(TT&VH) - Festival Mỹ thuật trẻ 2011 vừa khai màn tại Hà Nội, giới mỹ thuật đã xôn xao với thông tin về nghi án tranh “nhái” xuất hiện tại cuộc thi này. Theo đó, tác phẩm Chờ xử lý của họa sĩ Đỗ Trung Kiên giống đến 80% so với bức Phượt 2 của họa sĩ Nguyễn Quang Hải (hiện là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam) ra mắt từ tháng 5/2011.
Festival Mỹ thuật trẻ 2011 đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự, trong đó, 156 tác phẩm của 137 tác giả đã được lựa chọn trưng bày tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội).
Giống tới 80%...
Không ít người đã giật mình vì sự giống nhau đến kỳ lạ của Phượt 2 và Chờ xử lý. Ba chiếc xe trong hai tác phẩm “đứng” ở ba tư thế gần như giống nhau. Những chiếc Minsk đầy bụi đường buộc đằng sau những hành lý cồng kềnh, giống đến cả chiếc bình nước và mũ bảo hiểm. Còn sự khác biệt thì rất ít, ngoài màu sắc là những thay đổi mang tính tiểu tiết.
Chờ xử lý của Đỗ Trung Kiên
Được biết, họa sĩ Nguyễn Quang Hải từng học ở Nga. Tháng 5/2011, anh bảo vệ tốt nghiệp Cao học. Phượt 2, được sáng tác năm 2010, là một trong số các tác phẩm ra mắt dịp này. Giữa tháng 11 vừa qua, Phượt 2 tiếp tục được bày tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội) nhân ngày 20.11.
Vốn thích xe Minsk và thích phượt bằng xe máy, họa sĩ Quang Hải vẽ tác phẩm dựa trên cảm xúc và tư liệu của mình. Anh cho biết, ba chiếc xe được miêu tả trong tác phẩm chính là xe của anh, hai chiếc còn lại là của những người bạn chơi thân trong hội phượt. “Chiếc mũ trên xe đó là của tôi mà không ai có, vì tôi tự chế lấy. Xe Minsk không bao giờ có màu vàng, nhưng xe của tôi màu vàng vì chúng tôi đã sơn lại. Xe Minsk không có lốp ở bình xăng, nhưng tôi thích thế và tôi chế cho tôi, vậy mà tranh của cậu kia cũng có chi tiết đó…”, họa sĩ nói thêm. Trước câu hỏi liệu họa sĩ Đỗ Trung Kiên có phải là học trò và bị ảnh hưởng bởi tác phẩm của thầy, họa sĩ Quang Hải cho hay, anh chưa từng biết tới Đỗ Trung Kiên.
Họa sĩ Quang Hải chia sẻ thêm rằng, anh là một họa sĩ bình thường, không nổi tiếng gì, tranh chẳng bán được mà có người yêu quý tranh mình, thế là mừng. Nhưng theo quan điểm của anh, nếu chép chơi, chép vui hoặc sử dụng cá nhân thì không sao, chứ mang đi thi thố, trưng bày thì không nên. Tuy nhiên, trước vụ lùm xùm này, họa sĩ Quang Hải không muốn nói quá nhiều (dù người bạn trong giới cho biết, Quang Hải đã sốc nặng khi biết thông tin về vụ tranh “nhái” này) mà cho rằng, quyền phán quyết thuộc về những người có trách nhiệm trong Hội đồng nghệ thuật của Festival lần này.
Và Bức Phượt 2 của Nguyễn Quang Hải
Và câu hỏi dành cho Hội đồng nghệ thuật
Đây không phải lần đầu tiên những lùm xùm liên quan tới tranh “đạo”, tranh “nhái” xuất hiện trong những sự kiện mỹ thuật có quy mô toàn quốc. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, trong số những tác phẩm đoạt giải, Bình minh trên công trường của Lương Văn Trung đoạt Huy chương đồng bị phát giác giống hệt với tác phẩm Brigada (Đội lao động) của hoạ sĩ Nga M.C.Ombưs Cuznhexov sáng tác năm 1981. Năm 2010, bức Dưới mưa của Nguyễn Đức Khởi đoạt giải đồng cũng làm “dậy sóng” Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc vì bị cho là giống với loạt tranh về xe đạp của Trần Công Dũng.
Festival Mỹ thuật trẻ năm nay đã chọn 156 tác phẩm trưng bày và chấm giả từ gần 1.000 tác phẩm dự thi. Hội đồng nghệ thuật, ngoài một số thành viên không thuộc giới làm nghề, hầu hết là những người có tiếng của giới. Tuy nhiên, câu hỏi là vì sao một tác phẩm đang bị cho là giống tới 80% so với một tác phẩm đã được trưng bày tới hai lần tại ngay Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở giữa thủ đô Hà Nội mà họ (hay đúng hơn là chỉ cần một trong số họ) lại không phát hiện ra?
Thu Hằng