(Thethaovanhoa.vn) - Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) từng đi khảo sát về các không gian sáng tạo văn hóa ở một số tỉnh thành nước ta cho biết, những năm trở lại đây, các không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam ngày càng nở rộ. Nhưng hiện nay, gần như ta chưa có chính sách dành cho các không gian sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Mở đầu câu chuyện, bà Nguyễn Phương Hòa điểm lại các không gian sáng này:
- Đầu tiên và có lẽ được nhiều người nhớ đến nhất chính là khu Zone 9 - nơi mà các nghệ sĩ có thể cùng nhau trải nghiệm, gắn kết với nhau và cùng sáng tạo. Sau này khi Zone 9 không còn nữa, chúng ta chứng kiến sự ra đời của rất nhiều những không gian sáng tạo khác như Hanoi Creative City số 1 Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), Không gian MANZI tại 14 Phan Huy Ích (quận Ba Đình), Không gian CHULA ở 396 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Không gian tại sảnh tầng 1 Dolpin PLAZA ở 28 Trần Bình (quận Cầu Giấy) …
* Những không gian sáng tạo như bà vừa liệt kê đều là của cá nhân, còn nhà nước thì hầu như rất… ít?
- Ngoài những mô hình không gian sáng tạo của tư nhân như tôi vừa nhắc ở trên, đáng chú ý còn có sự thể nghiệm của đơn vị công lập của nhà nước. Đó là không gian VICAS Art Studio - Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Điều này cho thấy một cách tiếp cận cởi mở hơn từ phía các cơ quan Nhà nước.
* Vậy theo đánh giá của bà thì các không gian sáng tạo của cả tư nhân lẫn của đơn vị công lập nhà nước đã và đang phát triển như thế nào?
- Tôi nhớ Hội đồng Anh đã có ít nhất hai nghiên cứu độc lập về các không gian sáng tạo ở Việt Nam. Trong báo cáo của dự án này có đánh giá về sự phát triển của các không gian sáng tạo ở Việt Nam tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, mà có hiện tượng “sớm nở tối tàn”, mở ra thì nhanh nhưng duy trì thì khó.
Dẫu vậy, cũng có những sự nỗ lực đáng ghi nhận và những mô hình hoạt động thành công như Manzi tại Hà Nội với rất nhiều hoạt động nghệ thuật phong phú, có uy tín hay Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (Thảo Điền, TP.HCM) được vận hành hết sức chuyên nghiệp…
Một điểm đáng chú ý là gần đây có những tập đoàn tư nhân đã tiếp cận xu hướng thế giới, quan tâm đầu tư và bảo trợ cho văn hóa, nghệ thuật. VCCA (của Vingroup ở Royal City) là một không gian mở để các nghệ sỹ đương đại đưa tác phẩm của mình đến với công chúng và công chúng Việt Nam được tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.
Vừa qua, Cục Nhiếp ảnh Mỹ thuật và Triển lãm đã tổ chức Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sỹ tiêu biểu châu Á về nghệ thuật đương đại, giới thiệu những phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo của các nghệ sỹ tên tuổi trong khu vực, cho thấy sự chủ động hội nhập quốc tế từ phía cơ quan quản lý Nhà nước với cách tiếp cận cởi mở, sẵn sàng đón nhận và tiếp thu những giá trị mới, đồng thời tạo sân chơi cho các nghệ sỹ trong nước được giao lưu và giới thiệu tới công chúng.
* Theo bà thì vì sao nhiều không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ta lại “sớm nở, tối tàn”?
- “Sớm nở tối tàn” vì môi trường họat động của các không gian sáng tạo ở Việt Nam có những điểm khác so với thế giới. Ở nhiều nước phát triển, họ có các quỹ dành cho sáng tạo, và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các nghệ sỹ độc lập hoặc các tổ chức văn hóa, nghệ thuật có thể đăng ký nộp hồ sơ xin tài trợ. Ở Việt Nam chưa có mô hình các quỹ, do vậy những người chủ các không gian sáng tạo phải từ tìm nguồn tài chính hoặc tự đóng góp chi phí để vận hành.
Không có nguồn tài chính đảm bảo về lâu dài, và bản thân các không gian cũng chưa có kế hoạch kinh doanh, vận hành tốt nên rất khó duy trì hoạt động.
Một yếu tố quan trọng nữa đó là hầu hết các không gian sáng tạo đều hoạt động phi lợi nhuận, do đó không thể có các nguồn thu để bù đắp cho các chi phí. Một số năm trước, ở Việt Nam còn có quỹ của một số sứ quán và trung tâm văn hóa nước ngoài hỗ trợ phần nào, nhưng những năm gần đây không có nữa.
* Vậy theo bà thì cần phải làm gì để các không gian sáng tạo tránh được hiện tượng như bà vừa phân tích? Và, các không gian sáng tạo có nên “liên kết lại” để cùng phát triển?
- Thời gian trước, tôi cùng một số chuyên gia của UNESCO đi nghiên cứu một số không gian sáng tạo tại Hà Nội, TP.HCM và Huế, tôi cũng đặt câu hỏi này với những người sáng lập và vận hành các không gian sáng tạo, liệu họ có cảm thấy áp lực phải cạnh tranh với nhau hay không? Chủ các không gian sáng tạo đều trả lời là họ không hề cảm thấy đang phải chịu áp lực cạnh tranh, mà ngược lại, họ có nhu cầu tự thân cần liên kết hợp tác với nhau để cùng nhau tạo nên sức mạnh của các không gian sáng tạo.
* Vậy còn vai trò của Nhà nước đối với “sự sống chết” của các không gian sáng tạo, thưa bà?
- Nhà nước giữ vai trò hình thành khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo hoạt động hợp pháp, ban hành các chính sách, các biện pháp hỗ trợ như đơn giản hóa thủ tục hành chính, cấp phép, ưu đãi thuế, đất đai…
Hiện nay, gần như ta chưa có chính sách dành cho các không gian sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Vì thế, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, hoạch định chính sách về vai trò của các không gian sáng tạo, bởi nếu được vận hành tốt, các không gian sáng tạo sẽ là nơi khơi gợi, nuôi dưỡng những ý tưởng mới, tạo được sự liên kết trong cộng đồng xã hội, hình thành bản sắc của đô thị, thậm chí trở thành thương hiệu cho thành phố đó.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Đối thoại với các nhà lập pháp về các không gian sáng tạo “Cũng trong năm 2019, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có cuộc đối thoại với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN, Hội đồng Anh và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật về các không gian sáng tạo. Tại cuộc tọa đàm này, chủ các không gian sáng tạo và các bên liên quan đã có cơ hội đối thoại với các nhà lập pháp để cùng đạt được hiểu biết chung về nhu cầu và vai trò của các không gian sáng tạo. Đó là một tín hiệu tích cực hứa hẹn mở ra những hướng phát triển mới mang tính bền vững hơn cho các không gian sáng tạo ở Việt Nam” (Phát biểu của bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế). |
Phạm Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Tags