Dịch giả Dương Tường: Soi kính lúp dịch 'Truyện Kiều' sang tiếng Anh

Thứ Tư, 11/09/2019 06:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 66 năm dịch sách, ở tuổi 87, dịch giả Dương Tường vẫn cho ra những bản dịch mới. Ông còn đau đáu về ngôn ngữ mẹ đẻ và quyết định dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh cho dù phải dùng kính lúp cặm cụi soi từng chữ…

Dịch giả, nhà thơ Dương Tường: 'Dứt tình' với thơ vì 'nàng thơ đã bỏ tôi rồi'

Dịch giả, nhà thơ Dương Tường: 'Dứt tình' với thơ vì 'nàng thơ đã bỏ tôi rồi'

Trả lời Thể thao & Văn hóa, nhà thơ Dương Tường cho biết đây là tập thơ cuối cùng, tập thơ tổng kết, tập thơ chắt lọc nhất của đời ông.

Tại buổi giao lưu với bạn đọc về cuốn sách dịch mới nhất mang tên Chết chịu (Mort à Crédit), dịch giả Dương Tường đã lần đầu chia sẻ về việc dịch Truyện Kiều.

Chưa thể “rửa tay gác kiếm”…

Ngồi trên sân khấu chính, lọt thỏm trong chiếc ghế tại Trung tâm Văn hóa Pháp, dịch giả Dương Tường giọng run run nhưng lời lẽ vẫn rất khúc chiết, hào sảng. Ở cái tuổi 87, vừa sinh nhật được hơn 2 tháng trước, ông “tuyên bố” mình chưa thể “rửa tay gác kiếm” vì vẫn nặng tình và nợ cuộc đời nhiều lắm. Vì thế vẫn phải dịch để trả cái nợ đời ấy!

Cũng chính thái độ ấy, ông không cho phép mình ngừng nghỉ nghiệp dịch sách, mà vẫn phải ăn và sống cùng việc dịch. Cuốn Chết chịu đã ra đời trên tinh thần ấy. 

Chú thích ảnh
Dịch giả Dương Tường. Ảnh: Nguyễn Hồng

Nói về Chết chịu, Dương Tường cho rằng đây là cuốn sách khó đọc và khó dịch. Chết chịu (Mort à Crédit) xuất bản năm 1936 của của nhà văn Pháp Louis-Ferninand Céline, một trong những tên tuổi lớn của văn học Pháp thế kỷ XX, chứa đựng một triết lý sống độc đáo. Sống thì là đi xuống mãi, nhưng chết cũng không phải là giải thoát. Làm gì có giải thoát hay cứu rỗi khi mà chết, nghĩa là chết nhiều lần, chết đi chết lại, và chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp". 

Sơ qua nội dung, dịch giả cho rằng, cuốn sách này phù hợp cho những tâm hồn cô đơn, muốn đọc một mình. Tiếp ý của Dương Tường, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng đây là tác phẩm sử dụng nhiều ngôn ngữ đường phố, tiếng lóng và sẽ “kén” người đọc. Nhưng những ai đọc sẽ chiêm nghiệm ra một điều càng đọc càng hay, càng lôi cuốn. 

“Càng khó dịch, càng đọc mới thấy được dịch giả Dương Tường tài hoa như thế nào. Ông là người duy nhất dịch xong sách và say mê đến độ “muốn” ghi tên mình cùng tác giả. Sự phong phú trong ngôn ngữ Việt đã khiến ông “phiêu”cùng tác giả để truyền tải thông điệp, nội dung tác phẩm đầy đủ nhất, chính xác nhất” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ. 

Chú thích ảnh
Bìa cuốn “Chết chịu” vừa ra mắt bạn đọc

Dịch Truyện Kiều để trả nợ cho tiếng Việt

Nửa sau buổi ra mắt Chết chịu, Dương Tường chia sẻ sự đau đáu của mình về ngôn ngữ tiếng Việt. Ông ghét những người sống trên đất nước mình mà lại sính dùng ngoại ngữ. Ông cho rằng tiếng Việt không thiếu những ngôn từ để diễn đạt và gọi tên các sự vật, hiện tượng đúng nghĩa, đúng bản chất. Cũng ngần ấy năm theo nghề dịch, làm thơ rồi viết phê bình… Dương Tường cho rằng tiếng Việt bị tàn phá nặng nề hơn “những cơn bão lớn”. 

“Tôi làm nghề dịch xuất phát từ tình yêu tiếng mẹ đẻ, yêu tiếng Việt. Tôi cho rằng, không có một ngôn ngữ nào giàu nhạc tính như tiếng Việt của ta. Tiếng Việt có sáu thanh và không có một ngôn ngữ nào đẹp như vậy. Trước sự tàn phá mạnh mẽ tiếng Việt, những người yêu tiếng mẹ đẻ nên thấy đó là đau lòng” - Dương Tường ngậm ngùi.

Từ những ý nghĩ phải “trở mình” góp sức vào công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và lan tỏa giá trị của dân tộc, Dương Tường quyết định dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh sau nhiều năm trăn trở. Hành trình dịch Truyện Kiều bắt đầu từ cuối 2016, và sau hơn 2 năm, 3.254 câu thơ Truyện Kiều đã được dịch ra tiếng Anh xong cách đây vài hôm. Dương Tường coi như “đã trả hết nợ cho đời, cho tiếng Việt khi đưa tác phẩm đẹp nhất của nước Việt ra thế giới”. 

Tuy tuổi đã cao, mắt đã mờ, chân chậm, ông vẫn làm việc cật lực. Sức làm việc của ông khiến bao người nể phục. Nhưng ông bảo, mình dịch sách bằng tâm hồn nghệ sĩ, dịch tám tiếng một ngày vẫn thấy thiếu, những câu chữ ám ảnh, quấn lấy ông. Có khi đêm nằm ngủ, câu chữ bộc phát đến, ông lại bật dậy ghi lại vì sợ sáng mai quên. 

Bằng sự nghiêm túc trong công việc, có thể nói, mỗi bản dịch của dịch giả Dương Tường luôn đậm nét cá nhân. Chuẩn bị dịch một tác phẩm nào đó, Dương Tường thường đọc ít nhất là 2 lần tìm hiểu tiểu sử, phong cách và vị trí của tác giả trong làng văn học nước đó. Ông đọc những cuốn sách liên quan để có thể hiểu tác giả. Dịch Chết chịu ông đã đọc hơn 30 cuốn sách khác nhau để có thể dịch được tốt nhất. Dù được đánh giá là bậc thầy lão luyện trong số các dịch giả tại Việt Nam, song dịch giả Dương Tường vẫn “nhún mình” cho rằng, nếu có sai sót trong khi dịch là lỗi do trình độ mình còn non kém. 

Gần 2 tiếng đồng hồ, buổi giao lưu kết thúc. Người thân, bạn bè tặng hoa chúc mừng cho những nỗ lực của Dương Tường. Sự kiện khép lại bằng cái ôm nồng ấm của người vợ đã song hành cùng ông hơn 60 năm qua và câu chào “hẹn một ngày gặp lại” của dịch giả 87 tuổi…

Vài nét về dịch giả Dương Tường

Dương Tường sinh năm 1932 tại Nam Định, là một nghệ sĩ đa tài, được biết đến với nhiều vai trò: dịch giả, nhà thơ, phóng viên, nhà phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh... và là một trong số ít dịch giả văn học có tầm ở Việt Nam.

Ông là dịch giả của những “đại tác phẩm” như: Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Bronte), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Phố những cửa hiệu u tối (Patrick Modiano), Bên phía nhà Swann Dưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust)... 

An Đạt

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›