Design đồ họa trong kháng chiến chống Pháp - Tranh cổ động, tờ rơi, truyền đơn và báo tường

Thứ Sáu, 12/12/2014 15:23 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu từ tháng 12/1946. Trong 9 năm kháng chiến, không thể nói có ngành sản xuất hay design nào phát triển, thế nhưng thiết kế đồ họa do nhu cầu tuyên truyền cổ động lại được sử dụng vô cùng rộng rãi, mặc dầu các phương tiện ấn loát hết sức thô sơ.  

Ngay sau tháng 8/1945, những họa sĩ đi theo cách mạng đều nhanh chóng tham gia công việc thiết kế đồ họa, cổ động cho phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến kiến quốc lâu dài. Việc họa sĩ được xác định làm nghệ thuật tuyên truyền trước tiên không phải ai cũng tán thành, ngay cả Tô Ngọc Vân, nhưng đó là một xu thế chung và hoàn cảnh khó khăn cụ thể của kháng chiến, khiến cho ngoài đồ họa cổ động truyên truyền, dường như không có loại tranh nào có điều kiện sáng tác.


Tranh cổ động, khoảng trước 1945, với dòng thơ Hỡi ai yêu nước thương nòi/Trở về Tổ quốc giết loài thực dân. Nguồn: Sưu tập Bảo tàng Cách mạng. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tranh cổ động vào khoảng trong và sau tháng 8/1945 – 12/1946 được vẽ khá to trên những tấm pano dựng ở đường phố Hà Nội và các thành phố khác, đồng thời chúng cũng được vẽ trên tường của những tòa nhà công cộng, hoặc nhà dân nếu có tường lớn, với những dòng chữ Việt và Pháp, nội dung kêu gọi đấu tranh vệ quốc và đóng góp cho cuộc kháng chiến. Sau khi chính phủ kháng chiến rút lên Việt Bắc, những tranh cổ động được in trên giấy, nhưng phần lớn là khổ nhỏ, như tờ giấy A4, A3 hiện nay.

Lúc bấy giờ các tỉnh nằm trong khu vực Việt Minh quản lý đều có Ty Thông tin - Văn hóa, đảm nhận nhiệm vụ làm tranh cổ động tuyên truyền. Tùy từng địa phương có nguồn nhân lực và tài vật thế nào mà làm tranh cổ động, trong đó Ty Thông tin Bắc Giang với nhiều nghệ nhân từ làng Đông Hồ đi theo kháng chiến đã phát hành nhiều tranh cổ động và tờ rơi, nhiều bức tranh thực ra giống hệt với tranh dân gian Đông Hồ, vẽ theo nội dung kháng chiến mới mà thôi. Ty Thông tin Bắc Kạn cũng cho in nhiều tranh cổ động có thơ và khẩu hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Tày (phiên âm chữ quốc ngữ).


Tích cực chống giặc càn quét - tranh cổ động của Ty Thông tin Thừa Thiên sau 1945. Nguồn: Sưu tập Bảo tàng Cách mạng. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Riêng Tô Ngọc Vân, một họa sĩ danh tiếng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi theo cách mạng, còn được tổ chức một xưởng in tranh đồ họa và xưởng sơn mài ở Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ. Các họa sĩ như Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Phạm Văn Đôn, Văn Giáo... đều tham gia thiết kế tranh cổ động và tuyên truyền. Trong tư liệu của chúng tôi, còn có rất nhiều tờ rơi, thông tin do các đơn vị bộ đội phát hành sau mỗi trận đánh. Tùy từng mức độ và điều kiện cụ thể, trong cuộc chiến tranh, mỗi nơi có thể đạt chất lượng thiết kế và ấn loát đồ họa từ thô sơ đến phức tạp, nhưng nhìn chung các ấn phẩm đồ họa trong kháng chiến chống Pháp đều rất trực tiếp với nội dung truyên truyền kháng chiến kiến quốc, lời đi kèm với hình mang tính chất phổ thông và gần với tư duy dân gian có sẵn trong đời sống văn nghệ nông thôn.

***

Trong sưu tập của Bảo tàng Cách mạng có một số bức đồ họa được cho là trước năm 1945, mặc dù không có niên đại, nhưng về nội dung là kêu gọi người dân Việt Nam ở xa gần quay về đất nước, chống thực dân. Bức ấn loát này có vẽ hình một nữ nông dân đứng bên thành cổ có cờ đỏ sao vàng và dòng thơ: Hỡi ai yêu nước thương nòi/Trở về Tổ quốc giết loài thực dân. Một bức khác của Ty Thông tin Thừa Thiên với nội dung “Tích cực chống giặc càn quét”, in hai màu đen đỏ.


Chùm 3 tranh: Năm Kỷ Sửu, toàn dân thi đua diệt giặc Pháp: Năm Kỷ Sửu, toàn dân thi đua học chữ để diệt giặc dốt; Năm Kỷ Sửu, toàn dân thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói. Tranh cổ động của Ty Thông tin Bắc Giang. Nguồn: Sưu tập Bảo tàng Cách mạng. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Chúng tôi tìm thấy ba bức trong sưu tập của Bảo tàng Cách mạng, do Ty Thông tin Bắc Giang phát hành, năm 1949, theo lối tranh dân gian Đông Hồ. Đó là những bức: Năm Kỷ Sửu, toàn dân thi đua diệt giặc Pháp; Năm Kỷ Sửu, toàn dân thi đua học chữ để diệt giặc dốt; Năm Kỷ Sửu, toàn dân thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói.

Phương tiện ấn loát trong kháng chiến tương đối nghèo nàn, chỉ gồm vài kỹ thuật: in khắc gỗ, in đá (lithography) và in lưới, hoặc in khắc gỗ tô màu tay. Màu in cũng không nhiều, chủ yếu là vài màu đỏ, xanh, vàng và đen, trong đó in đen trắng là chủ đạo. Các họa sĩ vẽ thiết kế tranh cổ động, tờ rơi, truyền đơn… rồi chuyển cho cơ sở in. Các cơ sở in tùy theo điều kiện của mình in ra làm nhiều bản giao cho đơn vị tuyên truyền, phát hành theo hình thức phát không cho các đơn vị bộ đội và dân sự, hoặc dán lên các bức tường trên mọi địa bàn kháng chiến. Tất cả những tờ cổ động, tuyên truyền này đều được bao cấp, miễn phí và không có thu hồi. Bên cạnh đó cũng có nhiều truyện tranh được vẽ và ấn loát đều về nội dung kháng chiến, căm thù giặc Pháp, nêu gương chiến sĩ và người tốt tham gia kháng chiến.

Ngày nay nhìn lại, rất nhiều bức cổ động tuyên truyền đó có giá trị hình thức và nội dung đáng kể, mặc dù chúng được sản sinh từ hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, mà người họa sĩ phải chấp nhận sự tương đối về kỹ thuật, miễn là có một hình thức in ấn nhất định.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›