(Thethaovanhoa.vn) - "Đây sẽ là giai đoạn đào thải mạnh mẽ của truyền hình. Ai làm tốt mới có thể trụ lại, còn không buộc phải chuyển sang làm công việc khác" - đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ.
Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình VN (VFC) hiện là một trong những “nguồn cung” phim Việt giờ vàng ở vị trí tốp đầu. Tuy nhiên không phải vì thế mà VFC không phải đối diện với những khó khăn từ cả khách quan và chủ quan.- Vâng chúng tôi vẫn coi nhiệm vụ nâng cao chất lượng nội dung là yếu tố sống còn. Bên cạnh đó là đổi mới trong cách dàn dựng, đưa hình thức làm phim mới, ví dụ làm phim ở bối cảnh mới, không gian mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng kĩ thuật, từ năm nay trở đi VFC sẽ quyết liệt làm toàn bằng hệ thống HD.
Chúng tôi rất ý thức được chuyện dòng phim truyền hình hiện đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với truyền hình thực tế, game show, chương trình ca nhạc.. nên bắt buộc phải tìm cách để thu hút người xem. Nhưng để dòng phim truyền hình phát triển và chuyên nghiệp không phải chuyện ngày một ngày hai làm được mà đòi hỏi cả guồng máy phải chạy.
* Trước khi có những thay đổi lớn, khán giả chúng tôi vẫn thấy những tồn tại có thể thay đổi được nhưng nhiều năm nay vẫn vậy. Đơn cử như xem phim truyền hình, rất khó chịu khi thấy cảnh diễn viên thức dậy buổi sáng mặt vẫn đầy son phấn. Hay chuyện lồng tiếng, hầu như phim nào cũng chỉ “xài” ê-kíp đó khiến cho khán giả cảm thấy nhàm chán…
- Thẳng thắn mà nói với sự đầu tư kinh phí cho phim truyền hình bây giờ dù chúng ta đang cố gắng nâng cao, nhưng so với mặt bằng làm phim chung trong khu vực thì kinh phí làm phim của ta quả thực là quá thấp. Do đó các đoàn làm phim đều không đủ nhân sự. Một người phải kiêm nhiệm thư ký, trợ lý hiện trường, hỗ trợ diễn viên học thoại thì không thể làm tốt tất cả các nhiệm vụ.
Còn về chủ quan mà nói, thực tế nhiều anh em làm phim còn cẩu thả, không kiểm soát hết mọi thứ trên hiện trường. Trở lại với việc nâng cao chất lượng phim truyền hình, chính là những việc đơn giản như vậy.
Còn về việc lồng tiếng thì còn nhiều vấn đề. Ví dụ phim Cầu vồng tình yêu, giai đoạn đầu tiên khi công chiếu thu tiếng đồng bộ, mọi người bảo nghe không quen. Khán giả thích nghe những giọng nuột nà, tròn trịa, ngược lại người lồng tiếng vì thấy khán giả thích thế nên cũng phải gò như vậy.
Chúng ta muốn tiến tới sự chuyên nghiệp hẳn như thu tiếng đồng bộ thì… một mình VFC không thể làm được. Thứ nhất là đầu vào diễn viên phải được đào tạo cả đài từ. Có rất nhiều diễn viên diễn tốt nhưng cách thể hiện đài từ rất hạn chế vẫn phải trông chờ lồng tiếng. Thứ hai trường quay chúng không có, đi quay ngoài đường có quá nhiều tạp âm thì thu không nổi... Thực tế là chúng ta còn thiếu thốn rất nhiều để có thể đồng bộ.
Cảnh phim Cầu vồng tình yêu |
* Anh đánh giá thế nào về diện mạo phim truyền hình hiện nay?
- Trong năm vừa rồi và thời gian gian tới phim truyền hình Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quá trình đào thải. Giai đoạn trước, khi bung ra phát triển, rất nhiều đơn vị nhảy vào làm phim vì mọi người nghĩ làm phim truyền hình đơn giản nhưng va chạm thực tế mới thấy phức tạp. Có đơn vị làm một dự án thì ok nhưng sau 2 - 3 dự án thì thấy nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong năm tới đây những đơn vị làm tốt sẽ trụ vững, còn ai không đáp ứng nổi sẽ phải chuyển sang làm việc khác.
Trong thời điểm này không thể kì vọng phim truyền hình lớn nhanh như là Thánh Gióng được bởi vì đây là cả một nền công nghiệp bao gồm yếu tố con người, kĩ thuật, tài chính. Rất nhiều thứ cộng hưởng và cả cả “guồng” phải chạy thì mới bứt phá mạnh.
* Khán giả vẫn nhớ một đạo diễn Đỗ Thanh Hải với những bộ phim gây ấn tượng một thời như Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời. Bao giờ anh sẽ trở lại với một phim của riêng mình?
- Đấy là mơ ước không biết tôi có thực hiện được không. Nghề đạo diễn vẫn là nghề mà mình yêu, say mê và mang lại nhiều cảm giác thăng hoa mà công việc khác không có được.
* Sự cố Gặp nhau cuối năm bị “tuýt còi” vừa qua có ảnh hưởng gì tới anh?
- Câu trả lời chương trình vẫn phát sóng bình thường. Mọi người cứ nghĩ đó là sự cố nhưng đối với tôi đấy là sự hiểu lầm. Nếu bình tĩnh, trao đổi với nhau trên cơ sở những người đang làm một việc chung thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản. Nếu mình xử lý không khéo thì sẽ trở thành ầm ĩ không cần thiết và người bị thiệt nhất chính là số đông, khán giả sẽ cảm thấy phiền phức và việc đó không đem lại lợi ích cho ai cả.
Dự án mới của VFC năm 2013 Đạo diễn Thanh Hải cho biết: "Năm nay VTV và hãng truyền hình Nhật Bản TBS sẽ hợp tác làm bộ phim về Phan Bội Châu, thời lượng 120 phút. Đây là bộ phim được đầu tư lớn, hoàn toàn mang tính chất nghề nghiệp điện ảnh, phát sóng nhân kỉ niệm 40 năm quan hệ Việt Nhật. Phim sẽ được triển khai quay tại Nhật và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thu hút khán giả ngày hôm nay". |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa