(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ (đạo diễn Hoàng Nhật Nam) ra mắt công chúng tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Tác phẩm được giới thiệu là sản phẩm “sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam”. Và, những rắc rối bắt đầu...
- 'Thủa ấy xứ Đoài' đẹp mê hồn và choáng ngợp của đạo diễn Việt Tú
- Đạo diễn Việt Tú đem Tứ phủ 'chu du' đến Anh
- Đạo diễn Việt Tú: Truyền hình đang tìm cơ may trên diện rộng
Trước đó, tháng 6/2017, cũng tại không gian này, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam Thủa ấy xứ Đoài (tên gốc: Ngày xưa). Sau 10 buổi lên sân khấu, vở Thủa ấy xứ Đoài đã ngừng diễn.
Cả hai vở diễn đều có những điểm tương đồng khi ở trên cùng một mặt bằng sân khấu: 4300m2 nước với thực cảnh thiên nhiên kết hợp nhân tạo: rặng tre, cây đa, sân đình, núi Sài. Nếu Thủa ấy xứ Đoài sử dụng toàn bộ 140 người nông dân Sài Sơn làm diễn viên thì Tinh hoa Bắc Bộ có thêm dàn diễn viên múa chuyên nghiệp tham gia với số lượng diễn viên nông dân của vở diễn đầu tiên.
Xem Tinh hoa Bắc Bộ, đã có những người đoán rằng vở diễn sản phẩm “phái sinh” và phát triển từ Thủa ấy xứ Đoài. Thế nhưng, khi giới thiệu về Tinh hoa Bắc Bộ, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu (đơn vị đầu tư cho cả 2 vở diễn) lại khẳng định: đây mới là tác phẩm sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.
Theo lời doanh nhân nay, ý tưởng về vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của ông, từ đó ông thuê đạo diễn Việt Tú làm Thủa ấy xứ Đoài. Tuy nhiên, vở diễn này không đạt hiệu quả, nên ông phải bỏ đi và thuê đạo diễn khác dựng Tinh hoa Bắc Bộ.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện nay, Thể thao &Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) có cuộc trao đổi với đạo diễn Việt Tú.
* Chủ đầu tư cho rằng lý do từ chối tác phẩm của anh là vì không đạt chất lượng. Chưa kể, vở diễn ấy anh dàn dựng quá chậm, vì lẽ ra phải ra mắt cách đây cả năm rồi...
- Họ cần nói đúng sự thật.Tôi cho rằng đây là một sự xúc phạm. Và, đó là lí do để tôi phải lên tiếng với dư luận, dù trước đó muốn lặng yên.
Thẳng thắn,với sự đầu tư hàng trăm tỉ, nếu tôi làm hỏng sản phẩm vàchậm ra mắt 1 năm, không lý nào họ lại vừa để yên cho tôi, vừa âm thầm bỏ thêm nhiều tỷ nữa để đầu tư cho ra một sản phẩm khác.
Cần nhắc lại,trong dự án này tôi chỉ lấy 40% số lương đáng lí được hưởng, đổi lại là 10% kinh phí bán vé trong suốt vòng đời của sản phẩm theo thỏa thuận, Nhưng, đến giờ này, cùng với hợp đồng mà nhà đầu tư đơn phương huỷ, những gì tôi đầu tư vào vở diễn đã thành sông thành khói.Vậy, lí do vở diễn đầu tiên phải dừng lại chắc mọi người đã hiểu nguyên nhân sâu xa rồi.
*Khi chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, anh nhận được bồi thường chưa? Đây có phải “mấu chốt” vấn đề dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên?
- Họ chưa và chắc sẽ không bồi thường. Còn lại, tôi nghĩ rằng điều tuyệt vời nhất là đến thời điểm này, thông tin sự việc đang diễn ra hai chiều. Và những gì vô lý trong tuyên bố của họ đã được làm rõ.Đó mới là điều quan trọng để bảo vệ quyền lợi và danh dự của người nghệ sĩ. Mọi thứ khác với tôi đều không quan trọng.
* Còn việc nhà đầu tư đã khẳng định rằng ý tưởng về vở diễn thực cảnh đã được ông ấp ủ cách đây 6 năm...
- Ai cũng có thể nói như vậy. Trên thực tế, bản quyền tác giả vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam (tên gọi chính thức: Ngày xưa), được Cục bản quyền tác giả ghi nhận mang tên tôi.Theo tôi biết, phía đầu tư đã tìm đủ mọi cách để huỷ sự chứng nhận này nhưng không được.
* Việc anh là một trong những đạo diễn được nhà đầu tư cử đi ra nước ngoài để khảo sát các chương trình quốc tế trước khi thực hiện dự án thì sao?
- Không đúng! Tôi đi khảo sát với dự án của nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó, tôi đã đi vòng quanh thế giới khảo sát các loại hình nghệ thuật từ năm 2002. Và đó mới là yếu tố để các nhà đầu tư tương tự mời tôi tham gia dự án của mình, vì họ cho rằng đây là một lợi thế để tôi có thể hiện thực hoá mọi dự án tương ứng tại Việt Nam mà không bị trùng lặp.
* Trở lại câu chuyện: đập đi xây lại một tác phẩm mới. Ở góc độ của nhà đầu tư, khi bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng sản phẩm không đạt yêu cầu thì khi xây lại, việc xây mới trên nền đất cũ là điều dễ hiểu. Bởi, không lý gì lại không tận dụng những cái cũ. Anh nghĩ sao?
- Hình thức thực cảnh không có tiền lệ như vậy. Mọi thứ được làm chỉ cho một vở duy nhất. Không nên đánh tráo khái niệm, sân khấu thực cảnh không phải là sân khấu như cung văn hoá hay nhà hát kịch để diễn gì cũng được.
Đây cũng không phải là công trình kiến trúc mà là sự sáng tạo không thể tách rời về ý tưởng và hình thức thể hiện của vở diễn đó.
* Bây giờ, ở hoàn cảnh này, anh sẽ tìm cho đứa con tinh thần của mình có một ngôi nhà mới như thế nào?
- Tôi sẽ không nói về những gì mình chưa làm được. Nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ dừng lại cả. Điều đấy là chắc chắn.
* Vậy anh sẽ “đấu tranh” về bản quyền tác phẩm của mình đến cùng?
- Xin nhắc lại, tôi lên tiếng không phải để ăn thua làm khó ai, mà để bảo vệ bản thân mình trước các tấn công vô cớ vào danh dự của bản thân.
Đồng thời trong 3 năm qua, kể từ khi dàn dựng Thủa ấy xứ Đoài, vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong sáng tạo của tôi. Điều này quan trọng hơn cả tiền bạc, các nghệ sĩ khác nếu có tự trọng thì không nên nhận xằng.
Cũng nhân đây tôi cũng mong báo chí trả lại vị trí vở diễn thực cảnh đầu tiên về đúng tác giả của nó.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện !
Dạ Điệp
Tags