Festival mỹ thuật trẻ 2022: Nội dung và hình thức đều quan trọng

Thứ Tư, 24/08/2022 18:42 GMT+7

Google News

Hai năm một lần, Festival mỹ thuật trẻ lại có mặt tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Mặc dù không có những tác phẩm độc đáo, nổi trội, để có thể thách đố với những tiêu chí của ban giám khảo, nhưng sự kiện cũng xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt ở các loại hình. Bên cạnh đó, cũng cho thấy không ít các hạn chế trong sáng tác và cả điều kiện trưng bày.

Trao giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022

Trao giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh 2/9.

Triển lãm giới thiệu 126 tác phẩm và bộ tác phẩm của 102 tác giả được lựa tuyển chọn. Sự kiện kéo dài đến ngày 28/8.

Nội dung có phải là yếu tố quan trọng nhất?

Yếu tố nội dung trong một tác phẩm nghệ thuật là quan trọng. Nội dung là các sự vật hiện tượng được thể hiện trên tác phẩm. Tuy vậy, ý nghĩa tác phẩm là yếu tố rộng hơn, bao hàm cả ý nghĩa nội dung và ý nghĩa hình thức, hoặc các phương tiện tác giả lựa chọn làm nên tác phẩm. Qua nội dung, người xem chỉ thấy các vấn đề mà tác giả muốn phản ánh, còn việc phản ánh đó có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ tạo hình đến tư tưởng, tình cảm và cách phối hợp những điều đó sao cho tinh tế, thuyết phục.

Trong triển lãm này, có không ít tác phẩm nói về các vấn đề thời sự của đời sống xã hội, đơn cử như vấn đề đại dịch Covid-19. Ở mặt tích cực, điều này thể hiện sự quan tâm, suy nghĩ của những nghệ sĩ trẻ đối với đời sống đương thời. Nhưng ở mặt hạn chế, với những chủ đề như thế này, nếu không đủ tinh tế, một tác phẩm rất dễ rơi vào trạng thái minh họa, trình bày một cách tối đa các hình tượng, kể lể những câu chuyện của đời sống thực, mà thiếu tính hình tượng hóa, khái quát hóa trong tạo hình - điều quan trọng nhất, nó tạo nên sự khác biệt của nghệ thuật tạo hình với các loại hình khác.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Lũ thượng nguồn 2” (giải Nhất) của Trần Đình Thắng thuyết phục được người xem

Nếu như khi nội dung và ý nghĩa của sáng tạo hình thức, cùng sự kết hợp các phương tiện nghệ thuật đạt được một sự nhuần nhuyễn, tác phẩm sẽ đem lại sự thuyết phục tối đa. Tác phẩm điêu khắc Lũ thượng nguồn 2 của Trần Đình Thắng thuyết phục được người xem ở cả nội dung và hình thức biểu đạt, cùng kỹ thuật và sự tinh tế thuộc về bản năng của người nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, còn nhiều những tác phẩm đoạt giải hoặc không đoạt giải, với các chủ đề và hình thức biểu đạt khác nhau, thể hiện chất riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Điều này đem đến cho người xem sự cân bằng trong cảm xúc, ấn tượng về sự hài hòa của tổng thể tác phẩm mà không cần gượng ép. Các tác phẩm có thể kể đến như Ký ức ngọt ngào của Bùi Phong Sao, Chợ trưa của Ma Thị Hiền, Hoài niệm của Bùi Minh Nhật, Ngày mới đang đến của Vàng Hải Hưng, Chiều Sủng Là của Lô Quang Thưởng, Những mảnh ghép của Nguyễn Trường An…

Chú thích ảnh
Không gian trưng tác phẩm thiếu chuyên nghiệp

Trưng bày có ảnh hưởng đến tác phẩm?

Nhà triển lãm Vân Hồ là một địa điểm có sức chứa lớn. Và với số lượng tác phẩm của các sự kiện lớn như Festival mỹ thuật trẻ, hoặc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, nơi đây vẫn là địa điểm ưu tiên được lựa chọn.

Tuy vậy, nơi này ngoài không gian rộng, thì điều kiện cho tác phẩm là rất hạn chế, nhất là ở hệ thống đèn, thường gây ức chế cho người xem.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chiều Sủng Là” của Lô Quang Thưởng

Toàn bộ các tác phẩm tranh lụa và đồ họa có phủ kính được trưng bày ở tầng 1, nhà trưng bày nhỏ phía bên trái, rất khó để nhìn, bởi trong tác phẩm hiện lên hàng trăm bóng đèn nhỏ, phản chiếu hệ thống đèn của trần nhà. Tác phẩm có gắn kính vốn rất khó trưng bày, nhưng đèn rọi tranh chuyên nghiệp được lắp đúng vị trí và độ chếch so với tác phẩm sẽ khắc phục được phần nào hiện tượng in bóng và cảm giác khó chịu cho người xem, còn ở đây thì có vô số đèn trên trần nhà, cùng hệ thống đèn chùm.

Bước vào nhà trưng bày nhỏ, người xem bắt gặp ngay một tác phẩm sắp đặt thể hiện một máy quay sợi thủ công. Tác phẩm được bày tại chân cầu thang. Đây là vị trí không có đèn, vì thế vô tình người xem có cảm giác tác phẩm không được trưng bày hoặc đang tạm “xếp xó”. Bản thân tác phẩm này cũng đem đến cảm giác chưa hoàn thiện, có một sự dễ dãi trong ý tưởng nghệ thuật và trình bày? Trong trường hợp này, nếu như được đặt ở một vị trí khác, có đèn rọi cho những chi tiết chính của tác phẩm, người xem có thể sẽ hình dung khác về tác phẩm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chợ trưa” của Ma Thị Hiền

Festival mỹ thuật trẻ dành cho đối tượng tham dự là các nghệ sĩ từ 18 đến 35 tuổi, trong cả nước. Mặc dù họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) nhận xét phần lớn các tác phẩm trong triển lãm lần này là “quá cẩn trọng”, nhưng ông cũng dẫn chứng về các vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến cấp phép, thu hồi, tiêu hủy tranh… cho thấy những đường biên mà nghệ sỹ có thể gặp phải. Đáng lý, đại dịch Covid-19, hoàn cảnh cá nhân và xã hội, hoặc bất cứ hệ thống kiểm định nào cũng không phải là lý do để nghệ sĩ đánh mất chiều sâu trong sáng tác, hoặc đơn giản là những cảm xúc chân thật của tác phẩm. Nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hoài niệm” của Bùi Minh Nhật
Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đương đầu” của Quách Như Diện
Chú thích ảnh
Tác phẩm “Những mảnh ghép” của Nguyễn Trường An
Chú thích ảnh
Tác phẩm “Ngày mới đang đến” của Vàng Hải Hưng
Chú thích ảnh
Không gian rộng mà rất khó trưng bày tác phẩm

Festival mỹ thuật trẻ có 28 tác phẩm của 27 tác giả được trao giải. Trong có có 3 giải Nhất được trao cho: tác phẩm đồ họa Lặp của Phạm Thùy Dương (Hà Nội), tác phẩm điêu khắc Lũ thượng nguồn 2 của Trần Đình Thắng (TP.HCM), tác phẩm hội họa Tâm của Lâm Tú Trân (TP.HCM). Ngoài ra, Festival còn trao 6 giải Nhì, 9 giải Ba,10 giải Khuyến khích.

Bang Lang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›