(Thethaovanhoa.vn) - Hoạt động của Bandland Channel khá đa dạng về hình thức tổ chức: Đó là “live in studio” diễn ra vào 20h30 thứ Năm hàng tuần trên kênh Youtube, biểu diễn ngoài trời tại phố đi bộ Hà Nội vào 20h30 thứ Bảy tuần thứ 2 của tháng, concert mỗi quý. Chưa kể đến các hoạt động mang tính chuyên sâu như workshop, training, festival…
Sau 2 tháng ra mắt, với 21 số lên sóng trên kênh YouTube riêng của chương trình - Bandland Channel, sân chơi dành cho các ban nhạc của nhạc sĩ Dương Cầm đang bắt đầu trở nên hấp dẫn và cuốn hút.
Hiện tại, chương trình đang “chạy đều” với các buổi live in studio, còn hoạt động trình diễn ngoài trời dự kiến sẽ trở lại tại sân khấu phố đi bộ trong tháng tới với ban nhạc Glory, nếu điều kiện cho phép.
Vào Bandland dễ mà khó
Các ban nhạc đến với Bandland hầu hết là những ban nhạc độc lập, thuộc giới Indie. Với cộng đồng yêu nhạc này, nhiều ban nhạc cũng đã có chỗ đứng riêng, có sân khấu riêng. Nhưng để có được khoảng 10 - 12 phút lên sóng với khán giả trên Bandland Channel, mỗi ban nhạc vẫn phải bỏ ra hàng tháng để tập luyện, dàn dựng. Sau đó là một ngày đến phòng thu set up âm thanh, một ngày thu live không chỉnh sửa và lên sóng. Cũng để có được một sản phẩm như vậy, các ban nhạc đã phải qua khâu tuyển chọn và “kiểm duyệt” khắt khe của nhà sản xuất - nhạc sĩ Dương Cầm.
Nói như vậy là bởi nghe Mạc Mai Sương chia sẻ cơ duyên đến với Bandland thì tưởng chừng như rất dễ.
“Lần đầu tôi biết tới Bandland là HUB (một ban nhạc có mặt tại Bandland ngay từ studio số 2) rủ tới hát cùng 1-2 bài cho vui. Nhưng khi đó, tôi không sắp xếp được. Sau đó thì Dương - tay trống đánh trong HUB có giới thiệu Mạc and The Odd Stones (MATOS) cho Bandland và kết quả là bài Hoang đường đã được ra mắt với bản live audio chất lượng trên Bandland” - nữ ca sĩ cho hay.
Còn thực tế thì tất cả các ban nhạc đều phải đạt “chuẩn” trước đôi tai của Dương Cầm mới có thể bước vào “vùng đất” của anh. Bù lại, Bandland sẽ đem đến những trải nghiệm “đắt giá” cho các ban nhạc: Được làm việc trong một phòng thu với đầy đủ các thiết bị cao cấp, được chơi những nhạc cụ “xịn xò” và đặc biệt là được tư vấn về mặt chuyên môn để trở nên chuyên nghiệp hơn trong biểu diễn.
Được biết, ở giai đoạn ra mắt các ban nhạc trong năm đầu tiên, nhạc sĩ Dương Cầm sẽ không “động chạm” đến các sản phẩm của các ban nhạc ngoài vai trò tư vấn. Anh chỉ thực sự “nhúng tay” trong việc định hướng, đào tạo để tiếp tục nâng tầm các ban nhạc ở giai đoạn sau, khi các ban nhạc đã vượt qua vòng biểu diễn theo trình tự từ studio (phòng thu) đến stage (ngoài trời) và concert (hoà nhạc).
“Máu” làm giàu
Không khó để hiểu vì sao Dương Cầm muốn mở Bandland khi mà đam mê từ nhỏ của anh chính là chơi nhạc trong band.
- Nhạc sĩ Dương Cầm mở sân chơi mới dành cho các ban nhạc
- Sau 'cú đúp" giải Cống hiến, nhạc sĩ Dương Cầm ‘đắt sô’ làm 'Giám đốc âm nhạc’
- Nhạc sĩ Dương Cầm: 'Thị trường âm nhạc nằm trong tay các nhà sản xuất'
Dương Cầm chia sẻ, cách đây khoảng 10 - 20 năm về trước, đời sống các ban nhạc diễn ra khá sôi động, không “chìm nghỉm” như bây giờ. Đó là thời không có nhiều điều kiện hay cơ hội được xem các ban nhạc biểu diễn trực tiếp mà chỉ là nghe qua băng cassette và băng video.
“Tôi thích ban nhạc Phương Đông có anh Quốc Trung và chị Thanh Lam, ban nhạc Anh em với bộ đôi Anh Quân - Huy Tuấn và ban nhạc 3 con mèo có chị Phương Uyên.
Khi đó mới 13 tuổi, nhưng tôi đã ra Hà Nội học piano cổ điển và theo đuổi con đường âm nhạc của mình. Còn trước đó, tôi theo ba mẹ rong ruổi trên từng cây số chơi ban nhạc cho đám cưới, hội chợ loto, nên cái máu chơi ban nhạc nó đã ăn sâu luôn rồi” - nhạc sĩ bộc bạch.
Vậy nên khi Bandland ra đời, Dương Cầm xác định rõ: Đây không phải là gameshow “sớm nở tối tàn” mà anh muốn chương trình đi thật lâu, thật xa. Trong khi đó, các ban nhạc đến Bandland cũng mong muốn con đường âm nhạc của họ trở nên rộng mở hơn, họ cũng được vươn cao hơn.
“Đến với sân chơi Bandland, chúng tôi hy vọng chạm được tới nhiều khán giả khác so với khán giả đã quen thuộc với cộng đồng Indie, cũng như biết tới thêm những band trẻ khác cũng đang hoạt động độc lập như mình” - đại diện của MASTOS bày tỏ.
Được biết, để có thể thu về 1 USD trên YouTube, chương trình phải có tối thiểu số lượt xem là trên 40 ngàn người và các điều kiện khác đi kèm. Trong một thời gian nhất định, nếu lượt view thay đổi thì số tiền cũng thay đổi theo tỉ lệ thuận.
Bandland Channel sau một thời gian đã không chỉ kiếm được 1 USD (kể từ thời điểm tham gia trên YouTube vào tháng 3/2020, đến nay chương trình đã có hơn 180 ngàn lượt xem). Con số này vẫn đang dịch chuyển và là một tín hiệu đáng để hy vọng trong tương lai.
Hiện tại, Bandland đang hoạt động ở hình thức phi lợi nhuận khi nhạc sĩ Dương Cầm không có “xu” nào để gửi cho các ban nhạc.
“Tôi nghĩ rằng, bất cứ ban nhạc nào đã bước chân vào Bandland là đã có bài học cho mình rồi. Tham gia sân chơi này, chúng tôi được học nhiều, được hỗ trợ nhiều mặt, từ chuyên môn đến truyền thông. Ngoài Bandland, Minh Tốc và tôi cũng có phòng thu riêng, chúng tôi chuẩn bị ra mắt album trong năm nay và nhận hợp tác với các dự án âm nhạc khác. Chúng tôi cũng có “tham vọng” làm giàu từ âm nhạc, nên mong rằng Bandland sớm phát triển trong tương lai” - Lam của ban nhạc Minh Tốc chia sẻ.
Ban nhạc Mạc and The Odd Stones cũng tiết lộ họ đang trong giai đoạn thu EP đầu tiên, nên việc “đặt gạch” kiếm được tiền từ âm nhạc trong tương lai là có. Còn đến với Bandland không thù lao, Mai Sương cho rằng kinh phí cũng là một phần giúp duy trì động lực.
“Tuy nhiên để đi cùng nhau lâu thì sự ăn ý và vui vẻ khi hợp tác và hướng chung về một mục tiêu mới là yếu tố quyết định và chắc hẳn các band có mặt trên Bandland Channel đều tin và ủng hộ vào hướng đi của nhạc sĩ Dương Cầm và Bandland” - nữ ca sĩ nhận định.
(Còn tiếp)
Đội ngũ Bandland làm việc rất dễ chịu “Nhận được lời mời của Bandland, chúng tôi rất háo hức. Phần vì một sân chơi có hệ thống như Bandland ở Việt Nam chưa nhiều, phần vì có một vài thành viên hâm mộ nhạc sĩ Dương Cầm từ hồi bé khi xem Bài hát Việt. Thử thách lớn khi tham gia Bandland là phải chờ set up hơi lâu vì mỗi đội hình của từng band khác nhau quá nhiều và đội ngũ thì lại thiếu người. Nói vậy không phải để trách Bandland mà để khán giả hiểu thêm một chút về hậu trường một sản phẩm âm nhạc. Ngoài ra đây là một trong những lần hiếm hoi ''đi diễn'' mà chúng tôi cảm thấy được đối đãi như những người "nghệ sĩ'' thực thụ vì đội ngũ Bandland hỗ trợ hết mức có thể và làm việc rất dễ chịu” - ca sĩ Mạc Mai Sương của ban nhạc Mạc and The Odd Stones chia sẻ. |
Lam Anh
Tags