(Thethaovanhoa.vn) - Nếu tại Mỹ, nền công nghiệp truyện tranh không tách rời khỏi quỹ đạo siêu anh hùng, kinh dị và những bộ phim bom tấn hoặc TV series chuyển thể; thì ở Nhật, truyện tranh (còn được gọi là manga) lại đi một lối đi riêng: Biến truyện tranh thành đặc điểm nhận diện của cả một nền văn hóa, thành “thương hiệu” của đất nước, đến mức chỉ cần nhắc đến truyện tranh, ai cũng sẽ nghĩ đến Nhật Bản.
Ban đầu, nước Nhật không có truyện tranh. Thuật ngữ “manga” vốn dùng để chỉ những bức tranh được vẽ tràn trên trang giấy, thường là tranh động vật, phong cảnh hoặc cảnh sinh hoạt đời sống con người.
Mở cửa đón nhận giá trị mới
Xét về lịch sử, truyện tranh chỉ có thể xuất hiện sau khi chính phủ Nhật Bản kết thúc thời kỳ bế quan tỏa cảng vào năm 1855. Bởi vì sau khi mở cửa, văn hóa phương Tây mới có thể du nhập vào Nhật Bản, cùng với đó là sự ra đời của những tờ báo in theo mô hình Tây phương.
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 2): Cuộc sống hiện đại - Muôn màu truyện tranh
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 1): Từ buổi đầu truyện tranh ở Việt Nam
6 năm sau kể từ ngày Nhật Bản mở cửa, Charles Wirgman (người Anh) đến Yokohama, Nhật. Ông là phóng viên và là họa sĩ phác họa cho tờ Illustrated London News, một tạp chí tin tức có minh họa phát hành hàng tuần. Ở Nhật, ông mở ra một tạp chí châm biếm có tên Japan Punch. Tạp chí này bàn tán, châm biếm về các sự kiện (chủ yếu châm biếm người Mỹ và hành động của Mỹ) thông qua tranh vẽ và có rất nhiều người đọc. Nhờ có những bức tranh châm biếm này, Japan Punch tồn tại được trong suốt 25 năm.
Đối với người Nhật, sau một thời gian 200 năm bế quan tỏa cảng, thì câu chuyện cười kỳ quặc kiểu Anh của Wirgman và các tư liệu mở về các sự kiện và con người trong thực tế là điều gì đó rất mới mẻ. Từ đó, các họa sĩ Nhật học theo hình thức châm biếm kiểu Anh này. Cũng chính những bức hình đăng trên Japan Punch và kiểu châm biếm Anh quốc đã tạo cảm hứng cho những bộ tranh châm biếm chính trị xuất hiện tại Nhật Bản.
Cùng với việc mở các lớp nghệ thuật, Wirgman được học sinh và đồng nghiệp coi như là người hướng dẫn của họ trong lĩnh vực mỹ thuật Tây phương và kỹ thuật biếm họa.
Với tất cả những cống hiến đó, chúng ta có thể coi Wirgman chính là “tổ tiên” của truyện tranh và nghệ thuật Nhật Bản mang phong cách phương Tây. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng bong bóng hội thoại trong truyện tranh Nhật Bản (thay vì ghi chú ở bên cạnh hoặc ở dưới mỗi bức hình).
Tiếp thu và phát triển
Nhận ra tiềm năng phát triển từ những mẩu tranh và truyện tranh biếm họa của Japan Punch, hàng loạt các tạp chí biếm họa khác được thành lập tại Nhật.
Đến khi thấy tạp chí châm biếm phát triển và đạt được nhiều hưởng ứng từ công chúng, các ông chủ tòa soạn nhìn thấy cơ hội mở rộng đối tượng đọc sản phẩm của mình bằng cách tạo thêm nhiều sản phẩm khác có chủ đề đa dạng hơn. Từ đó, Sazanami Iwaya - chủ NXB Hakubunkan chuyên về mảng văn học thiếu nhi - muốn tạo ra một tạp chí kết nối mọi chàng trai ở mọi cấp độ khác nhau trong xã hội. Đến năm 1895, tạp chí Shonen Sekai (nghĩa là “Thế giới của tuổi trẻ”) được thành lập. Đây cũng là tạp chí Nhật Bản đầu tiên dành cho giới trẻ.
Shonen Sekai đem đến những truyện tranh Nhật Bản đầu tiên: chứa những câu chuyện về lịch sử Nhật Bản, tranh biếm họa và các bài viết về thế giới Nhật Bản đương thời.
Sau sự ra đời của Shonen Sekai, đến năm 1902, một NXB khác xuất bản một tạp chí có tên Shojo Kai (Nữ nhi quốc) và nhận được nhiều hưởng ứng. Từ sự hưởng ứng đối với tạp chí giành cho nữ giới đó, vào năm 1906, NXB Hakubunkan cũng ra tạp chí có tên Shojo Sekai (Thế giới của những cô gái). Các tác giả thuộc Shojo Sekai đều là những người nổi tiếng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật: nhà thơ hòa bình có xu hướng nữ quyền Akiko Yosano, chính trị gia Tama Morita…
Cũng trong khoảng thời gian này, các NXB mở rộng thị trường, ra mắt các tạp chí khác như: Tanken Sekai (Thế giới thám hiểm) (1906); Bukyo Sekai (Thế giới của chủ nghĩa anh hùng); Shonen Puck (1907); Kodomo Puck (1924)...
Như vậy, hơn 20 năm đầu thế kỷ 20 là thời kỳ bùng nổ của các tạp chí và nhà xuất bản, với những với những bộ truyện tranh cho người lớn và trẻ nhỏ được đăng trên các báo và tạp chí. Thời kỳ này đã mở đường cho nhiều họa sĩ Nhật Bản tìm đến với một lĩnh vực mới mẻ: sáng tác truyện tranh.
Biến truyện tranh thành bản sắc văn hóa
Trong suốt hơn 20 năm đầu thế kỷ 20, các họa sĩ truyện tranh Nhật Bản vẫn giữ nét vẽ truyền thống của Nhật, các bức tranh đều mang phong vị Ukiyo-e (tranh phù thế) với đường nét thanh mảnh và các nhân vật có vẻ ngoài mang dấu ấn Nhật rõ nét.
Đến những năm 30-40 của thế kỷ 20, chịu ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, đặc biệt là từ nhân vật Felix Cat và chú chuột Mickey, các họa sĩ Nhật Bản dần thay đổi nét vẽ và hướng tới những nội dung mang tinh thần nhân văn, triết lý nhiều hơn. Tiêu biểu nhất phải kể đến những đóng góp của hai trụ cột: Osamu Tezuka và Fujiko. F. Fujio.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu truyện tranh đều cho rằng Osamu Tezuka chính là người đã đưa truyện tranh Nhật vươn ra thế giới. Thoát ra khỏi hội họa Nhật Bản truyền thống, Osamu Tezuka đưa người đọc vào thế giới hình ảnh mang phong cách phương Tây. Ngay từ khi còn rất trẻ, Osamu Tezuka đã có quan điểm: “sử dụng truyện tranh như một phương tiện giúp thuyết phục mọi người quan tâm đến thế giới”. Vậy nên những bộ truyện của ông thường có chủ để đa dạng và sở hữu nội dung sâu sắc: Tiêu biểu và quen thuộc nhất đối với độc giả Việt Nam là Black Jack, Astro Boy, Phoenix.
Có thể nói rằng, Tezuka không chỉ là “cha đẻ” của manga Nhật Bản, mà ông còn là… “cha đỡ đầu” của thể loại truyện tranh khoa học viễn tưởng, triết lý.
Không chỉ sở hữu những câu chuyện có nội dung triết lý, Tezuka còn có những đổi mới trong kỹ thuật vẽ truyện tranh, đặc biệt là ông học tập kỹ thuật điện ảnh. Tezuka sử dụng khung hình trên giấy giống như khung nhìn từ máy quay phim. Ông áp dụng các kỹ thuật điện ảnh như quay quét, thu phóng, và cắt cảnh. Vì truyện tranh không thể hiện được âm thanh thật như điện ảnh, ông dùng nét vẽ và các chữ cái để thể hiện hiệu ứng âm thanh, nhằm tạo ấn tượng như thật cho cảnh chiến đấu và âm thanh hàng ngày.
Việc này khiến cho truyện tranh không thể chỉ nằm trong vài khung hình hay vài trang giấy, mà đã kéo ra đến hàng ngàn trang. Sự đổi mới trong kỹ thuật vẽ truyện tranh này của Osamu là một đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của truyện tranh trên toàn thế giới nói chung, và đưa Osamu Tezuka thành “tượng đài” của nền truyện tranh Nhật Bản.
Nếu Osamu Tezuka đưa truyện tranh Nhật Bản vươn ra thế giới, thì Fujiko. F. Fujio đã đưa Doraemon (1969) lên thành biểu tượng văn hóa của Nhật Bản.
Được viết và minh họa bởi Fujiko F. Fujio, bút danh của bộ đôi Hiroshi Fujimoto và Motoo Abiko, Doraemon xoay quanh một chú mèo máy tên Doraemon đến từ tương lai, về để giúp đỡ một cậu bé tên Nobita Nobi. Những câu chuyện trong Doraemon vui nhộn nhưng không kém phần sâu sắc về tình bạn, ước mơ, hy vọng. Đồng thời, thông qua sự xuất hiện của những bảo bối thần kỳ của chú mèo máy Doremon, Fujiko. F. Fujio đã thể hiện những dự đoán của mình về sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ thời hiện đại. Những câu chuyện dài của Doraemon dù viết cho mọi lứa tuổi, đặc biệt hướng đến trẻ em, song lại kèm theo những thông điệp cấp thiết về môi trường, sự tiến hóa, những đe dọa ngoài không gian… Doraemon đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử truyện tranh, chú mèo máy từ tương lai mang quốc tịch Nhật Bản xuất hiện, mang theo đó là tất cả những niềm tin, hy vọng vào tình bạn, vào tương lại; và lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một nhân vật truyện tranh được tôn vinh thành biểu tượng văn hóa của cả một quốc gia.
Bên cạnh những đóng góp của Osamu Tezuka và Fujiko. F. Fujio, các tác giả truyện tranh Nhật Bản vẫn liên tục nghiền ngẫm và mở rộng nội dung cho những câu chuyện của mình. Nếu ở Mỹ, truyện tranh chỉ xoay quanh các nhân vật anh hùng hoặc những câu chuyện giật gân, kinh dị, thì tại Nhật, hàng loạt những xu hướng truyện tranh mới nối tiếp nhau xuất hiện: xu hướng chiến binh và nữ anh hùng, xu hướng punk, xu hướng thể thao, xu hướng samurai và ninja, xu hướng trinh thám...
Đó là chưa kể đến thể loại “truyện tranh người lớn” lưu hành công khai (tất nhiên là hạn chế lứa tuổi) và trở thành một nền công nghiệp lớn mạnh ở Nhật. Đây là điểm khác biệt lớn so với truyện tranh Mỹ và truyện tranh Bỉ. Ở hai quốc gia này, truyện tranh về chủ đề nhạy cảm này không được xem là chính thống, số lượng cũng không đồ sộ bằng, nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm.
Như vậy, có thể thấy rằng, đứng trước cuộc giao thoa văn hóa với phương Tây, Nhật Bản đã nhanh chóng hòa nhập, tiếp thu, và gặt hái nhiều thành tựu, đặc biệt là trong lĩnh vực truyện tranh.
Nếu Osamu Tezuka đưa truyện tranh Nhật Bản vươn ra thế giới, thì Fujiko. F. Fujio đã đưa Doraemon (1969) lên thành biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. |
Trường Khanh
Tags