Những năm gian khó 198x, ngôn ngữ dân gian ở khu vực phía Bắc có những cụm từ khá vui tai, nhất là các “khái niệm” về địa danh nhưng có tính trào lộng, cố ý dựng chuyện để “dìm hàng”. Chẳng hạn ở Hà Nam Ninh được gọi là “dân cầu tõm”, Hải Dương được gọi là dân “bánh chưng đất”, còn Hưng Yên thì là xứ sở “tiết canh chuột”…
Xem chuyên đề "Chuyện đời sau ống kính" TẠI ĐÂY
Trong đó bánh chưng đất gắn với giai thoại kể rằng tàu khách Hà Nội - Hải Phòng mỗi khi qua ga Hải Dương thì hàng rong ùa lên toa bán đủ thứ hàng, nhiều nhất là các đồ ăn uống, gồm xôi, bánh khúc, bánh chưng, ngô luộc cũng như mía, nước chè, nước vối. Trong các món này, người ta đồn rằng bánh chưng được bán cho khách tuy nóng hổi, nhưng bóc ra thì không có gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn mà chỉ có cục đất sét.
Tuy nhiên, tác giả bức ảnh này những năm ấy đã đi cả trăm lần qua ga Hải Dương, nhưng chưa thấy ai mua phải bánh chưng đất một lần nào. Chuyện thi thoảng gặp là cảnh người mua trên toa, người bán dưới ga, rồi tàu chạy khi hàng đã trao mà tiền chưa trả, hoặc trả tiền chẵn mà không có tiền lẻ. Thì người bán hớt hải chạy theo, nếu không thanh toán được cho nhau thì hai bên cùng la oai oái, cho đến khi đoàn tàu hơi nước xình xịch đi mất.
- Cuộc đời sau ống kính: Ra Bờ Hồ học tiếng Anh
- Cuộc đời sau ống kính: Còn đâu chợ Sắt?
- Cuộc đời sau ống kính: 'Chợ người' Hà Nội
Đây là ảnh chụp một đoàn tàu qua ga Hải Dương vào tháng 6 năm 1992, với hàng trăm người bán hàng rong quây kín cửa sổ các toa tàu.Đó cũng là cảnh thường thấy ở tất cả các ga tàu ở phía Bắc những năm còn bao cấp. Một hình ảnh quá thân quen với những thế hệ 5X, 6X và 7X đời đầu, nhưng bây giờ có lẽ chỉ còn trong ký ức mà thôi.
Lưu Quang Phổ
Tags