(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/7 vừa qua, Max Wang - một kỹ sư phần mềm đã từng có 7 năm làm việc tại công ty Facebook - đã chia sẻ một video trên diễn đàn thảo luận nội bộ của công ty với hàm ý cảnh báo rõ rệt. Max Wang nhận định: "Tôi nghĩ rằng Facebook đang làm tổn thương mọi người nghiêm trọng. Nếu bạn cũng nghĩ như vậy, hãy xem video này".
Hầu hết các nhân viên khi chuẩn bị rời khỏi công ty Facebook thường đăng tải những bức ảnh về những thành tích của họ cùng với những lời chia tay và cảm ơn các đồng nghiệp. Nhưng Wang đã chọn một cách khác. Người kỹ sư này đăng một video ngắn với phần mở đầu là tự thuật của cá nhân trước máy quay phim và suốt 24 phút sau đó là chỉ trích ban lãnh đạo của Facebook.
Đoạn video thể hiện tích tụ nhiều tháng xung đột nội bộ, phản đối và những quyết định rời khỏi Facebook, sau khi công ty này không can thiệp bài viết của Tổng thống Donald Trump với nội dung có ý kêu gọi xử lý mạnh tay đối với những người phản đối vụ công dân da màu người Mỹ George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ.
- Sau kẻ rình rập dọa giết, Nayeon tiết tục bị 'khủng bố' từ một trang Facebook
- Chiến dịch tẩy chay Facebook liệu có đánh bại được Mark Zuckerberg?
- Chiến dịch tẩy chay 'thổi bay' 56 tỷ USD giá trị vốn hóa của Facebook
Những đánh giá của Max Wang về việc Facebook đã nhiều lần thất bại trong việc bảo vệ "công dân mạng" của mình là một trong những ý kiến chỉ trích mạnh nhất đối với Facebook từ trước đến nay. Max Wang nhấn mạnh: "Chúng ta đang thất bại. Và điều tồi tệ hơn cả đó là chúng ta đã bao bọc sự thất bại đó trong chính sách của mình".
Facebook - hiện quy tụ khoảng 3 tỷ người dùng trên các nền tảng xã hội khác nhau - đã quá quen với những chỉ trích của dư luận bên ngoài kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, song những bất đồng quan điểm sâu sắc ngay trong nội bộ công ty là điều hiếm thấy.
Trong hơn 3 năm qua, Facebook đã lần lượt vượt qua hết bê bối này đến scandal khác, như vụ việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vụ rò rỉ dữ liệu gắn mác Cambridge Analytica, hay vấn đề người Rohingya ở Myanmar. Giá cổ phiếu của Facebook vẫn cứ tăng và công ty này tiếp tục tuyển dụng và giữ chân những nhân tài hàng đầu thế giới. Tất nhiên, thi thoảng cũng có những khúc mắc nội bộ, nhưng nhìn chung các nhân viên thường nhìn vào những mặt tốt của công ty hơn là những mặt dở. Hoặc ít nhất thì họ cũng tránh công khai thể hiện sự bất bình.
Thế nhưng, lần này lại khác!
Không chỉ có kỹ sư phần mềm Max Wang, một kỹ sư khác tên là Dan Abramov từng làm việc 4 năm tại Facebook ngày 26/6 vừa qua cũng đã phàn nàn trên Workplace - nền tảng truyền thông nội bộ của công ty Facebook : "Lần này, phản ứng của chúng ta có vẻ khác. Tôi đã dành chút thời gian được nghỉ ngơi để lấy lại sự tập trung, nhưng tôi không thể xóa bỏ cảm giác rằng lãnh đạo công ty đã phản bội lòng tin mà các đồng nghiệp của tôi và tôi đặt vào họ".
Theo các cuộc phỏng vấn mà BuzzFeed News thực hiện với những nhân viên đã và đang làm việc tại Facebook, cũng như rất nhiều tài liệu mà mạng tin này thu thập được, những thông điệp như của Max Wang và Dan Abramov đã cho thấy rõ cách Facebook xử lý thông tin gây tranh cãi được đăng tải trên mạng xã hội này đã gây xáo trộn trong đội ngũ nhân viên và dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với lãnh đạo.
Các tài liệu - trong đó bao gồm các chủ đề thảo luận của công ty, kết quả khảo sát nhân viên và những bản ghi âm của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg - tiết lộ rằng Facebook đã chậm chạp trong việc gỡ bỏ quảng cáo với nội dung cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và Đức quốc xã, trong khi những thông tin này do chính nhân viên của Facebook báo cáo. Những tài liệu này cũng chỉ ra rằng những tuyên bố công khai của công ty này về những lý do pháp lý ủng hộ chủng tộc là mâu thuẫn với các chính sách cấm người dùng Facebook sử dụng nền tảng công ty này để hỗ trợ các vấn đề chính trị. Những tài liệu này cũng cho thấy Zuckerberg bị chỉ trích lừa dối nhân viên. Tựu chung lại, những tài liệu mà BuzzFeed có được thể hiện sự rạn nứt văn hóa công ty.
Thất vọng và giận dữ, các nhân viên làm việc tại Facebook đang thách thức CEO Zuckerberg và các thành viên khác trong ban lãnh đạo tổ chức một cuộc họp toàn thể tại công ty, thực hiện các cuộc bãi công trực tuyến, và đặt câu hỏi rằng liệu công việc của họ có làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn hay không. Tình trạng hỗn loạn đã đạt đến đỉnh điểm, khiến Mark Zuckerberg phải cảnh báo sẽ sa thải những nhân viên có những hành động quá khích.
Một phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty này luôn có một quy trình chính sách nghiêm ngặt và minh bạch với nhân viên về việc các quyết định được đưa ra thế nào. Người phát ngôn này nêu rõ: "Các quyết định về nội dung của Facebook được đưa ra dựa trên việc áp dụng các chính sách cộng đồng nhất, đồng đều nhất của chúng tôi. Tất nhiên sẽ luôn luôn có một số nhóm người, thậm chí là nhân viên, cho rằng những quyết định này là không nhất quán, đó là bản chất của việc áp dụng các chính sách một cách rộng rãi. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại thực hiện một quy trình nghiêm ngặt, bao gồm cả việc tham vấn các chuyên gia bên ngoài khi áp dụng các chính sách mới, cũng như tiếp nhận phản hồi từ nhân viên và tại sao chúng tôi đã thành lập nên một ban giám sát độc lập để kháng cáo các quyết định về chính sách nội dung trên Facebook".
Ngày 28/5 vừa qua, khi các cuộc biểu tình chống lại những hành động thô bạo của cảnh sát đối với nghi phạm người da màu nổ ra ở thành phố Minneapolis và trên khắp nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đăng các tin nhắn giống hệt nhau lên tài khoản cá nhân tại Facebook và Twitter - nơi ông có tổng cộng 114 triệu người theo dõi.
Tối 28/5, Tổng thống Trump viết: "Tôi vừa có cuộc trò chuyện với Thống đốc Tim Walz và tôi đã nói với ông ấy rằng quân đội luôn đồng hành cùng ông. Dù bất kỳ khó khăn nào, chúng tôi cũng sẽ nắm quyền kiểm soát, nhưng khi có tình trạng cướp bóc, thì sẽ nổ súng".
Vài giờ sau đó, Twitter đã gắn nhãn cảnh báo cho bài đăng của Tổng thống Trump, cho rằng thông điệp của ông đã vi phạm các quy tắc của mạng xã hội này vì có dấu hiệu cổ súy bạo lực. Trong khi đó, Facebook đã không có bất cứ sự can thiệp nào. Mạng xã hội này quyết định rằng cụm từ "khi có tình trạng cướp bóc, thì sẽ nổ súng" không vi phạm các điều khoản sử dụng dịch vụ của Facebook cho dù có thể khiến người ta liên tưởng tới quá khứ cảnh sát sử dụng bạo lực để áp bức người da màu. Zuckerberg cũng thừa nhận "có nhận định tiêu cực về bài đăng", nhưng các chính sách của Facebook cho phép thảo luận về việc sử dụng sức mạnh quân đội, đặc biệt là khi Tổng thống Trump đã có trao đổi cá nhân với Zuckerberg, trong đó khẳng định rằng ông chỉ đơn thuần muốn cảnh báo về nguy cơ tình trạng cướp bóc có thể dẫn đến bạo lực.
Thanh Phương/TTXVN
Tags