(Thethaovanhoa.vn) - "Bạn có thấy nổi da gà khi nghe Tùng Dương hát không?" - nhạc sĩ Phó Đức Phương đã hỏi như vậy sau khi mời nghe thử ca khúc mới nhất ông vừa sáng tác "Hoa Lư Đại trận tập".
- Đạo diễn Lê Quý Dương: Tìm mẫu số chung cho những bế tắc sân khấu
- Đạo diễn Lê Quý Dương "sắp đặt" với những chiếc ghế
- Đạo diễn Lê Quý Dương: Sân khấu châu Á đầy sức sống
"Hoa Lư Đại tập trận" sẽ ra mắt khán giả trong Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt. Chương trình sẽ diễn ra tại Quảng trường Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) vào tối ngày 24/4 tới và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, do Lê Quý Dương làm Tổng đạo diễn.
Nói về ca khúc "Hoa Lư Đại tập trận", đạo diễn Lê Quý Dương cho hay: "Trong 6 bài được tỉnh Ninh Bình mời sáng tác cho dịp này, tôi chọn bài của nhạc sĩ Phó Đức Phương, vì bài này thể hiện đúng tinh thần rất hào khí và đầy tính sử thi. Thậm chí lúc đầu tôi cũng muốn chọn một ca sĩ khác cho thay đổi vì Tùng Dương cũng biểu diễn ở Ninh Bình nhiều rổi. Nhưng sau khi nghe xong chúng tôi thấy rất hay, cũng khó để tìm được người khác thay thế".
Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương thì chia sẻ, ông rất hài lòng với phần trình diễn của Tùng Dương. "Bạn có thấy nổi da gà khi nghe Tùng Dương hát "Hoa Lư Đại tập trận" không? Rất khó tìm được người nào hát được bài này như thế" - nhạc sĩ nói thêm.
Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt có qui mô quốc gia được tổ chức lớn nhất từ trước tới nay tại Ninh Bình với sự tham gia của khoảng 500 nghệ sỹ, diễn viên, ngôi sao âm nhạc và vận động viên. Sự kiện nhằm kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, chính thức lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Bình, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt – nhà nước phong kiến tập quyền trung ương hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, ý tưởng chủ đạo của chương trình là Tỏa sáng Thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt, khẳng định giá trị của việc thành lập nhà nước Đại Cồ Việt, chính danh khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Từ tư tưởng chủ đạo trên, đạo diễn Lê Quý Dương lấy hình tượng những pho sử của dân tộc làm hình tượng chính cho thiết kế sân khấu.
Chương trình sẽ được dàn dựng theo phong cách huyền thoại sử thi, qua câu chuyện kể của một lão ông với các cháu thiếu niên xuyên suốt chương trình, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa các lớp đối thoại của những nhân vật lịch sử và đại cảnh sân khấu lớn.
Đạo diễn Lê Quý Dương sẽ áp dụng một hình thức dàn dựng hoàn toàn mới, kết nối các trường đoạn và dẫn dắt câu chuyện bằng những làn điệu và trích đoạn của nghệ thuật Chèo và nghệ thuật hát Xẩm, vốn là tinh hoa của nghệ thuật truyền thống tại Ninh Bình. Kỹ thuật sân khấu hết sức sáng tạo và hiện đại về hình thức nhưng đậm đặc chất huyền thoại sử thi về nội dung.
Cùng với các đại cảnh dàn dựng công phu trong chương trình, ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Mai Công Thắng, với tất cả tâm sự sâu lắng và niềm tự hào về quê hương Ninh Bình, sẽ được dàn hợp xướng giới thiệu lần đầu tiên, hứa hẹn mang lại nhiều cảm xúc cho công chúng khán giả. Tác giả Trần Đình Ngôn cũng sáng tác một bài Xẩm mới ca ngợi công đức to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế được trình bày bởi các nghệ sỹ danh tiếng của nhà hát Chèo Ninh Bình.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết chương trình sẽ là một tổng thể kết nối liền mạch từ các đại cảnh Cờ lau tập trận, Mổ trâu khao quân, Dẹp loạn mười hai sứ quân, Lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Tiên Hoàng Hiển Linh, Kéo chữ Thái Bình, Quốc Thái Dân An, Hoa Lư vào hội đến Thời đại Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý chương trình sẽ có đại cảnh diễn Kéo chữ Thái Bình, một nghi thức đã tồn tại cùng với lễ hội Hoa Lư cả ngàn năm nay sẽ được trình diễn thành một nghi lễ chính thức mang tính lịch sử và nghệ thuật cao.
Được mệnh danh là “Phù thủy” của các lễ hội và sự kiện lớn, đạọ diễn Lê Quý Dương được biết tới qua nhiều chương trình đặc sắc và độc đáo của nhiều kỳ Festival Huế như Đêm Hoàng Cung, Huyền Thoại Sông Hương; Festival Biển Nha Trang; Festival Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh; hay gần đây nhất là Festival Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng năm 2017...
Thảo Nhi
Tags