Đặc sắc lễ hội kén rể Đường Yên

Thứ Năm, 14/03/2013 08:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm (13/3 dương lịch) dân làng thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội lại mở hội kén rể để tưởng nhớ ngày sinh nữ tướng Lê Hoa, người có công phò giúp Hai Bà Trưng.

Như nhiều lễ hội khác, lễ hội kén rể Đường Yên cũng chứa đựng trong nó những câu chuyện, truyền thuyết về nhân vật được thờ - nữ tướng Lê Hoa. Truyền thuyết kể rằng, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40-43), làng Đường Yên có người con gái tên là Lê Hoa tuổi 17-18 vẫn chưa lấy chồng mà đi theo Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán.

Trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bà lập được nhiều chiến công và được phong là “Nữ sử anh phong”. Bà luôn chăm lo đời sống cho nhân dân và có tài dùng lá tre chữa bệnh. Khi đất nước trở lại thanh bình, bà Lê Hoa trở về làm tròn bổn phận của người con gái là đi lấy chồng nên bà mở hội kén người hiền tài. Lễ hội kén rể ra đời từ đó.

Lễ hội mang đậm các giá trị văn hóa dân gian được thể hiện qua các phần thi, trò diễn, trong đó, truyền thuyết về bà Lê Hoa và các bài vè là những giá trị tiêu biểu.

Sau bao thăng trầm lịch sử, lễ hội kén rể được phục dựng lại từ 2001 sau 60 năm thất truyền.


Vào 2h chiều, sau lời phát biểu của cụ từ, lễ hội kén rể làng Đường Yên chính thức khai hội.


Người được chọn vào vai nữ tướng Lê Hoa phải là người con gái xinh đẹp, chưa có chồng, sống lành mạnh, gia đình nề nếp. (Trong ảnh Dương Thị Phương – 20 tuổi năm này được chọn vào vai nữ tướng Lê Hoa).


Tiếng trống nổi lên vang rền chuẩn bị cho việc tái hiện chiến công đánh giặc của nữ tướng Lê Hoa.


  Màn múa võ đặc sắc và điêu luyện nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ người xem.


Cuộc thi “đi cày” mở đầu cho hội thi canh nông để mô tả lại một khâu của quá trình trồng lúa nước. Công việc của nhà nông bắt đầu từ khâu cày ruộng, lúa có tốt hay không chính là nhờ vào việc cày sâu bừa kỹ.


Ngay sau đó là phần thi “câu ếch”, đây là một thú vui tao nhã của người dân khi đất nước thanh bình.


  Sự thông minh và hợp tác khéo léo trong từng động tác của hai chàng rể khiến người dân theo dõi không rời mắt.


Ếch nào đớp mồi nhanh, nhảy đẹp và đúng kĩ thuật sẽ được chấm điểm cao.


“Chõng chó” cũng là một trò chơi thú vị. Ai cũng biết chó và giềng kỵ nhau cho nên khi con chó ngửi thấy mùi giềng thì dù có chọc đến đâu nó cũng không kêu. Sự tài tình trong phần thi này là phải dùng mẹo để làm cho con chó phải kêu.


“Cọng giềng chọc chó kêu to/Ai người thắng cuộc vú mo được vời”. Trong phần thi này bên nào làm chó kêu trước sẽ giành phần thắng.


Gây được nhiều tiếng cười nhất trong lễ hội là phần thi “bắt chạch trong chum”. Đây là phần thi thể hiện sự hòa hợp âm dương với mong muốn vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt.


Hai thanh niên giả gái có nhiệm vụ cản trở hai hai chàng rể bắt chạch trong chum. Bằng những hành động “đáng yêu” họ đã làm cho nhiều người phải cười nghiêng ngả.


   Trước những pha quậy tưng bừng của hai “giai nhân” làm 1 em bé gái bò lăn ra cười.


   BTC giơ cao “chiến lợi phẩm” của hai chàng rể để mọi người chứng kiến tận mắt và có đánh giá khách quan.


Kết thúc các phần thi, khi Thánh Bà đã chọn được người ưng ý thì Mẫu bà đứng ra tuyên bố “Thưa bà con trăm họ/Nay nhờ lộc trời vận nước ban cho/Ta truyền cho muôn dân hát hò/Mừng nữ tướng có phu thê tài giỏi”. Cuối cùng Thánh Bà và chồng cùng thắp hương làm lễ trong đình.


Lễ hội kết thúc, nhiều du khách thập phương mến mộ vẻ đẹp của thiếu nữ vào vai nữ tướng Lê Hoa năm nay đã thanh thủ chụp ảnh với cô.

Chu Hiền


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›