(Thethaovanhoa.vn) - Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi đến với di tích Yên Tử, Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Khu di tích đã được trang bị hơn 10 máy đo nhiệt độ để kiểm soát tất cả du khách; lắp đặt máy kiểm tra thân nhiệt từ xa theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh; trang bị dung dịch xịt tay sát khuẩn, bổ sung thêm tủ thuốc đặt tại các điểm thường trực trên dọc tuyến hành hương.
Các Trạm sơ cấp cứu được tăng cường bác sĩ, y tá, bổ sung thuốc, dụng cụ y tế nhằm đảm bảo điều kiện để phòng chống dịch. Ban quản lý Di tích chỉ đạo, hướng dẫn toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của Ban quản lý, các nhà hàng, cơ sở dịch vụ tại khu di tích thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ và phát miễn phí hàng ngàn khẩu trang y tế cho du khách.
Hàng ngày, khu di tích được tổ chức phun khử trùng, vệ sinh, tẩy rửa, sát khuẩn theo quy định tại tất cả các điểm chùa, bến xe, nhà ga, hệ thống cabin cáp treo, nơi ở và làm việc của cán bộ, viên chức, người lao động, các đơn vị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh tại di tích. Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh như treo pa nô, dán áp phích, đặt các màn hình lớn với thông điệp phòng chống dịch tại các địa điểm công cộng trong toàn khu vực; tổ chức truyền thông và đề nghị các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không đầu cơ, tích trữ các thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi.
Hệ thống loa phát thanh tại tất cả các điểm chùa, bến xe, nhà ga, cổng vé, nhà hàng kinh doanh trong khu di tích, khu giáp ranh Tây Yên Tử thường xuyên phát nội dung tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe. Ban quản lý Di tích duy trì đường dây nóng 24/24 giờ tiếp nhận, giải đáp, xử lý, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống.
Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: Kể từ khi có dịch COVID-19, lượng khách du lịch, nhất là khách quốc tế, đến với khu di tích và danh thắng Yên Tử giảm mạnh, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số khách quốc tế đến Yên Tử, khách Hàn Quốc chiếm khoảng 92%. Tuy nhiên, kể từ khi có dịch COVID-19, nhiều du khách Hàn Quốc đã hủy tour đến Yên Tử. Ông Dũng thông tin: Ngày 24/2, chỉ có 20 du khách Hàn Quốc. Dự kiến ngày 25/2 sẽ không còn khách Hàn Quốc.
* Cũng liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch, trong thời gian cho học sinh nghỉ học, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị trường hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà.
Theo ông Đào Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn ôn tập đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh; đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các trường học lồng ghép nội dung về phòng tránh dịch COVID-19 và giáo dục kỹ năng sống vào các môn học phù hợp.
Đối với những học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, giáo viên ra bài tập, giao bài đến từng học sinh và hỗ trợ việc ôn tập thông qua một số trang điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Email, tin nhắn. Các trường học cũng kết nối với học sinh thông qua một số phần mềm hỗ trợ dạy học như viettelstudy, bigben, hocmai, tuyensinh247…
Còn những học sinh ở vùng nông thôn, không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, giáo viên ra bài tập, phô tô bài tập, lập danh sách học sinh theo thôn, bản; các nhà trường, chủ động phối hợp với đoàn xã tại địa phương chuyển trực tiếp bài tập đến từng học sinh mỗi tuần một lần.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2, (xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên), chia sẻ, do học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin nên giáo viên trong trường đã in bài tập rồi đến từng thôn, bản giao bài, hướng dẫn các em tự ôn tại nhà.
Cùng với việc hướng dẫn cho học sinh tự ôn tập tại nhà, các trường cũng có những chương trình, nội dung phù hợp với từng cấp học. Trong đó, các trường cấp mầm non tư vấn cho các bậc cha mẹ hàng ngày hướng dẫn cho các bé một số kỹ năng như vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ sức khỏe phòng, chống dịch bệnh tại nhà; giáo viên lựa chọn bài thơ, bài hát, câu chuyện kể…phù hợp với lứa tuổi để hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ tại nhà trong thời gian nghỉ.
Ở cấp tiểu học, thầy cô hướng dẫn tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức đã học, rèn luyện viết, đọc, làm toán, vẽ... với nội dung, mức độ phù hợp chương trình học, không gây áp lực, quá tải đối với các em học sinh...
Cùng với đó, các trường tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để quản lý chặt các em trong những ngày ở nhà; hàng ngày theo dõi sức khỏe của học sinh để báo cáo cáo tình hình phòng, chống dịch về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Văn Đức-Ngọc Anh/TTXVN
Tags