(Thethaovanhoa.vn) - “Những tác phẩm điện ảnh Việt Nam đẹp đẽ, xứng đáng được khán giả biết tới lâu dài chứ không phải chiếu xong, được tung hô rồi thôi. Cùng với đó, những người nghệ sĩ làm nên những bộ phim ấy là: đạo diễn, diễn viên, quay phim… đều xứng đáng được công chúng biết đến và tôn vinh” - theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về lý do thực hiện tuần phim “1988 - Năm ấy phim gì?” tại Okia Cinema.
- Nhớ về điện ảnh Việt Nam nửa cuối thập niên 1980 (Kỳ 2): 'Tướng về hưu' và những vai diễn đáng nhớ
- Nhớ về điện ảnh Việt Nam nửa cuối thập niên 1980 (Kỳ 1): Không khóc ở 'Truyện cổ tích cho tuổi 17'
Tưởng khán giả đã quên
Từng tổ chức rất nhiều hoạt động chiếu phim, trò chuyện và giảng dạy về điện ảnh tại Okia Cinema, nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thừa nhận mình “hơi lười” chiếu các bộ phim cổ điển của Việt Nam. “Trong quá trình học, tôi đã “phải” xem rất nhiều những bộ phim đen trắng và tưởng là mình không muốn xem lại nữa. Đến một ngày bất chợt, tôi muốn tìm lại thứ điện ảnh thuần khiết, đẹp đẽ, giàu chất thơ và tôi đã nhìn thấy trong những thước phim đen trắng” -Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Cho đến khi Okia Cinema lên kế hoạch tổ chức loạt sự kiện tưởng nhớ hai tác giả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - tuần sự kiện gặp gỡ giữa văn chương, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… ý tưởng này mới chính thức được triển khai. “Chúng tôi đặt câu hỏi sẽ chiếu gì trong tuần sự kiện này và quyết định lựa chọn những bộ phim liên quan tới thời điểm năm 1988 - khi hai người rời bỏ cuộc sống này” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Theo đạo diễn Đập cánh giữa không trung, việc chọn phim không khó khăn, bởi hồi đó chúng ta chỉ có vài hãng phim, mỗi năm chỉ có vài phim được sản xuất và “thật may đó đều là những bộ phim tốt”. Chị cho rằng, những bộ phim và người nghệ sĩ làm nên những tác phẩm đó xứng đáng được công chúng biết đến và tôn vinh.
1988 là năm khá rực rỡ, sôi động về mọi mặt văn hóa nghệ thuật, đời sống xã hội… Đó là điều dễ hiểu của giai đoạn Đổi mới nhưng với những bạn trẻ hôm nay, đó là điều rất kỳ lạ.
“Lần đầu tiên Okia Cinema chiếu những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam mà thu hút đông khán giả đến thế. Tôi không định kiến, nhưng nghĩ khán giả một phần không biết, một phần đã lãng quên, một phần tưởng những thứ mới mẻ, đẹp đẽ của ngày hôm nay cuốn họ đi nhưng không phải. Chẳng hạn, khi xem Truyện cổ tích cho tuổi 17 - tác phẩm điện ảnh có chất thơ đích thực, tôi nhận ra rằng, cái rưng rưng của thế hệ trước và thế hệ mình có thể trùng được tần số với nhau.
Có những tên tuổi lớn nổi tiếng ở thế hệ chúng tôi thì nhiều bạn trẻ thậm chí không biết đến. Có nhiều bạn thậm chí chưa từng xem một bộ phim đen trắng của Việt Nam và không hình dung được điện ảnh Việt Nam từng có thời huy hoàng như vậy” - nữ đạo diễn tâm sự.
Bản thân đạo diễn đã bất ngờ sau khi tổ chức tuần phim, chị nói: “Những tên tuổi làm phim và nghệ sĩ thời điểm 1988 hiện giờ, nhiều người đã không còn nữa, có những người sức khỏe không cho phép tham dự như NSND Trần Hạnh. Còn đạo diễn Xuân Sơn thì 34 năm mới xem lại phim Truyện cổ tích cho tuổi 17 và đã có buổi giao lưu đầy xúc động với người yêu điện ảnh.
Diễn viên Thanh Tú đóng vai cô Thu trong Truyện cổ tích cho tuổi 17 - cũng làm tôi ngạc nhiên bởi tôi vẫn hình dung Thanh Tú là một diễn viên đẹp lộng lẫy kỳ lạ của màn bạc Việt Nam mà quên rằng cô cũng phải già đi. NSND Hoàng Cúc, nghệ sĩ Tú Oanh đều trở thành bà, diễn viên Lê Vi ở Pháp vẫn livestream giao lưu với khán giả…
Tôi chợt nghĩ, nếu mình làm điều này muộn một chút thì có thể không phải chỉ vắng mặt người này, người kia, mà có khi mình chỉ có thể nhắc lại những bộ phim mà không thể có nghệ sĩ ở đó chia sẻ với mình nữa. Tôi thấy xúc động không phải vì mình là người tổ chức sự kiện mà bởi vì mình được tham gia và chứng kiến những câu chuyện đó”.
Chị nói thêm: “Điều đó gõ cửa khiến tôi tỉnh giấc và hiểu rõ hơn sức mạnh của thời gian, nếu như những người làm phim và nghiên cứu không làm đủ tốt công tác của mình thì một lúc nào đó các tác phẩm và nghệ sĩ có thể sẽ hoàn toàn bị biến mất.
Tác phẩm dù vĩ đại đến mức nào vẫn chịu sự tác động của thời gian và muốn nó được nhắc nhớ thì không phải chỉ dựa vào nội lực của tác phẩm mà còn dựa vào sự chuyên nghiệp của công tác nghiên cứu và lưu trữ. Lần này tôi may mắn vì mời được Hoàng Dạ Vũ là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nên chương trình rất chất lượng”.
Ngạc nhiên thời hoàng kim những ngôi sao điện ảnh
Nói về điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu Đổi mới, ấn tượng với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là ở giai đoạn này có những dấu ấn rất kỳ lạ, có những bộ phim chất lượng về nội dung và có những ngôi sao điện ảnh, minh tinh màn bạc được công chúng cực kỳ ngưỡng mộ.
“Tôi không thực sự hiểu nguyên nhân vì sao điện ảnh Việt Nam lại có được thời kỳ rực rỡ, hoàng kim với những tài năng điện ảnh xuất hiện cùng lúc như vậy. Có lúc tôi đã thực sự không thể tin nổi.
Tuy nhiên, theo tôi thì có một lý do rất quan trọng đó là ở thời kỳ bao cấp, mỗi người được phân công công việc rất cụ thể, như thế có thể có những điểm không tốt, nhưng ở một khía cạnh nào đó nó khiến cho những người làm điện ảnh, những nghệ sĩ tập trung cao độ, trọn vẹn vào công việc của mình.
Thời kỳ đó có những dự án phim sản xuất cả năm trời, diễn viên rất chú tâm, để có 30 phút xuất hiện trong phim, họ sống với vai diễn 3 đến 6 tháng. Nghệ sĩ phải cống hiến cật lực và tôi tin rằng sự trọn vẹn, sự nghiêm túc trong quan niệm nghề nghiệp của họ là điểm rất quan trọng”.
Dù vậy, theo góc nhìn của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, những người làm phim hiện nay cũng không cần lo lắng bởi họ có rất nhiều ưu thế so với trước đây như hiện thực đời sống phong phú, công nghệ phát triển tạo cơ hội cho mọi sáng tạo được hiện thực hoá, đầu tư tư nhân chiếm ưu thế, cọ xát và giao thoa giữa các nền điện ảnh với nhau trở nên phổ biến…
“Cái nhìn của nhà làm phim cởi mở và tự do. Ngày nay các nhà làm phim rất mạnh dạn thực hiện những đề tài khó, nguồn lực diễn viên cũng như những bộ phận khác rất dồi dào. Trước, phim được sản xuất theo đơn đặt hàng nên đề tài được khoanh vùng rất hạn chế, nhưng hiện nay điện ảnh gần như không có khoanh vùng và cũng không có hạn chế” - nữ đạo diễn, nhận định.
Nhớ về tài tử Lê Công Tuấn Anh Sau tuần phim “1988 - năm ấy phim gì?”, Okia Cinema sẽ tổ chức sự kiện tưởng nhớ tài tử Lê Công Tuấn Anh (mất ngày 17/10/1996). Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, chia sẻ: “Tôi rất thích phim của anh. Khi anh mất, tôi chưa hiểu đó là nỗi mất mát lớn. Hiện giờ nhìn lại mới thấy Lê Công Tuấn Anh là nhân tố kỳ lạ, là kỷ niệm đẹp, đáng để mọi người nhớ lại với nhau bằng điện ảnh”. |
Bảo Anh
Tags