Danh họa David Hockey: 'Giải thoát' nỗi ám ảnh cách ly bằng nét vẽ

Thứ Tư, 08/04/2020 21:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều nơi trên thế giới phải thực hiện cách ly xã hội hay thậm chí là phong tỏa toàn quốc. Trong bối cảnh đó, nhiều thành phố lớn như trở nên không “hồn”, mọi thứ thật tĩnh lặng đến nao lòng. Và vì vậy, họa sĩ người Anh - David Hockney đã có những tác phẩm, chia sẻ với độc giả báo The Guardian nhằm “khích lệ” tình cảnh và tinh thần mọi người.

Martin Scorsese & David Hockney được tôn vinh

Martin Scorsese & David Hockney được tôn vinh

Đạo diễn điện ảnh Martin Scorsese và nghệ sĩ David Hockney đã được tôn vinh tại Gala 'Art+Film' có sự tham dự của nhiều ngôi sao, trong sự kiện tổ chức ở Bảo tàng Nghệ thuật hạt Los Angeles (Lacma).

David đã dành cả đời để cống hiến với nghệ thuật hội họa. Ở tuổi 83, ông vẫn có những “cái nhìn” vào hiện tại thật tinh tế.

Giá tranh cao nhất thế giới

David Hockey sinh ngày 9/7/1937, lớn lên tại thành phố Bradford (Anh). Ông quyết định theo đuổi hội họa khi còn trẻ. Hai ngôi trường ông từng theo học là Cao đẳng Nghệ thuật Bradford (1953 - 1958) và Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia (1959 - 1962).

Sau tốt nghiệp, ông đã có một thời gian ngắn dạy học ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Maidstone. Cho tới năm 1964, ông đến thăm Los Angeles (Mỹ) và sự nghiệp bắt đầu nổi lên từ đó. Chuyến đi kể trên đã trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời cho một loạt những tác phẩm về phong cảnh và nổi tiếng nhất là những bức tranh về hồ bơi. Ông là người có đóng góp quan trọng cho phong trào nghệ thuật pop art (popular art - nghệ thuật đại chúng) của những năm 1960, và được coi là một trong những họa sĩ Anh có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

David từng sống qua lại giữa Los Angeles, London và Paris vào cuối những năm 1960 đến 1970. Một bức tranh nổi tiếng của ông được hoàn thiện vào năm 1972 có tên Portrait Of An Artist (Pool With Two Figures). Bức vẽ này vào năm 2018 được bán đấu giá 90,3 triệu USD; mức giác cao nhất ​​thế giới với một nghệ sĩ còn sống vào thời điểm đó.

Chú thích ảnh
David Hockney là họa sĩ từng phá kỷ lục thế giới về đấu giá tranh

Vẽ trên ipad

Sau nhiều năm gắn bó với cây cọ và toan vẽ, ông từng thử nghiệm tranh vẽ trên nhiều hình thức khác nhau. Đáng kể như năm 1982, ông đã “vẽ” bằng máy ảnh. David bắt đầu thử nghiệm với các bức ảnh ghép cắt dán, nghiên cứu khối lập thể và mô tả không gian bằng hình ảnh. Hay vào năm 2010, cũng là năm ra đời của máy tính bảng iPad, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có phần theo hướng thời đại công nghệ. Đó là những bức tranh vẽ chân dung và phong cảnh trên máy tính bảng.

Đã 10 năm, kể từ những tác phẩm trên iPad đầu tiên, David vẫn có những nét vẽ “diễn cảm”. Mới đây, ông đã dành tặng cho độc giả của báo The Guardian một bức tranh vẽ trên iPad mới nhất có chủ đề mùa Xuân trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Cùng với đó là những chia sẻ cảm nhận của ông về nghệ thuật trong tình trạng cách ly xã hội hiện nay.

Chú thích ảnh
Bức tranh “0146” vẽ trên iPad mới nhất của David Hockney chia sẻ độc quyền với báo “The Guardian”

“Hãy cầm bút vẽ lên và cất máy ảnh đi”

Tuy nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật nổi bật trong thời đại công nghệ hiện nay, nhưng David Hockney cho rằng nó không thể “bằng” những nét vẽ được thể hiện trên giấy, vải thô hay máy tính.

Họa sĩ người Anh bày tỏ rằng: “Để miêu tả thiên nhiên, chúng ta chỉ có thể thử. Thiên nhiên không hề có bất kỳ một đường thẳng nào. Và cũng không tuân theo quy tắc phối cảnh nào. Đây là lý do tại sao nhiếp ảnh là một vấn đề... Với máy ảnh, mọi nét đó dường như bị mất đi. Tôi vừa mới vẽ một cái cây sáng nay và trợ lý Jonathan của tôi đã chụp một bức ảnh về nó. Bản vẽ của tôi có không gian tốt hơn rất nhiều”.

David Hockney cũng có một lời khuyên cho bất cứ ai hâm mộ nghệ thuật như một sở thích trong tình cảnh hiện nay rằng “hãy cầm bút vẽ lên và cất máy ảnh đi” - David nói - “Tôi khuyên mọi người có thể vẽ vào thời điểm này. Đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ và đừng nghĩ gì về nhiếp ảnh. Không quan trọng bạn vẽ bằng bút hay trên ứng dụng của iPad”.

Chú thích ảnh
Danh họa người Anh hiện sống tại vùng nông thôn Normandy (Pháp)

Dịch Covid-19 bùng phát khi ông đang sống tại Normandy - một vùng nông thôn của Pháp. Tuy nhiên, ông không hề cảm thấy “lo lắng”, cô lập mà vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật bằng hội họa. Tại thời điểm ngày càng có nhiều người thích “được” đi dạo hay chỉ muốn tận hưởng những khoảng thời gian ngắn ở ngoài trời, những bức tranh vẽ bằng iPad mới của David về phong cảnh tại Normandy dường như là một “lối thoát”, sự kết nối và một lời an ủi trong ông.

“Chúng ta đang cần nghệ thuật, và tôi nghĩ nó có thể làm giảm căng thẳng. Căng thẳng là gì? Nó là những lo lắng về một cái gì đó trong tương lai? Còn nghệ thuật đang là hiện tại. Tôi thường không thích đám đông. Có lẽ một phần cũng bởi vấn đề thính giác của tôi ở tuổi già. Tôi thích sự vắng vẻ. Và tôi hiểu rằng chúng ta cũng là một phần của tự nhiên” - ông nói.

Nhắc đến thiên nhiên, ông cho rằng mình có những điểm chung với danh họa nổi tiếng người Hà Lan - Vincent Van Gogh. “Tôi cảm thấy mình giống Van Gogh, người biết thiên nhiên là một bí ẩn lớn đối với chúng ta. Và bí ẩn đó cũng là khi anh ấy dạy chúng ta thấy mọi thứ một cách mới mẻ và tìm ra sức mạnh bên trong nghệ thuật”.

Khi được hỏi về vấn đề dịch bệnh hiện nay đã khiến mọi người hướng tới lối sống có phần “tịch mịch” và quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn, ông cho rằng: “Tôi nghĩ tại thời điểm này, nó đã cho mọi người có những suy nghĩ sâu sắc hơn một chút về cuộc sống. Hoặc có lẽ tôi thấy vậy vì tuổi tác đã cao”.

Thành Quách

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›