nụ cười mới sau nhiều lần “thay máu” nhân sự thì đã đóng cửa, Kịch Sài Gòn cũng ngưng hoạt động. Hồng Hạc thì rời từ Trường Múa TP.HCM sang một hội trường ở quận 4 và diễn không định kỳ. Phụng hoàng ban đi theo lối riêng, chỉ một nhóm khán giả khá hẹp, nên bà bầu Trác Thúy Miêu lo lắng đến gần như trầm cảm. Trong lúc đó, các sân khấu mạnh như IDECAF và Hồng Vân nhiều lần rơi vào tình trạng buộc phải trả vé vì thu không bù đủ chi. Hoàng Thái Thanh suốt 12 năm hoạt động liên tục bù lỗ, mà số tiền ước tính tương đương vài căn nhà và vài chiếc xe hơi.
Sân khấu Hồng Vân tại Phú Nhuận chính thức trả mặt bằng, không thuê dài hạn như trước, thay vào đó, diễn suất nào thì trả tiền thuê sân khấu cho suất đó. Lý do, tiền thuê sân khấu là một khoản kinh phí quá nặng trong tình hình khán giả thưa thớt. Trước đó, sân khấu Hồng Vân tại địa điểm quận 5 và Tân Bình cũng đã đóng cửa.
Nâng cấp sân khấu, đa dạng và đào sâu kịch bản
Dù kịch nghệ đang gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua sân khấu Thế giới trẻ là đơn vị hiếm hoi thành công về doanh thu với lượng vé bán ra ổn định từ mức 70% - 100%, với gần 400 ghế. Sân khấu này xác định đối tượng chính là khán giả trẻ, nên xây dựng kịch mục đáp ứng xu hướng thời thượng từ hài hước, kinh dị, hoặc ngôn tình.
Cách đây không lâu, giám đốc nghệ thuật là Ngọc Hùng chuyển sang công tác khác, bà bầu Tracey Thúy Nguyễn đã thay thế vị trí này. Chị cho biết: “Những bầu sân khấu đa số là nghệ sĩ, họ xem sân khấu là thánh đường sẵn sang hy sinh, hoặc những người ngoại đạo như tôi và ông xã Trần Đại, phải mê kịch lắm mới dám đầu tư. Nếu đầu tư vào sân khấu mà mong muốn kiếm lời trong giai đoạn khoảng 15 năm trở lại đây là suy nghĩ không tưởng. Chúng tôi vui vì mình luôn có đông đảo khán giả ủng hộ, nhưng tiền lãi chỉ gần đủ tái đầu tư nâng cấp nhà hát, âm thanh, ánh sáng, mua kịch bản hay. Đâu rồi cũng vô đấy”.
Để duy trì lượng khán giả của mình, bà bầu Tracey Thúy Nguyễn bỏ ra 7 tỷ đồng để nâng cấp sân khấu, âm thanh ánh sáng hiện đại, ghế ngồi thật thoải mái, nhân viên phục vụ chu đáo hơn.
Từ năm 2022, họ mua những kịch bản có chiều sâu tâm lý, có chất bi sâu lắng để đan xen vào tính giải trí nghiêng về hài giải trí nhẹ nhàng, đơn giản vốn là thế mạnh có sẵn. Động thái này nhằm hướng thêm đến khán giả trung niên, những người xem kịch có chọn lọc, với hy vọng biến nơi đây là sân chơi có sự trẻ trung và có cả sự nghiêm túc.
- Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn đang chờ đợi khán giả
- Sân khấu Hoàng Thái Thanh tri ân khán giả vào dịp lễ Tình nhân
Sân khấu Hoàng Thái Thanh vốn mạnh về kịch tâm lý, dành cho khán giả trung niên, thì giờ đã hướng tới khán giả trẻ bằng kịch bản có chất trẻ và yếu tố nhân vật trẻ.
Sân khấu Hồng Vân vài năm trở lại đây khai thác triệt để yếu tố kinh dị, gần đây đã khai phá đề tài kịch lịch sử được dàn dựng chỉn chu. Bà bầu Hồng Vân mời NSƯT Trịnh Kim Chi về Phú Nhuận cùng gánh vác để vượt qua khó khăn. Cụ thể, bà bầu Hồng Vân sẽ tập trung diễn theo mùa và lưu diễn ở tỉnh, còn bà bầu Trịnh Kim Chi duy trì hoạt động vào hai ngày cuối tuần tại sân khấu Phú Nhuận.
Phụng Hoàng Ban với nguồn nhân lực mỏng đã thông báo tuyển chọn diễn viên có ngoại hình đẹp, đã qua đào tạo diễn xuất, để có thể làm mới mình.
Như vậy là các ông bà bầu sân khấu tư nhân thay vì bỏ cuộc chơi, họ đã tiếp tục bước tới trong tinh thần thay đổi hoặc là chết. Nếu những thể nghiệm mới của họ có thể cứu vãn tình hình, xem như cuộc cách mạng kịch nghệ tại TP.HCM lần thứ hai thành công. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì nhiệm vụ này vô cùng nhiêu khê, vì ngày nay có quá nhiều loại hình giải trí không mất tiền cạnh tranh gay gắt, nhưng vẫn cứ hy vọng họ sẽ thành công.
Tình hình bi đát đến mức Hoàng Thái Thanh quyết định đổi chiến thuật hoạt động. Nếu như trước đây, các vở được diễn liên tục từ đầu năm đến cuối năm, thì từ năm 2022, chỉ diễn từ tháng Bảy đến hết Tết âm lịch. |
Nguyễn Huy
Tags