(Thethaovanhoa.vn) - Theo nhiều nguồn tin, vào tháng 9 nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn Nỗi buồn chiến tranh, sẽ sang Hàn Quốc để nhận giải Sim Hun, giải thưởng văn học mang tên nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà ái quốc Sim Daeseop, nổi tiếng với bút danh Sim Hun.
Giải Văn học Sim Hun do Ban Lễ hội Văn hóa Simhun Sangnok sáng lập. Ban Lễ hội Văn hóa Simhun Sangnok được đặt theo tên nhà văn Sim Hun và tiểu thuyết kinh điển của ông, Sangnok Tree.
Giải thưởng này, được trao lần đầu tiên hồi năm 2014, tôn vinh các nhà văn châu Á đã thể hiện mối quan tâm lớn tới hòa bình và công lý thông qua các tác phẩm văn học của mình. Các tác giả được ứng cử cho giải thưởng phải có ít nhất 10 năm trải nghiệm cầm bút và đã xuất bản được một tác phẩm lớn trong 3 năm qua.
Nhà văn, nhà soạn kịch, nhà ái quốc Hàn Quốc Sim Hun (1901-1936)
Giải thưởng Sim Hun có ba hạng mục: Giải thưởng lớn; Giải thưởng văn học (dành cho các nhà văn Hàn Quốc); Giải thưởng Văn học cho thanh thiếu niên và thiếu nhi.
Hạng mục “giải thưởng lớn” mà Bảo Ninh nhận được dành cho tác giả có thành tích đóng góp cho văn học châu Á và giới thiệu ra thế giới.
Sim Hun (1901-1936) là một nhà văn viết khỏe. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã tung ra nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và thơ. Ông là một nhà văn cẩn thận và luôn giữ bản gốc các tác phẩm của mình. Bởi vậy, hầu hết các bản thảo gốc (hơn 4.000 trang) của Sim Hun hiện vẫn tồn tại.
Nhà văn Bảo Ninh với phiên bản tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" bằng tiếng Anh
Nhiều thập kỷ sau khi Sim Hun qua đời hồi năm 1936, ông vẫn được tôn vinh là một trong những cây bút tiên phong của nền văn học Hàn Quốc hiện đại, với tinh thần yêu nước được thể hiện rõ trong phong trào kháng chiến chống quân Nhật và trào lưu Sangrok, với tài năng nghệ thuật xuất chúng, sáng tác khỏe và tầm nhìn cho tương lai của đất nước khi thoát khỏi ách thực dân.
Các tác phẩm của Sim Hun là những bài học bắt buộc của học sinh, sinh viên Hàn Quốc ngày nay. Thêm nữa, cuốn tiểu thuyết Mask Dance (1926) của ông là tác phẩm văn học Hàn Quốc đầu tiên được chuyển thể thành phim.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp
Tags