Dư âm Festival Đờn ca tài tử: Đặc sắc ‘Phương Nam ngày mới’

Chủ nhật, 30/04/2017 07:28 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017 đã kết thúc và để lại nhiều dư âm trong lòng những người tham gia và cả những ai đón xem chương trình qua sóng truyền hình.

Đóng góp trong sự thành công chung của chuỗi sự kiện lần này không thể không kể đến chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề Phương Nam ngày mới do ê kíp đạo diễn dàn dựng: thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn, đạo diễn Nghi Tuấn; biên đạo múa Lê Việt, Công Minh, Sen Bình và tổng đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt thực hiện trong đêm bế mạc liên hoan.


Đại diện Bình Dương trao cờ luân lưu tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia cho đại diện Cần Thơ

Khác với những chương trình sự kiện lễ hội được hiện bởi sân khấu ngoài trời, thiết kế theo kiểu hoành tráng và mang tính chất “phô trương”, Phương Nam ngày mới được tổ chức sân khấu trong nhà và được dàn dựng theo bố cục chiều sâu và diễn trình theo thời gian của loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Chương trình nghệ thuật được mở màn nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng vô cùng thiêng liêng như tấm lòng của hậu thế với tiền nhân qua những câu hò: “Đêm đất Thủ, trăng treo vằng vặc. Ánh hào quang lan tỏa khắp mọi miền. Vang vọng không gian, tiếng hát điệu đờn. Phát huy bản sắc, tinh hoa nhân loại”.


NSƯT Lê Tứ và NSƯT Thu Hồng cùng ban nhạc thất tuyệt tạo dư âm tốt trong Phương Nam ngày mới

Qua phần biểu diễn của nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ và nghệ nhân ưu tú Thu Hồng, một là đại diện cho đất Thủ Bình Dương, một đại diện cho Sài Gòn - TP.HCM, vùng đất mà đờn ca tài tử đang phát triển mạnh mẽ cùng ban nhạc thất tuyệt vời: kìm, tranh, bầu, ghi ta phím lõm… đó cũng chính là biểu hiện cho sự trường tồn của loại hình nghệ thuật đặc sắc của cư dân Phương Nam.

Sau phần khai từ, chương trình được bố cục với ba phần chính: Giai điệu mùa Xuân, Những cung bậc thăng hoa và phần kết thúc với lễ trao bằng khen cho các đoàn đạt giải cao trong liên hoan và nghi thức trao cờ luân lưu cho Cần Thơ - đơn vị sẽ đăng cai Liên hoan đờn ca tài tử Quốc gia lần 3.

Bằng những thủ pháp đạo diễn như: sân khấu hóa, lắp ghép, mô hình hóa… dựa trên những giai điệu của đờn ca tài tử ê kíp dàn dựng đã đưa người xem đến từng cung bậc cảm xúc khác nhau: Tôn nghiêm trong giây phút tri ân tiền nhân với điệu hò cơ bản “hò-xự-xang-xê-cống-liu-ú-xáng…”. Càng thêm sôi động náo nhiệt với không nghí của ngày hội phương Nam qua các bài bản: “Long Hổ hội”, “Thu Hồ”, “Tam pháp nhập môn” với phần biểu diễn của đầy màu sắc của các em thiếu nhi, cùng hoài niệm với “đoản khúc lam giang” trong bối cảnh của đêm trăng lung linh trên sông nước Nam Bộ.


Một tiết mục trong Phương Nam ngày mới

Với cách bố cục khéo léo đã giúp cho người xem cảm nhận được mong muốn của những người thực hiện chương trình đó là sự kế thừa, bảo tồn, phát huy và lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử của phương Nam.

Tùy theo cảm nhận của từng người khi xem nhưng điểm nhấn của chương trình này không phải là một tiết mục khoa trương hoành tráng mà lại là sự nhẹ nhàng sâu lắng trong phần biểu diễn của NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hồng Thắm, nghệ sĩ Võ Minh Lâm và nghệ sĩ Như Huỳnh…với những bài bản: “Hò Đồng Tháp”, “Vọng Kim Lang”, “Đoản khúc Lam Giang”, “Phi vân điệp khúc”…  

Ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh của đôi gái trên chiếc ghe với ánh trăng vằng vặc phản chiếu trên mặt nước khi họ nhớ về mối tình ngày xưa…

Cảnh diễn đã được dàn dựng tỉ mỉ như một bức tranh được họa sĩ chăm chút đến từng chi tiết. Bài tân cổ giao duyên Nắng gió phương Nam cũng đã được NSƯT Trọng Phúc và nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trình diễn thật mượt mà và đậm chất trữ tình đem lại cho khán giả nhiều cảm nhận thú vị về loại hình nghệ thuật này.

Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh quảng bá hình ảnh Festival Đờn ca tài tử

Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh quảng bá hình ảnh Festival Đờn ca tài tử

Đại gia Dũng 'lò vôi' sẽ làm nhà tài trợ chính và Hoa hậu Việt Nam 2016 đỗ Mỹ Linh sẽ quảng bá hình ảnh Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017.

 

Những clip phỏng vấn tiến sĩ Mai Mỹ Duyên và nhạc sĩ Kiều Tấn là hai nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc trong lĩnh vực đờn ca tài tử đã được lồng ghép khéo léo với thời lượng hợp lý đã nói lên sự chỉnh chu trong công tác dàn dựng của chương trình.

Bên cạnh đó nghi thức trao cờ của đại diện Bình Dương cho đại diện Cần Thơ được kỹ thuật bàn nâng đưa lên cao và sự xuất hiện của 21 người mẫu như ngụ ý đại diện cho 21 tỉnh thành tham gia trong liên hoan lần này trong trang phục áo dài truyền thống với hoa văn hình gốm sứ Bình Dương đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp và giá trị vĩnh cửu của đờn ca tài tử Nam Bộ với mong muốn những liên hoan lần sau sẽ được tiếp tục được phát huy.

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017 đã kết thúc và đêm bế mạc chương trình như một dấu ấn đẹp cho toàn bộ sự kiện lần này. Hy vọng trong kỳ liên hoan tiếp theo vào năm 2020 tổ chức tại TP.Cần Thơ những thành công này sẽ được tiếp tục phát huy.

Mai Huệ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›