(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 18h tối nay, 14/11/2018, tại Galaxy Nguyễn Du (TP.HCM), phim Thạch Thảo của Mai Thế Hiệp sẽ ra mắt báo giới. Theo dự kiến phim sẽ công chiếu từ ngày 16/11, nhưng đến nay đã có 168/170 cụm rạp trên toàn quốc chấp nhận chiếu sớm một ngày, nên khán giả có thể xem phim từ lúc 19h ngày 15/11.
Mai Thế Hiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực làm phim và diễn xuất, nhưng với vai trò đạo diễn, đây là phim thứ hai, sau Có căn nhà nằm nghe nắng mưa từng gây ấn tượng bằng sự chỉn chu, sâu lắng. Anh có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Phim "Thạch Thảo" được làm với 70% kinh phí do nhà nước đầu tư, còn 30% do tư nhân. Cầm trong tay một tỷ lệ vốn như thế này, anh có gặp khó khăn gì khi làm không?
- Chắc chắn rồi, khó khăn sẽ gấp đôi, thậm chí gấp ba gấp bốn, vì tôi phải chịu trách nhiệm với nhiều bên. Đầu tiên là với đặt hàng của nhà nước, phải làm sao để phim giữ được tính chính luận và giáo dục cần thiết, không thể hoàn toàn tự do theo hướng giải trí đơn thuần.
Kế đến là phải làm sao để phim có đủ chất giải trí để đến được với nhiều người xem, giúp các nhà đầu tư có cơ hội thu hồi vốn, gia tăng sự tin tưởng của họ trong việc chung tay sản xuất phim.
Cuối cùng, dù là đặt hàng, nhưng trách nhiệm đầu tiên và sau cùng vẫn là với bản thân, làm sao để có một phim hài hòa được các mục đích, mà vẫn đạt được chất lượng mà bản thân muốn hướng đến.
Hơn nữa, sau thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, ai làm phim đặt hàng cũng sẽ có lo lắng riêng, vì dễ bị so sánh này kia. Trong khi thực tế thì Việt Nam thật lâu mới có được sự phối hợp của hai tên tuổi đầy sức hút như Nguyễn Nhật Ánh và Victor Vũ. Tôi và ê-kíp chỉ biết làm hết sức có thể, thắng thì không dám nói, nhưng nếu có thua thì cũng phải được 6-7 điểm so với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chứ chỉ được 4-5 điểm thì buồn lắm.
* Nói chung làm nghệ thuật cho tuổi mới lớn luôn khó bậc nhất, vì lứa tuổi này thường thay đổi cảm hứng và sở thích. Vì sao anh lại muốn làm một phim về tuổi lưu bút hoặc tuổi bẻ gãy sừng trâu này?
- Đúng, thân thể họ đã bẻ gãy sừng trâu, nhưng tâm lý thì vẫn còn dừng lại ở lưu bút ngày xanh, nên khá phức tạp, dễ gặp va vấp hoặc “tai nạn” trong đời riêng. Tôi muốn chia sẻ với tuổi mới lớn những đau khổ khó nói, nên làm phim như cách cùng họ giải tỏa những bức xúc, những ẩn ức, đôi khi chia sẻ những mặc cảm, trầm cảm.
Tôi chỉ muốn Thạch Thảo như là một ví dụ về làm cách nào để họ - những bạn tuổi mới lớn - bước qua va vấp, tai nạn mà đi tiếp, mà vững vàng hơn. Đường đời trong tưởng tượng của họ thường nhiều màu hồng, nhưng thực tế đời sống thì nhiều màu xám, làm sao để chấp nhận, để dung hòa.
* Vì sao phim phải chọn bối cảnh tại Kon Tum để quay phim này?
- Tôi thích những bối cảnh chưa từng xuất hiện trên các phim trước đây, để quay cho tươi mới, Kon Tum đáp ứng được điều đó. Về bối cảnh, Kon Tum cũng rất đặc biệt, khu trung tâm thì chẳng khác nhiều so với các thành phố lớn, nhưng chỉ cần đi một chặng đường ngắn, qua một hai cây cầu là cả vùng văn hóa, vùng địa lý khác biệt hiện ra.
Tôi cũng muốn các bạn trẻ ở các đô thị lớn trải nghiệm được những hình ảnh vừa thân thuộc vừa mới lạ, khác biệt, để cảm thông hơn với các bạn cùng trang lứa ở các tỉnh thành xa xôi.
* Sắp đến giờ công chiếu, nhìn lại, anh hài lòng với “Thạch Thảo” ở mức độ nào?
- Tôi có được dàn diễn viên trẻ năng nổ, yêu nghề, diễn rất tự nhiên, nên hy vọng sẽ gần gũi với giới trẻ. Tôi được sự ủng hộ nhiệt thành của các nghệ sĩ gạo cội, nhiều kinh nghiệm như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Xuân, Tấn Thi, NSƯT Hạnh Thúy, Kiều Trinh, Trương Minh Quốc Thái, Ngọc Trinh, Hồng Trang… đi rất xa chỉ để diễn 1-2 phân đoạn. Rồi cả một dàn diễn viên trẻ chấp nhận đóng vòng bao, các vai nhỏ, vai không có lời thoại. Với một người làm phim, làm sao không hài lòng với sự ủng hộ này.
* So với phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” thì thế nào?
- Nếu Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là câu chuyện hướng nội, thì Thạch Thảo có tỷ lệ 60% là hướng ngoại, với các câu chuyện trẻ trung, nhí nhảnh.
Trong lúc làm phim, tôi cũng tự đấu tranh rất nhiều, xem là mình nên nghe theo tiếng nói của lý trí tuổi trung niên, hoặc nghe theo tiếng gọi con tim của tuổi mới lớn. Kết quả tôi muốn chiều theo con tim, nên xem phim, khán giả thích Có căn nhà nằm nghe nắng mưa thì có thể chê phim này hời hợt, nhưng với những khán giả không thích Có căn nhà nằm nghe nắng mưa thì sẽ thấy phim này thanh xuân, tươi trẻ.
* Cảm ơn anh và chúc phim “Thạch Thảo” sẽ thành công!
Như Hà (thực hiện)
Tags