Dịch giả Dương Tường “tìm lại thời gian đã mất”

Thứ Sáu, 23/03/2012 08:35 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Sau Lolita, dịch giả Dương Tường lại xắn tay vào dịch Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust - bộ tiểu thuyết khổng lồ được coi là kiệt tác của thế kỷ 20.

Cùng Lolita, Đi tìm thời gian đã mất từng được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 tiểu thuyết lớn nhất của mọi thời đại. Tại Việt Nam, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa (phần 2 trong số 7 phần) của bộ sách này từng được dịch giả Nguyễn Trọng Định dịch độc lập và xuất bản với độ dày 500 trang. Chừng đó cũng là đủ để người đọc hình dung về sự đồ sộ của bộ sách cũng được coi là... khó đọc không kém gì Lolita này.

“Tôi sẽ dùng cái tên Tìm lại thời gian đã mất cho cả bộ sách. Như vậy thì phù hợp với tinh thần của Marcel Proust hơn” - Dịch giả Dương Tường chia sẻ: “Còn phần 2 của bộ sách sẽ mang cái tên Dưới bóng những thiếu nữ nở hoa. Bởi, trong tác phẩm, Marcel luôn mặc định coi nhân vật nữ như những cây non giữa sự giả dối, nhạt nhẽo...”.

Dịch giả Dương Tường trong buổi ra mắt Lolita tại Hà Nội

Cẩn thận tới mức cực đoan, cộng cùng sức khỏe đi xuống vì căn bệnh huyết áp, Dương Tường chỉ dịch được 2 - 3 trang sách mỗi ngày trong giai đoạn này. Bởi thế, việc chuyển ngữ Đi tìm thời gian đã mất từ tiếng Pháp được ông thực hiện cùng những gương mặt rất quen thuộc của giới dịch thuật như Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm... Dự kiến, năm 2013, tập đầu tiên của bộ sách sẽ được xuất bản, trong đó phần dịch của Dương Tường là khoảng 200 trang. Những tập tiếp sau, nhóm dịch giả dự kiến sẽ cố hoàn thành với mức mỗi năm một tập.

Từng dịch Cái trống thiếc của Gunter Grass và Lolita, ông hiểu khá rõ về khả năng khó “thẩm thấu” tới độc giả đại chúng của những tác phẩm văn học đồ sộ và giàu tính triết lý này. “Chẳng có gì để buồn. Nếu muốn tiếp cận với những kiến thức cơ bản nhất của văn học thế giới, việc dịch dần những cuốn sách ấy là điều phải làm với bất cứ nền văn học nào”.

Riêng với trường hợp Lolita, Dương Tường chia sẻ khá thật lòng: “So với thời điểm ra mắt tại Mỹ, Lolita khó lòng gây sốc và tạo phản ứng cực đoan như cách đây nửa thế kỷ. Điều khiến Lolita gây tranh cãi khi đó là những gam màu sắc tình dục trong câu chuyện về mối quan hệ giữa một ông già và một cô gái vị thành niên. Còn bây giờ, độc giả Việt Nam vốn đã... bớt nhạy cảm đi nhiều khi luôn phải nghe những câu chuyện còn “khủng khiếp” hơn trên truyền thông hằng ngày. Có sự bình tĩnh để đọc, cộng thêm một chút kiên nhẫn để tìm hiểu về những chú thích trong sách, chúng ta sẽ đủ hiểu Lolita là một câu chuyện đẹp và buồn về tình yêu.”

Chiêu Minh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›